Nghề lo “hậu sự” cho người xấu số

Ngày 02/06/2013 10:41 AM (GMT+7)

Hơn 14 năm làm nghề, a Hoàn, chị Hoa không thể nhớ rõ mình đã chăm lo “hậu sự” cho bao nhiêu người xấu số.

Chỉ nhớ rằng trong những năm tháng ấy, vợ chồng chị đã phải trải qua rất nhiều khó khăn kể cả việc cố gắng xóa đi sự kì thị của hàng xóm láng giềng.

Đến với nghề bằng 1 triệu đồng!

Chị Ngọc Thị Hoa, chủ xưởng mộc dân dụng Hoa Hoàn, xóm 3, xã Hưng Chính, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) còn khá trẻ, gương mặt tươi tắn, nhưng nói về tuổi nghề lại là người khai sinh ra làng “hậu sự” của địa phương này. Chị Hoa kể, lúc chị cùng chồng là anh Hoàng Nghĩa Hoàn tìm đến nghề, trong tay không có đồng nào ngoài 1 triệu và 1 chỉ vàng vay được. Cả hai vợ chồng tự tìm hiểu, vay vốn rồi lập nên cái nghề mà giờ chị nói là “hồi ấy ai đi ngang qua cũng sợ”. Khi được hỏi tại sao chị không chọn một cái nghề khác “nhẹ nhàng” hơn, giọng chị trùng xuống: “Nghề thì có nhiều, nhưng vợ chồng tôi muốn làm một cái gì đó chia sẻ được với nỗi đau của con người”.

Kỉ niệm mà chị không thể quên, giờ nhắc lại vừa thấy nản, vừa thấy buồn cười ấy là 3 tháng đầu tiên làm nghề, công việc của hai vợ chồng chị chỉ có “sáng bê ra, tối bê vào”. Chị nói hồi đó cuộc sống của người dân còn khó khăn, người ta không nghĩ là sẽ bỏ tiền ra để mua thứ mà họ có thể tự làm được. Nghề hậu sự như một cái gì đó xa lạ, kiêng kị nên cuộc sống gia đình dường như bị tách biệt vì người dân họ sợ mỗi lần đi qua. Đã có lúc họ không dám nhìn vào trong nhà chị, cố gắng để bước qua thật nhanh. Mặt khác, bấy giờ do nghề chưa bắt nhịp được với thị trường nên bán không có ai mua. Lúc đó, chị Hoa phải tự tìm việc làm thêm, ai thuê gì thì làm nấy mới có đủ tiền trang trải hàng ngày.

Giờ không còn khó khăn như gần 14 năm trước nhưng nhiều lúc nghĩ lại, chị Hoa thấy chạnh lòng: “Có những hôm đang ngủ, có khách gọi là hai vợ chồng lại phải thức dậy giữa đêm khuya. Những lúc đang ăn cơm lại phải bỏ đấy để ra lo cho khách. Mà lo xong những việc đấy thì đâu thể ăn được nữa. Mặt khác, bấy giờ hàng xóm kiêng kị nên chẳng người nào qua nhà chơi. Ngay cả việc đi ngang qua nhà họ cũng không dám nhìn vào, mà chỉ làm sao để đi qua nhà thật nhanh. Hoặc nếu có người đến chơi thì họ cũng tỏ ra ái ngại, không dám ngồi. Nể lắm, họ ngồi xuống nhưng cũng chẳng uống nước vì họ cho rằng những gì liên quan đến xác chết đều lắm âm khí, điều đó chỉ đem lại cho người khác đen đủi, xui xẻo chứ không có may mắn nên tốt nhất là tránh ”, chị Hoa kể.  14 năm chăm lo hậu sự cho những người xấu số, 14 năm tưởng chừng đã quen với cảm xúc để dằn lòng mình lại khi chứng kiến những chia li thế nhưng xen giữa quãng thời gian đó, có một sự việc đã trở thành nỗi ám ảnh mà chị Hoa không bao giờ muốn nhắc tới.

Đó là vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào năm 2010 của chiếc xe chở khách từ Đacknong ra Bắc, tới địa phận xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) thì bị nước lũ cuốn trôi. Chị Hoa nhớ lại trong ngày hôm đó, liên tục có người nhà của nạn nhân đến đặt “hậu sự”. Tổng số “hậu sự” của riêng vụ tai nạn lên tới 10 chiếc - giọng chị như trùng xuống. “Chuyến xe định mệnh đó lấy đi nước mắt của thân nhân những người xấu số và của cả người dân Hà Tĩnh bởi vì chứng kiến cảnh người ta trục vớt xe, tìm kiếm thi thể nạn nhân không ai tránh khỏi đau lòng. Rồi người ta đến đặt “hậu sự”, một lần nữa đập vào mắt tôi là tột cùng đau khổ của những gương mặt vô hồn, thất thần hay những tiếng gào khóc trong vô vọng. Lòng thương và sự đồng cảm làm tim tôi quặn thắt, cổ họng nghẹn lại như có một vật gì đó chặn ở giữa.

Nghề lo “hậu sự” cho người xấu số - 1
Hơn 14 năm làm nghề, a Hoàn, chị Hoa không thể nhớ rõ mình đã chăm lo “hậu sự” cho bao nhiêu người xấu số.

Cứ như thế, cho đến khi làm đến “hậu sự” thứ 5, chân tôi như không thể đứng vững được nữa, hai tay run không làm gì được, mới thấy rằng cuộc sống thật mong manh “sống nay chết mai” chẳng ai có thể đoán trước”. Cả ngày hôm đó và mấy ngày sau, tôi cũng như người mất hồn, hai đứa con thỉnh thoảng chạy lại lay người mẹ hỏi mẹ có chuyện gì, tôi chỉ lắc đầu, nghĩ về những người bất hạnh nằm lại dưới đáy sông, nghĩ về nỗi đau tột cùng của gia đình nạn nhân, nghĩ về số phận… 14 năm qua chưa từng có 1 vụ tai nạn nào thảm khốc như thế và cũng chưa từng có 1 tình huống nào khiến tôi thấy sợ hãi, hoang mang khi hình dung thấy đường biên giữa sự sống và cái chết, chị Hoa ngậm ngùi.

Éo le chuyện nghề

Thoát khỏi nỗi ám ảnh mấy năm trước, chị Hoa chia sẻ: “Bây giờ kinh tế gia đình phần nào ổn định, con cái được học hành tử tế. Thế nhưng cũng có những vất vả mà có lẽ chỉ có người làm nghề như chúng tôi mới hiểu được, đôi lúc cũng thấy nản lắm cô ạ”. Chị kể có những đêm làm đến khuya, rồi vừa đặt lưng được chốc lát thì có khách gọi, hai vợ chồng cũng phải thức dậy để làm cho khách. Nào là hậu sự, khâm lượm... xong xuôi cũng phải vài ba tiếng, thế là chẳng thể ngủ được nữa, mất ngủ nên trông ai cũng mệt mỏi, chẳng có mấy đêm mà được ngủ trọn giấc. Rồi những bữa cơm gia đình dở dang, đang ăn thì phải chạy ra làm, mấy đứa con cũng buồn vì chúng hay phải tự ngồi ăn với nhau. Chưa kể hồi còn chưa có máy móc, hai vợ chồng chỉ biết thức thâu đêm suốt sáng ngồi cưa gỗ bằng tay. Rồi phải chạy khắp miền núi Con Cuông, Quế Phong, Hương Sơn… tìm mua gỗ, vào tận Sài Gòn để chụp các bảng thiết kế mẫu, logo...

Nhìn mấy đứa con, chị Hoa tự hào: “Có lẽ chúng là niềm động viên lớn nhất của vợ chồng tôi, vì ít ra có con cái hiểu được cái nghề của bố mẹ nó làm. Nên dù bạn bè hay chọc ghẹo “bố mẹ mày làm “quan”, chẳng có đứa nào phàn nàn mà ngược lại còn tự hào về bố mẹ”. Gây dựng được làng nghề từ 2 bàn tay trắng, vợ chồng chị Hoa cũng gây dựng được uy tín, sự quý mến của hàng xóm dành cho mình. Chị nói trước đây họ ái ngại bao nhiêu thì giờ họ tôn trọng và quý mến bấy nhiêu. Chị Hoa chân thành cho biết đã làm cái nghề này phải có tâm. Không thể vì ham lợi mà chọn gỗ không đảm bảo. Lúc nào cũng phải đặt chất lượng của sản phẩm lên trên hết, rồi sau đó mới đến làm vừa lòng  khách về hình thức, mẫu mã.

“Tôi thường nói với các con, mình làm nghề này là mình chia sẻ được với nỗi đau chung của nhiều người, cả người đã khuất lẫn người ở lại vì có những gia đình quá khó khăn, họ không đủ tiền để lo một cái hậu sự trọn vẹn cho người xấu số; có những hoàn cảnh mà khi chứng kiến, trái tim một người ngoài cuộc không khỏi xót xa”, chị Hoa tâm sự. Chị nói thêm bây giờ đời sống đã khá hơn, người ta bận rộn với đủ thứ chuyện nên họ thực sự cần những người làm nghề hậu sự như chúng tôi. Hàng xóm người ta thấy ý nghĩa của nghề mà tôi làm, thanh niên, học sinh cũng thường đến xưởng tôi nhận phụ việc nên giờ họ quý mình lắm.

Quan sát thì thấy bên cạnh xưởng mộc Hoa Hoàn còn có năm xưởng mộc nữa, hỏi ra mới biết chủ các xưởng đó đều đã từng làm việc cho chị Hoa. Bây giờ tìm đến xóm 3, Hưng Chính đã có 6 “lò hậu sự”, người dân vẫn quen gọi là “làng nghề hậu sự”. Chị Hoa tự hào lắm khi được hàng xóm ủng hộ, lãnh đạo xã thì động viên khuyến khích. Và cái tên Hoa Hoàn được nhắc đến trong các cuộc họp bình bầu, hội nghị doanh nghiệp như một tấm gương về lao động và đạo đức.

Bà Nguyễn Thị Huyền Cơ - Trưởng xóm 3, xã Hưng Chính cho biết:  “Mọi người ai cũng ủng hộ vợ chồng chị Hoa vì hoạt động của xưởng không ảnh hưởng đến thôn xóm, lại tận dụng được nguồn gỗ hợp lý. Xưởng mộc Hoa Hoàn từ hai bàn tay trắng đi lên, đấy là điều rất đáng tuyên dương và khuyến khích”.

Theo Thùy Liên (Báo Lao Động)
Nguồn: