Yêu trên mạng, đừng xem rẻ mạng mình!

Ngày 25/05/2013 06:31 AM (GMT+7)

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM - Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam đã có những chia sẻ thẳng thắn, thú vị về thái độ sống và yêu trên mạng của những người trẻ.

Tiến sĩ nhìn nhận như thế nào về lối sống “thoáng” đến mức buông thả của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay?

Nếu trong bất kỳ thời đại nào cũng có những cá nhân sống tốt cho bản thân, sống đẹp cho đời thì cũng phải công bằng nhìn nhận rằng cũng sẽ có những cá nhân sống buông thả, sống “theo con nước”. Vì vậy không thể “kết tội” tất cả cho thanh thiếu niên giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng khi thế giới mạng xã hội “phủ sóng” rộng khắp thì các hình thức, phương thức lừa đảo của những thành phần xấu ngày càng đa dạng và tinh vi hơn, bởi lẽ nó đánh vào nhu cầu tâm lý rất tất yếu của con người - đó là nhu cầu quan tâm, chia sẻ. Nếu thiếu kiến thức và những kỹ năng cơ bản để bảo vệ mình, giới trẻ hiện nay hoàn toàn có thể “rơi vào bẫy” của người xấu. Sự việc sinh viên nữ bị bắt cóc tống tiền sau khi quen bạn trai qua mạng chắc chắn sẽ không phải là sự kiện duy nhất. Nó phản ánh sự thiếu hụt kỹ năng của người trẻ khi bước vào thế giới ảo. Nó cũng là minh chứng cho một xã hội mới ảo nhưng đầy tính hiểm nguy…

Làm thế nào để phân biệt được người tốt, người xấu khi làm quen qua “thế giới ảo”?

Đầu tiên, chúng ta nên hiểu về cách thức hoạt động của mạng xã hội. Đó là nơi mà ai cũng có thể giao lưu, kết bạn với nhau, không kể đến tuổi tác, tôn giáo, dân tộc, thành phần xã hội,... Như vậy, đây là một môi trường rất phức tạp. Trong khi cuộc sống thực tế cũng còn những người luôn “đeo mặt nạ” thì làm sao chúng ta có thể biết một cách hoàn toàn chính xác rằng “anh ấy” đang sống bằng tất cả con người thật của mình? Người đang hàng ngày “chat” một cách ga-lăng, hào phóng với bạn có thể là một anh giám đốc, một người công nhân viên mẫu mực nhưng cũng có thể là một tên cướp ma mãnh hay anh chàng họ Sở đang ngụy trang qua ngôn từ. Do đó, sự đề cao cảnh giác luôn là điều rất cần thiết.

Làm sao phân biệt được người tốt hay người xấu? Chỉ có sự tiếp xúc qua thời gian mới có thể trả lời được một cách chính xác nhất. Tiếp đó, có thể dùng chính mạng xã hội tìm thông tin về người đang trò chuyện với mình. Bằng những hiểu biết sơ khai như tên, nơi làm việc, hình ảnh được nhìn thấy qua việc trò chuyện bằng webcam,… cũng là một kênh để kiểm tra tính chính xác và sự trung thực của thông tin.

Yêu trên mạng, đừng xem rẻ mạng mình! - 1

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: “Làm sao phân biệt được người tốt hay người xấu? Chỉ có sự tiếp xúc qua thời gian mới có thể trả lời được một cách chính xác nhất.”

Lời khuyên của tiến sĩ dành cho các bạn gái trẻ khi “giáp mặt” người bạn chat?

Có sự đồng điệu về cảm xúc, việc gặp mặt tìm hiểu bạn chat cũng là chuyện sớm muộn xảy ra. Tuy nhiên, quan trọng hơn là cần có sự chuẩn bị thật khôn ngoan khi gặp mặt. Vấn đề đầu tiên là địa điểm, bạn hãy là người chọn địa điểm gặp mặt, đó là nơi bạn tường tận về đường đi và cảm thấy an toàn. Vấn đề cần lưu ý thứ hai đó là nên đi cùng với một vài người bạn, khi có nhiều người thì việc ứng phó và gọi sự trợ giúp từ bên ngoài sẽ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, chọn thời gian gặp nhau cũng là một việc quan trọng, sẽ là bất lợi cho bất cứ sự phản ứng, chống đối nào của bạn gái nếu như đó là vào ban đêm. Ngoài ra, một vũ khí cần thiết mà bất kỳ bạn gái nào cũng cần mang theo bên mình, đó là vũ khí tâm lý mà nền tảng của việc thực hiện điều này là sự bình tĩnh. Đừng vì sự tự ti, sự cả nể hay sợ xấu mà không biết từ chối, không biết phòng vệ hay thậm chí là sự phản ứng quyết liệt…

Đâu là những kỹ năng cần trang bị khi lên mạng giao lưu hay chia sẻ hoặc thậm chí là tâm tình, làm quen thưa tiến sĩ?

Trước tiên, đó là kỹ năng làm quen, cụ thể là phải có sự chọn lọc đối tượng. Điều quan trọng không phải là tốt hay xấu mà là phù hợp với bản thân hay không. Đừng bị ảnh hưởng quá nhiều bởi cái vỏ mà phải là cái “tên thật”, cái hồn của con người chứ không phải là sự bẻm mép.

Thứ hai, đó là sự xác lập mục tiêu rõ ràng khi có bất cứ hoạt động nào trên mạng xã hội. Nhiều bạn sẵn sàng tung những hình ảnh nóng, ảnh thân mật với người yêu một cách thái quá, chia sẻ số điện thoại, địa chỉ nhà, thậm chí là nơi sinh, số chứng minh nhân dân, tên cha, tên mẹ,… một cách vô tư, vô tội vạ. Cuối cùng, chính những hình ảnh này trở thành “mồi nhử” vô tình dành cho kẻ xấu. Và khi trò chuyện, bạn dường như thấy được sự thấu hiểu của đối phương là do chúng đã biết rất nhiều về cuộc sống của bạn. Hại nhiều hơn lợi là thế! Song song với điều này, thế giới mạng cũng như cuộc sống thật, mỗi một hoạt động của chúng ta đều ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân mình, mỗi một lời nói, một cách cư xử đều toát lên trí tuệ, tâm hồn và cách sống của mình với cả thế giới.

Thứ ba, đó là kỹ năng xâu chuỗi thông tin để tìm hiểu về đối tượng. Một loạt câu hỏi vui kèm theo một câu hỏi nhân thân. Một loạt câu hỏi mồi nhử và quay trở lại câu hỏi kiểm tra… sẽ rất cần thiết.

Nhu cầu lên mạng là có thật. Vậy để chuyển từ tình ảo sang tình thật cần phải làm gì thưa tiến sĩ?

Để chuyển từ tình ảo sang tình thật thì phải cho “tình sống thật”. Thật trong con người của cả hai và thật trong đời sống của cả hai.

Thứ nhất, hãy thật khi lên mạng nhưng biết kềm giữ thông tin cá nhân

Thứ hai, hãy chuyển từ thế giới ảo sang thế giới thật càng sớm càng tốt

Thứ ba, đừng sống theo thói quen của chính mình khi lên mạng hoặc bị khống chế bởi cảm xúc khi lên mạng

Thứ tư, hãy hết lòng nhưng biết bảo vệ chính mình và hãy biến cuộc gặp mặt thành một cuộc giao lưu chứ không nên hứa hẹn hay cam đoan một điều gì chắc chắn

Cuối cùng, hãy bắt đầu một mối quan hệ thật với những cảm xúc thật chứ không nên ám thị mình theo những giả thuộc về cảm xúc của quá khứ…

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của tiến sĩ!

Hưng Văn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tệ nạn mại dâm