Cơ quan điều tra đã bắt 1 nhân viên trong vụ 7 công nhân tử vong ở Nhà máy xi măng Yên Bái, trong khi đó còn nhiều câu hỏi chưa được làm rõ trong vụ thảm kịch này.
Bất cẩn trong quá trình ngắt, mở điện là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch?
Liên quan đến vụ tai nạn lao động tại Nhà máy xi măng thuộc Công ty cổ phần Xi măng và khoáng sản Yên Bái (tổ 12, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) khiến 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về an toàn lao động” để làm rõ nguyên nhân gây ra 'thảm kịch'.
Qua thu thập chứng cứ, lời khai và khám nghiệm hiện trường, Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam với Trần Mạnh Hùng (sinh năm 1980, trú tại tổ 8, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái), là nhân viên cân băng liệu của Nhà máy xi măng để điều tra về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”, quy định tại khoản 3 Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nam nhân viên Nhà máy Xi măng Yên Bái bị khởi tố. Ảnh: Bộ Công an
Hiện cơ quan điều tra chưa có kết luận và chưa thông tin cụ thể về sai phạm của nghi can Trần Mạnh Hùng, tuy nhiên đại diện Nhà máy Xi măng Yên Bái (thuộc Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái) cho biết, theo đúng quy trình an toàn lao động, sau khi ngắt điện, các thợ vào trong lồng tiến hành siết các ốc vít và thay các tấm lót. Do bất cẩn trong quá trình ngắt, mở điện, động cơ chính máy nghiền số 3 hoạt động trong khoảng 30 giây, dịch chuyển lò gây tai nạn lao động nghiêm trọng.
Máy nghiền hoạt động như thế nào?
Máy nghiền bi là thiết bị được áp dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực như sản xuất xi măng, chế biến quặng sắt, ngành vật liệu xây dựng, ngành sắt thép, và công nghiệp hóa chất. Thiết kế của máy nghiền bi phục vụ cho các quá trình nghiền các vật liệu từ thô thành mịn và cả cực kỳ mịn, có khả năng hoạt động theo hai cách là nghiền theo phương pháp khô hoặc phương pháp ướt.
Theo một chuyên gia máy sản xuất vật liệu xây dựng trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM, khi máy nghiền bi hoạt động và sinh ra lực ly tâm đẩy những viên thép bi lên tới độ cao nhất định rồi rơi xuống, đập mạnh để nghiền vỡ vật liệu trong khoang nghiền.
Tất cả các loại vật liệu cần được nghiền nhỏ như quặng, sỏi, đá, kim loại cứng, ... đều được biến thành dạng bột mịn sau quá trình nghiền. Kế tiếp, chúng được thải ra ngoài thông qua hệ thống ly tâm cyclone để hoàn tất công đoạn nghiền của máy nghiền bi, trước khi tiếp tục các giai đoạn tiếp theo trong chuỗi sản xuất nghiền quặng.
Cấu tạo máy nghiền bằng bi. Ảnh: Đơn vị cung cấp thiết bị
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Tiến Dũng, chuyên gia về cơ khí chế tạo máy cho tờ Sức khỏe & Đời sống hay, khi máy nghiền bi hoạt động và sinh ra lực ly tâm đẩy những viên thép bi lên tới độ cao nhất định rồi rơi xuống, đập mạnh để nghiền vỡ vật liệu trong khoang nghiền.
Đối với nhân viên thực hiện công việc sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị như máy nghiền, việc nắm rõ và thực hiện chính xác quy trình an toàn Lockout/Tagout (LOTO) là hết sức quan trọng.
LOTO là một quy trình an toàn bao gồm các bước: ngắt nguồn điện, khóa và gắn nhãn cảnh báo, và sau cùng là mở khóa và gỡ nhãn cảnh báo khi hoàn thành công việc. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình LOTO giúp loại bỏ rủi ro gặp phải chấn thương do thiết bị máy móc được kích hoạt không mong muốn trong quá trình bảo trì.
Quy trình an toàn lao động đã đảm bảo?
GS.TS Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội Khoa học ATVSLĐ Việt Nam cho biết trên Tạp chí Lao động & Công đoàn rằng đến thời điểm này chưa thể nêu ra kết luận về nguyên nhân của vụ tai nạn lao động vì cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra kĩ lưỡng.
Tuy nhiên, từ góc độ kỹ thuật an toàn lao động có thể thấy, trước hết máy nghiền số 3 xảy ra sự cố của Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và cần tuân thủ kiểm định theo định kỳ mà pháp luật quy định.
Máy nghiền nơi xảy ra sự cố. Ảnh: TPO
Trong vụ tai nạn kể trên, công nhân bị thương kể lại rằng đã cố gắng lết đến trung tâm điều khiển để ngắt điện, cho máy dừng hoạt động hoàn toàn. Nhưng thời điểm đó, trung tâm điều khiển không có người. Công nhân này phải mất thời gian nhấn tất cả các nút điều khiển cuối cùng mới tắt hẳn máy.
Điều này đặt ra dấu hỏi là vào thời điểm xảy ra tai nạn, trung tâm điều khiển có người trực và kiểm soát mối nguy hay không?
Với những thông tin đã được công bố về sự cố, Viện trưởng Viện khoa học An toàn và Vệ sinh lao động Nguyễn Anh Thơ chỉ rõ trên tờ Dân Trí rằng, nhiều bước an toàn bắt buộc trong quy trình bảo trì, bảo dưỡng tại một nhà máy có quy mô vừa đã không được thực thi.
Ông Nguyễn Anh Thơ nói với nguồn trên: "Một hệ thống máy móc công nghệ được bảo dưỡng với cả đội 10 người mà đột ngột hoạt động lại trong khi đang dừng, thật quá sức tưởng tượng. Nguyên nhân của việc máy nghiền hoạt động sẽ được điều tra cụ thể. Song có thể thấy, một hệ thống công nghệ đang được bảo dưỡng dù có người hay không đều không thể tự động".
Làm gì để tránh thảm kịch?
Sau vụ tai nạn khiến 7 người tử vong, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đã ký công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động và xử lý vụ việc tai nạn lao động xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng cần phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan chỉ đạo doanh nghiệp rà soát kỹ các quy định, tiêu chuẩn, quy trình khai thác, chế biến khoáng sản làm xi măng, vật liệu xây dựng khác, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động. Thường xuyên kiểm tra công tác an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. Xử lý nghiêm các vi phạm quy định của pháp luật về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình; cương quyết dừng thi công, dừng sử dụng máy, thiết bị khi phát hiện vi phạm về an toàn lao động.
Sở Y tế chỉ đạo tổ chức hoạt động thông tin giáo dục truyền thông, hướng dẫn, giám sát, tập huấn, huấn luyện chuyên môn, kỹ thuật về vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu người lao động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong Khu công nghiệp thực hiện các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật lao động. Chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm Luật An toàn vệ sinh lao động.