Không dừng VNEN, chất lượng giáo dục sẽ giảm

Ngày 10/08/2016 08:43 AM (GMT+7)

PGS Văn Như Cương đề xuất, Bộ GD&ĐT nên bỏ hẳn VNEN vì nếu không chất lượng giáo dục sẽ giảm.

Sau gần 4 năm triển khai mô hình trường học mới (VNEN), có 2.365 trường tiểu học áp dụng, chiếm gần 30% tổng số trường trên toàn quốc. Song thời điểm này, nhiều địa phương như Hà Giang, Hà Tĩnh, Vũng Tàu… đã quyết định dừng, không nhân rộng mô hình. PGS Văn Như Cương đề xuất, Bộ GD&ĐT nên bỏ hẳn VNEN vì nếu không chất lượng giáo dục sẽ giảm.

Không dừng VNEN, chất lượng giáo dục sẽ giảm - 1

PGS Văn Như Cương

Nhiều địa phương dừng triển khai

Năm 2013, dự án VNEN bắt đầu áp dụng vào các trường tiểu học tại Việt Nam với sự tài trợ của Tổ chức quỹ giáo dục toàn cầu ủy thác qua Ngân hàng Thế giới và UNESCO giám sát, điều phối dự án với số tiền lên tới 84,60 triệu USD. Mô hình xuất phát từ Colombia, được đưa vào Việt Nam nghiên cứu vận dụng giai đoạn 1 từ tháng 1/2013 đến hết tháng 5/2016.

Ban đầu, dự án tập trung triển khai vào 1.447 trường trường tiểu học trên toàn quốc với mục tiêu đổi mới hoạt động dạy học, chuyển vai trò của giáo viên từ truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn cho học sinh tự học. Chỉ sau 3 năm, từ 48 trường thí điểm ban đầu, Hà Tĩnh đã cho nhân rộng lên tới 129/267 trường tiểu học. Năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục triển khai đại trà mô hình VNEN ở cấp tiểu học và mô hình trường học mới ở cấp THCS thì bị Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh ra văn bản “tuýt còi” yêu cầu sở dừng lại và nghiêm túc kiểm điểm. Sau khi có lệnh dừng, một lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng: “Thực hiện đổi mới là cần thiết nhưng phải có lộ trình và phương thức quản lý. Nếu vội vàng triển khai khi chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất, sở không giám sát được ít năm tới sẽ trả giả bằng chất lượng giáo dục”.

Tương tự, sau 5 năm triển khai, Hà Giang đánh giá mô hình còn nhiều vấn đề bất cập nên ngày 4/7 UBND tỉnh Hà Giang có văn bản yêu cầu sở giáo dục dừng triển khai mô hình VNEN cũng như dừng sử dụng tài liệu mô hình trường học mới để giảng dạy. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang Vũ Văn Sử nêu lý do: “Điều kiện cơ sở vật chất địa phương chưa đầy đủ, mặt bằng giáo viên không đồng đều nên rất khó khăn trong việc triển khai. Chưa kể, mô hình không được sự đồng tình của phụ huynh và một số giáo viên”.

Bộ không áp đặt

Tại cuộc họp bàn góp ý, sửa đổi mô hình trường học mới (VNEN), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận: “Trong quá trình triển khai, chỉ đạo có phần chưa thấu đáo, hỗ trợ kỹ thuật chưa kịp thời”. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ chỉnh sửa một số nội dung của mô hình và để các địa phương vận dụng linh hoạt, bộ không áp đặt.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng trường Lương Thế Vinh cho rằng, đây là dịp Bộ nên cân nhắc bỏ hẳn mô hình này, bởi chưa có nghiên cứu, đánh giá nào khẳng định VNEN là mô hình hiệu quả. Theo ông Cương, khi triển khai một mô hình mới trước hết phải làm thí điểm, điều tra cơ sở vật chất, lấy ý kiến giáo viên, học sinh…phù hợp thì mới triển khai. Trong khi, quan sát dự án từ khi về Việt Nam được thực hiện ồ ạt, chưa tổng kết, đánh giá có địa phương đã dự kiến làm đại trà là nóng vội, chủ quan. Cách bê nguyên mô hình về áp dụng, rập khuôn từng chức danh “chủ tịch hội đồng”, “trưởng ban đối ngoại”, loại bỏ phương thức giảng dạy truyền thống…là rất khôi hài.

“Nếu không tính chuyện dừng, ít năm nữa chất lượng giáo dục sẽ giảm”, ông Cương nói.

Theo Nguyễn Hà
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h