Do sinh con thứ 2 và cuộc chuyển dạ quá nhanh chóng nên mặc dù đã đưa nhau tới viện nhưng vợ chồng trẻ vẫn trở tay không kịp.
Đã 1 tháng trôi qua sau ngày sinh bé thứ 2 nhưng mẹ bỉm sữa Hân An (TP. Hồ Chí Minh) vẫn không thể nào quên được ngày đi đẻ chóng vánh của mình.
Hân An kể, vợ chồng cô kết hôn năm 2019. Tới năm 2021 thì họ có con đầu lòng và bé thứ 2 hiện vừa tròn 1 tháng tuổi.
Lần mang bầu con gái đầu lòng, Hân An không bị nghén. Song lần bầu con trai thứ 2, mẹ bầu lại bị nghén nặng. Từ lúc 6-10 tuần đầu tiên, Hân An không ăn uống được gì, uống nước trắng cũng ói ra hết. Sau đó tình trạng nghén của mẹ bầu mới đỡ hơn.
Năm 2021, vợ chồng Hân An đón con gái đầu lòng. (Ảnh: NVCC)
Suốt cả thai kỳ, Hân An cũng gặp không ít vấn đề phải lo lắng: “Khi ở tuần thứ 5-7, em đi siêu âm vẫn chưa có tim thai nên 2 vợ chồng khá sợ. Nhưng may mắn ở 7 tuần 3 ngày siêu âm lại thì bé đã có tim thai. 3 tháng đầu trải qua khá suôn sẻ, 3 tháng giữa thì em hay bị đau bụng, bác sĩ nói bánh nhau bám khá thấp. Tuần 26-28, em bị dọa sinh non, bị gò nhiều và ra huyết phải tiêm thuốc, uống thuốc chống gò và thuốc nội tiết, nằm yên 1 chỗ giữ em bé”.
Trộm vía sau những ngày tháng đó, thai kỳ của Hân An dần ổn định trở lại. Ở tuần 30, vợ chồng đi siêu âm, đo độ cài cổ tử cung thì cổ tử cung của mẹ bầu ngắn hơn so với bảng chuẩn, chỉ có 20cm. Tuy nhiên, may mắn Hân An không bị gò bụng hay ra máu nên bác sĩ cho vợ chồng về nhà dưỡng thai.
Đến 37 tuần, dù chưa đến lịch hẹn, cơ thể cũng không có dấu hiệu gì, nhưng trong lòng cứ bất an nên mẹ bầu Hân An vẫn đến bệnh viện gần nhà để kiểm tra. Lúc bác sĩ bảo lên khám trong thì cô có dấu hiệu sinh luôn khi cổ tử cung đã mở 2 cm, đã ra máu báo. Vì thế bác sĩ bảo cô nhập viện.
Khi vợ chồng đưa nhau tới viện sinh là lúc cổ tử cung của Hân An đã mở 2 cm. (Ảnh: NVCC)
“Bác sĩ cho nhập viện nhưng em xin chuyển bệnh viện khác. May mắn là bác sĩ đã cho ký giấy ra viện để tới viện đã chọn từ trước sinh. Bác sĩ luôn miệng dặn phải đi thẳng lên viện và không được ở nhà. Ngày hôm đó em không gặp người bác sĩ đó chắc em đã chủ quan ở nhà và chờ cơn đau thì có lẽ đã sinh tại nhà luôn rồi”, Hân An nói.
Khi tới viện đã đăng ký sinh từ trước, các bác sĩ có thăm khám lại và làm các thủ tục nhập viện thì cổ tử cung cũng chỉ mở 2 cm và chưa xuất hiện cơn gò nào. Vì thế bác sĩ cho nhận phòng, lên phòng nằm chờ khi nào có cơn đau thì xuống phòng sinh.
“2 vợ chồng em còn đi loanh quanh bệnh viện vì ở phòng chán quá. Thậm chí vợ chồng còn mua đồ ăn vặt, trà sữa về ăn uống như đang đi du lịch. Đến tối cũng chưa thấy đau. Nằm ở phòng đến 00 giờ sáng thì cô y tá gọi điện xuống đo máy 30 phút nhưng em bé trong bụng đang ngủ không đạp nên cho lên phòng uống 1 ly sữa nóng và xuống đo lại. Gần 1h sáng cũng chưa có cơn gò nào nên mấy y tá lại cho lên phòng ngủ để lấy sức”, Hân Anh kể lại.
Khi lên phòng nằm 1 lúc thì bắt đầu có cơn gò đầu tiên và cơn gò cứ dày lên tầm 5 phút/cơn. Do lúc ấy khuya quá nên mẹ bầu cũng buồn ngủ. Hơn nữa trong đầu Hân Anh cũng nghĩ phải sáng mới sinh được.
Bản thân mẹ bầu cũng nghĩ sẽ chưa thể sinh sớm được ngay đêm ấy. (Ảnh: NVCC)
“Hơn 2 giờ sáng, khi có cơn đau em còn nghĩ là phải đi xuống dưới cho bác sĩ kiểm tra xem mở 5 phân chưa để được tiêm giảm đau. Nhưng em nghe thấy tiếng "bụp" như bong bóng nổ, nước ối chảy ra ướt, nóng hết cả lưng. Em gọi chồng đang nằm kế bên dậy bảo đã vỡ ối, đi gọi bác sĩ ngay. Chồng em vừa chạy đi thì cơn đau dồn dập tới và cảm giác đầu em bé tuột xuống, từng cơn mắc rặn ập tới. Nhưng lúc đó không có ai nên em không dám rặn, cố khép 2 chân và dùng tay để giữ lại. Khi thấy cô y tá vừa chạy qua thì em la lên mắc rặn quá không chịu được nữa. Cô y tá chạy lại và nắm tay em bảo cố giữ lại để xuống phòng sinh.
Vừa lúc ấy chồng em chạy lên tới nơi cũng là lúc em không chịu nổi. Lúc ấy em cảm nhận được đầu em bé rồi, cô y tá mới xé quần lót giấy em đang mặc là thấy chóp đầu em bé nên chạy đi gọi bác sĩ, chồng em thì ngồi phía dưới để đỡ. Y tá vừa chạy đi là em rặn 1 hơi đầu em bé lọt ra ngoài luôn. Vừa ra là em nghe con khóc ẹ ẹ. Chồng em lúc đó cũng hoảng nhưng cố ở đấy đỡ đẻ cho vợ. Em rặn hơi thứ 2 là em bé tuột ra ngoài. Thời điểm này bác sĩ vừa chạy lên tới cửa phòng”.
Ngay sau đó, bác sĩ đã lau và vệ sinh, cắt dây rốn cho bé xong thì đẩy xuống phòng sinh để tiếp tục các khâu sau sinh cho cả 2 mẹ con Hân An.
Trở dạ nhanh chóng, Hân An đã sinh ngay tại phòng dưới sự đỡ đẻ bất đắc dĩ của anh xã. (Ảnh: NVCC)
“Mọi người nghe em kể thì đều bảo em đẻ dễ và khỏe, nhưng thật ra do không được bác sĩ hướng dẫn rặn và không được rạch chủ động nên những ngày sau đó với em là những ngày ám ảnh, hơn cả đau đẻ”, Hân An khẳng định.
Do không được rạch chủ động nên vết rách tầng sinh môn của sản phụ khá dài và không thẳng. Bởi vậy vết khâu cũng cũng khó và bị sưng nề. Hân An chỉ nằm nghiêng người cho con bú là đã đau chảy nước mắt. Nhất là khi ngồi dậy và tập đi, mẹ bỉm bị đau đến ám ảnh không thể dậy nổi.
“Do đau không đi lại được nên em bị ứ sản dịch, không tống sản dịch ra được. Em còn bị đau dạ con hơn cả lúc đau đẻ. Mỗi lần cho con bú là lại đau. Mà con sơ sinh cứ 2 tiếng lại bú 1 lần. Vì thế mỗi lần nghe con khóc đòi bú là em khóc vì quá ám ảnh cơn đau dạ con. Cứ như vậy em phải chịu đau trong hơn 1 tuần. Còn vết thương tầng sinh môn thì gần 1 tháng mới lành. Vài ngày trước em mới ngồi thẳng và đi lại được”, Hân An kể lại.
Những ngày ở cữ sau sinh là những ngày thực sự ám ảnh với Hân An khi đau tầng sinh môn và đau dạ con. (Ảnh: NVCC)
Thời điểm này, Hân An đã ở cữ 1 tháng nên vết đau sau sinh đã đỡ hơn, mẹ bỉm cho biết có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
“Do ở cữ chỉ có 2 vợ chồng nên anh xã là người làm tất tần tật mọi chuyện, từ tắm bé lớn đến bé nhỏ, nấu đồ ăn ở cữ cho vợ, cho bé lớn ăn, quyét dọn nhà cửa, giặt rũ. Em chỉ ăn uống, hút kích sữa để đủ sữa cho bé ti nên có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn”, mẹ 2 con nói.