Sau khi sinh con, sản phụ nhí có những biểu hiện tâm lý thất thường. Điều này khiến bố em lo lắng, tạm nghỉ công việc, ở cạnh con gái 24/24 để chăm sóc.
Vụ án bé Đ.T.N.L 12 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội bị xâm hại, dẫn đến sinh con gây chấn động dư luận đã có quyết định khởi tố để điều tra. Lực lượng chức năng cũng có biện pháp ngăn chặn, cấm nghi phạm đi khỏi nơi cư trú. Mẫu ADN của con trai bé L. cũng đã được thu thập.
Anh Đ.N.A, bố bé L. đã chia sẻ với chúng tôi về tình hình mới nhất của bé L., cũng như những định liệu của anh, sau 1 tuần con gái sinh mổ.
Sản phụ nhí đã xuất viện
Anh Đ.N.A cho hay, cháu L. đang ở giai đoạn dần dần hồi phục về thể chất sau khi sinh con. Cháu đã được ra viện thứ bảy tuần trước (ngày 20/4), và có tiến triển tốt về sức khỏe, không xuất hiện triệu chứng gì đáng lo ngại.
“Đến giờ phút này, cháu nó vẫn là trẻ con. Cơ thể cháu có những biến đổi của phụ nữ sau sinh nở, tôi cũng cố gắng để cho cháu ăn uống, kiêng cữ giống như các sản phụ khác.
Cháu ăn uống tốt, và cũng khá nghe lời khi bố cho ăn chế độ cơm cữ. Cháu nó không hình dung được những chuyện khác (nguy cơ về sức khỏe người mẹ sau khi sinh nở - PV) nên thích chạy nhảy nhiều, tôi cũng khó mà can thiệp”, anh cho hay.
Có một nhóm công tác xã hội đã hỗ trợ gia đình anh Đ.N.A thuê nơi khác để ở và hỗ trợ anh chăm sóc, hướng dẫn con gái những vấn đề tế nhị của phụ nữ. Họ cũng hỗ trợ một chút về tiền ăn uống hàng tuần, chăm sóc dinh dưỡng để giúp con gái anh phục hồi tốt hơn.
Ngoài ra, cũng có đại diện hội phụ nữ, hội bảo vệ trẻ em đến tiếp xúc và tư vấn thêm các vấn đề liên quan cho anh A.
Anh Đ.N.A, bố bé gái 12 tuổi sinh con
Anh nói thêm: “Tôi cũng đang cố gắng hết sức chăm sóc thể chất cho cháu, mong cháu khỏe lại. Hiện tại vết mổ của cháu ổn định. Từ khi ra viện đến giờ, tôi đang không cho cháu va chạm xã hội ở ngoài.
Tôi ở cạnh con 24/24, và gần như cách ly cháu với mạng internet, không để cháu tiếp xúc với người lạ hay đọc các tin tức liên quan đến vụ án. Tôi muốn chăm để con ổn định sức khỏe đã, sau đó sẽ tiếp tục điều trị tâm lý”.
Đang cách ly tại “nhà tạm lánh”, có biểu hiện lo lắng, không muốn rời bố
Thời điểm con gái chuẩn bị sinh, anh A. đã liên hệ Tổng đài 111 để nhờ hỗ trợ, đặc biệt là chăm sóc tâm lý. Sản phụ 12 tuổi đã được trị liệu 2 buổi với các chuyên gia, nhưng từ khi sinh con, bé phải ở cữ, không đi ra ngoài nên hoạt động này đang tạm dừng.
Anh A. xót xa nói: “Sau khi sinh con, cơ thể con gái tôi có sự thay đổi, nên tâm lý cũng có sự khác biệt so với trước kia. Dù cháu không có biểu hiện gì giống như một người mẹ, cũng không đề cập đến con, không hỏi về bụng bầu, nhưng tôi thấy thi thoảng cháu ngơ ngẩn như thể đang mất mát một cái gì đó.
Thấy con lúc thì bơ vơ, lẻ loi, thui thủi một mình, lúc lại thích chạy chơi, tôi lo lắm nên ở cạnh suốt, không dám rời con.
L. bị mẹ bỏ từ khi nhỏ, vốn rất quyến luyến, gần gũi bố; giờ lại càng “bám” bố hơn. Tôi phải tạm nghỉ việc để chăm con qua giai đoạn đầu này đã”.
Điều khiến anh lo lắng nhất hiện tại, là sau này, khi cháu L. đi học trở lại, anh không thể chặn hết những thông tin về vụ việc cũng như bàn tán của dư luận. Anh sợ cháu L. nghe thấy sẽ bị ảnh hưởng.
Sau khi sinh con, cháu L. lúc thích chạy nhảy, lúc lại ngơ ngẩn, "bám" bố khiến anh A. bất an
“Là bố, chăm sóc con từ nhỏ nhưng những chuyện tế nhị của phụ nữ, rồi tâm lý người mới sinh, tôi rất khó để nói chuyện, giải thích với con. Ai cũng bảo lúc này mà có mẹ chăm sóc thì đỡ hơn, nhưng hơn chục năm nay tôi không gặp mẹ cháu L., không biết tung tích, không biết mẹ cháu có biết chuyện của con không. Nên chỉ hai bố con dựa vào nhau, cùng sự giúp đỡ của mọi người mà vượt qua thôi.
Tôi nuôi nấng con từ khi bé bỏng, chỉ muốn sống đời bình dị, con lớn lên thành người, không sai phạm đạo đức là được. Giờ con gặp nỗi đau lớn này, tôi chỉ muốn dạy con có thể đương đầu, tiếp tục lớn lên”, anh tâm sự.
Cân nhắc tương lai của cháu ngoại
Hiện tại, bé trai con của cháu L. vẫn đang được anh A. gửi tạm tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội, được các nhân viên y tế chăm sóc. Anh cho biết, bệnh viện cho gia đình gửi 1 tháng để ổn định cuộc sống, sau đó sẽ phải đón cháu bé về.
Anh A. đang cân nhắc một số phương án để nuôi dưỡng đứa trẻ. Ở miền Nam, anh có hai người chị gái độ tuổi 60, chưa có chồng, ngỏ ý muốn nhận nuôi giúp em bé. Với phương án này, sau khi cháu ngoại anh ra viện, anh cần chăm sóc một thời gian rồi làm giấy khai sinh để cháu bé có thể đi máy bay.
Điều anh A. lo ngại là trong thời gian đón cháu ngoại về để làm giấy tờ, một mình anh vừa lo cho con vừa chăm cháu sơ sinh có lẽ sẽ hơi khó. Anh cũng không muốn để hai mẹ con gặp nhau giai đoạn này, để tránh những cú sốc tâm lý cho cháu L.
Anh A. cũng cân nhắc phương án gửi cháu ngoại ở trung tâm bảo trợ tại miền Bắc một thời gian, để tiện thăm nom, cập nhật tình hình.
“Tôi xác định gửi cháu chỗ nào cũng muốn mình được quyền đi lại và góp trách nhiệm nuôi dưỡng cháu. Về kinh tế, tôi nghèo thật nhưng không muốn bỏ mặc cháu bé.
Nếu bỏ cháu đi, tôi không đành. Đứa trẻ là hậu quả để lại từ nỗi đau của con tôi, nhưng cũng là cháu ngoại tôi. Tôi cũng sợ sau này khi con lớn lên, nhìn lại cháu sẽ nhớ quá khứ đen tối nhất của nó. Nhưng tôi cũng muốn con sẽ vượt qua điều đó để nhìn nhận đấy là đứa trẻ vô tội, được sinh ra từ máu thịt của mình”.