Tâm sự cháy lòng của mẹ và vợ lính đảo Trường Sa

Ngày 01/06/2014 07:42 AM (GMT+7)

Những tháng ngày xa con biền biệt, người mẹ chỉ biết thắp những nén hương lên bàn thờ của chồng, cầu mong phù hộ cho người con trai ở nơi đảo xa được bình an, mạnh khỏe.

Còn người vợ ở quê nhà, luôn cố gắng để anh yên tâm công tác, mặc dù sự thiếu thốn tình cảm, nhớ chồng nhiều khi khiến chị chạnh lòng đến ứa nước mắt.

“Ở đâu cũng là nhiệm vụ thiêng liêng của người lính”

Giữa cái nắng chói chang mùa hè, bên ngôi nhà nhỏ ở làng Phù Yên (xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), bà Ngô Thị Đề (SN 1959) đang lúi húi cắt những mớ rau muống để chuẩn bị cho buổi chợ chiều. Công việc hàng ngày mà bà vẫn làm mấy năm nay, kể từ ngày người con trai cả Nguyễn Văn Quynh đi nhận nhiệm vụ công tác nơi đảo xa Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa).

Bà Đề cho biết, hai vợ chồng sinh thành được 4 người con thì nay đều đã trưởng thành, người thì lập gia đình, người thì đang theo học, người đang công tác xa nhà. “Mỗi mình ở nhà nên cũng quanh quẩn với ruộng vườn. Tuy con cái đã trưởng thành, có công việc ổn định cả nhưng tôi thấy vẫn còn sức khỏe nên tự lo cho mình được. Trước các con đi học thì tôi làm giúp viện ở trên trung tâm Hà Nội để kiếm thêm đồng ra, đồng vào. Khi đứa con trai cả ra Trường Sa nhận nhiệm vụ thì tôi về nhà chăm sóc ruộng vườn, hương khói cho chồng. Với tôi, niềm tự hào về các con vẫn là sự tự lập, biết vươn lên trong khó khăn và đùm bọc, yêu thương lẫn nhau. Tự hào hơn nữa là người mẹ của con trai đang làm nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc”, bà Đề tâm sự.

Tâm sự cháy lòng của mẹ và vợ lính đảo Trường Sa - 1

Bà Ngô Thị Đề, mẹ của Đại úy Nguyễn Văn Quynh

Chồng mất sớm vì bệnh nặng, một mình bà Đề ở vậy nuôi các con khôn lớn, học hành đến nơi đến chốn. “Nhà tôi mất khi thằng Quynh mới học lớp 11. Thương mẹ vất vả, Quynh quyết tâm học thật giỏi để thi vào trường quân sự, vừa là niềm yêu thích của nó, vừa không phải mất tiền học phí. Ra trường, sau mấy năm làm nhiệm vụ trên đất liền, cách đây 3 năm Quynh xung phong đi ra đảo Song Tử Tây. Cả gia đình mỗi mình nó là con trai, tôi cũng mong được gần con, lúc ốm đau, bệnh tật nhưng vì nhiệm vụ của Tổ quốc, ai cũng phải hi sinh tình cảm cho riêng mình”, bà Đề chia sẻ.

Chỉ lên bức tường đầy những tấm Bằng khen, Giấy khen thành tích của con từ lúc học ở Học viện Phòng không không quân rồi những năm tháng công tác tại đảo Trường Sa, bà Đề tự hào: Bố mất sớm nên mọi gánh nặng của gia đình một mình tôi phải gánh vác. Thương mẹ, từ lúc còn học lớp 11, Quynh đất biết lo toan những việc nặng nhẹ trong gia đình và bảo ban, dạy dỗ các em học tập. Đi học xa nhà, rồi sau này ra trường, Quynh vẫn luôn là nguồn động viên lớn, sự an tâm cho mẹ và các em về mặt tinh thần.

“Đông con đấy nhưng giờ tôi vẫn một mình tự lo cho mình. Con gái thì đứa đi lấy chồng, đứa đang học, con trai thì đi xa, con dâu thì làm trên trung tâm Hà Nội nên thỉnh thoảng cuối tuần các con mới về được. Đứa nào cũng bảo mẹ lên đó cho yên tâm nhưng tôi đi thì ai trông nhà cho đâu, rồi còn hương khói cho ông nhà tôi nữa. Mấy ngày nay xem tivi, đọc báo thấy tin tức ở biển Đông như vậy, tôi cũng lo lắm. Nhưng ngày nào Quynh cũng gọi điện về động viên mẹ yên tâm, ngoài này mọi thứ đều bình yên cả. Những lúc thương con, nhớ con tôi lại thắp hương cho chồng, mong ông ấy phù hộ cho con trai. Những lúc bên con trong kỳ nghỉ phép, hay qua điện thoại, tôi cũng chỉ biết động viên, thôi thì ở đâu cũng là người lính, nghiệp con đã chọn, dù có đất liền hay đảo xa thì chỉ mong con luôn hoành thành nhiệm vụ thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc. Thế là mẹ mừng vui lắm rồi”.

“Nơi đảo xa đâu chỉ mỗi mình anh”

Càng thấu hiểu bao nhiêu về nỗi lòng người mẹ của bà Ngô Thị Đề, càng khâm phục hơn về tấm lòng của những người vợ khi chồng vì nhiệm vụ mà phải biền biệt năm tháng.

Ánh mắt mệt mỏi sau ca trực đêm, chị Nguyễn Thị Hà, vợ của Đại úy Nguyễn Văn Quynh chia sẻ: Lúc yêu và lấy anh, tôi đã xác định được tư tưởng nên mọi khó khăn tôi đều vượt qua được. Ở nơi đảo xa, tôi biết không phải mỗi chồng mình phải chịu sự thiếu thốn về tình cảm, về vật chất như thế mà còn bao nhiêu đồng đội của anh nữa. Chỉ mong chồng, dù bất cứ hoàn cảnh nào, anh cũng luôn cố gắng để mẹ, vợ, con luôn tự hào về anh là lính đảo Trường Sa.

Tâm sự cháy lòng của mẹ và vợ lính đảo Trường Sa - 2

Chị Hà, vợ anh Quynh: "Yêu và lấy nhau 10 năm nhưng thời gian tôi bên anh chỉ đếm trên đầu ngón tay"

Chỉ Hà kể, hai anh chị đều là người cùng làng. Trước khi anh chị yêu nhau, mẹ anh Quynh và mẹ chị Hà đã có “dàn xếp” từ trước. “Anh Quynh lớn hơn tôi 7 tuổi, trước đây cũng không biết anh, sau này anh đi học rồi lại đi công tác tận ở Khánh Hòa nên chỉ nghe tên và biết mặt anh sơ sơ. Tuy nhiên, ở trong làng này thì anh ấy nổi tiếng vì học giỏi và ngoan lắm. Năm 2005, chúng tôi yêu nhau khi tôi đang học ở trường Cao đẳng Y tế Hà Đông. Sau 4 năm dài chờ đợi, yêu thương qua những cuộc điện thoại, lá thư, năm 2009, anh ấy nghỉ phép và chúng tôi làm đám cưới”, chị Hà cho biết.

Hạnh phúc ngắn ngủi của người lính với người vợ trẻ chưa đến 10 ngày thì anh Quỳnh lại về vào đơn vị tiếp tục nhiệm vụ. Hai tháng sau, chị Hà lên tàu vào Khánh Hòa gặp chồng để “hưởng tuần trăng mật” trong vòng 10 ngày. “Tôi và anh ấy yêu rồi lấy nhau đến nay đã gần 10 năm nhưng thời gian hai vợ chồng gặp nhau chỉ trên đầu ngón tay. Mỗi dịp anh ấy về phép được một tháng lại đi, ngày gặp con thì con đã lớn. Nhưng chúng tôi luôn dành tình yêu và sự động viên cho nhau”, chị Hà khẳng định.

Nhiều năm nay, cứ mỗi dịp hè, khi trường làng nghỉ hè, chị lại phải đưa con lên Trung tâm Hà Nội ở trọ cùng để cháu đi học hè. Công việc một điều dưỡng viên ở Bệnh viện nhiều đêm chị phải thức trắng để trực bệnh nhân, rồi chăm con nhỏ khiến chị vất vả vô cùng. Vắng chồng, việc to việc nhỏ trong nhà, chị tự tay làm hết. Bé Nguyễn Chấn Hưng, con trai của anh chị thể trạng yếu, hay ốm vặt, có hôm bé ốm nặng, bế con đến bệnh viện, chị vẫn kịp nhắc bà Ngô Thị Đề và người nhà đừng báo tin cho chồng vì sợ anh ở nơi xa lo lắng.

Sợ con... quên bố, chị Hà vẫn ngày ngày nhắc tên anh Quynh, cho cháu xem ảnh bố và gọi điện cho anh trò chuyện với con. Lấy chồng là lính đảo nơi xa nhà, chị cũng nhiều lúc tủi thân vô cùng.

“Thời mang thai cháu Hưng, tôi bị ốm yếu, thiếu máu liên tục. Lúc nằm trong viện, thấy ai cũng có chồng bên cạnh mà mình chạnh lòng. Yêu và lấy anh được gần 10 năm mà mới chỉ bên anh được vài cái Tết. Nhưng nghĩ lại, mình ở nhà vất vả cũng chưa bằng một phần nhỏ với sự thiếu thốn của anh nơi xa xôi ấy. Những lúc như vậy, cũng chỉ biết động viên anh, động viên mẹ chồng để anh ở nơi xa yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ. Còn mình, vì tình yêu, vì nhiệm vụ thiêng liêng của chồng sẽ cố gắng để anh luôn tự hào về hậu phương nơi đất liên”, chị Hà tâm sự.

Theo Kim Oanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan