Nâng hông, cúi người chữ V, chim bồ câu ... là những tư thế giúp mẹ mới sinh sớm phục hồi hiệu quả.
Không biết các mẹ thế nào nhưng với em, sinh con là trải nghiệm lo lắng, đáng sợ và cũng là hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Hạnh phúc khi thấy một hình hài bé nhỏ, một phần máu thịt của mình ra đời lạnh lặn, khỏe khoắn. Lo lắng vì không biết con có gì bất thường không, kể cả máy siêu âm 4 chiều hay các thiết bị hiện đại cũng không thể giúp em xua tan được nỗi lo này.
Còn đáng sợ, sau khi sinh con, tất cả mọi giờ giấc, sinh hoạt ngủ nghỉ của em đều thay đổi theo con, cơ thể nặng nề, mệt mỏi, xương cốt của em như gãy rời bởi đêm không được ngủ đủ, bởi phải ôm bế con gần như cả ngày, nhưng em cũng không thể giao con cho ai được. Có hôm chị đồng nghiệp đến thăm hai mẹ con, thấy em “tàn tạ” quá, cổ tay thì cuốn băng cố định khớp, cổ, vai, gáy, lưng dán chì chịt cao mới mách em mấy tư thế thể dục kéo giãn cơ. Tập mấy hôm mà em thấy hiệu nghiệm thật. Em sẽ kể ra đây 5 tư thế tiêu biểu mà em hay tập.
1. Tư thế nâng hông
Tư thế nâng hông. (ảnh minh họa)
Với tư thế này, các mẹ nằm thẳng, co gối, hai chân rộng bằng vai, tay để xuôi theo cơ thể. Lấy điểm tựa là vùng lưng dưới và gót chân, các mẹ từ từ nâng phần hông lên khỏi sàn sao cho cao nhất có thể.
Sau khi nâng hông lên khỏi sàn, các mẹ khép gối lại, để các ngón chân hướng vào nhau rồi từ từ hạ hông xuống. Các mẹ lưu ý hạ từ từ sao cho có cảm giác hạ từng đốt sống ở lưng xuống sàn. Với động tác này các mẹ lặp lại từ 5 - 8 lần cho mỗi lần tập.
2. Tư thế cúi người chữ V
Tư thế cúi người chữ V (ảnh minh họa)
Đầu tiên các mẹ cúi gập người, dồn trọng lực lên 2 tay 2 chân. Sau đó từ từ nâng hông, kéo giãn tay, chân hết cỡ sao cho cổ tay và vai thành 1 đường thẳng, đầu gối và khớp háng thành một đường thẳng cho đến khi cả cơ thể tạo thành hình chữ V.
Các mẹ giữ nguyên tư thế trong vòng 10 – 20 giây, sau đó ngồi quỳ thẳng lưng, mông chạm gót, hai gối mở rộng. Cúi đầu sao cho trán chạm đầu gối, hai tay vươn dài ta phía trước.
3. Tư thế chim bồ câu
Tư thế chim bồ câu (ảnh minh họa)
Ở tư thế chim bồ câu, các mẹ cũng cúi người, dồn trọng lực vào cả 2 tay và 2 chân sau đó giơ chân phải lên cao rồi từ từ di chuyển đầu gối phải về phía tay phải, sau đó đặt chân phải ra phía trước, ngổi thẳng dậy, chân trái cho ra sau, duỗi thẳng.
Đối với phần trên cơ thể, các mẹ cúi dần xuống, hai tay giơ ra càng xa càng tốt sao cho có cảm giác đang cố gắng kéo phần hông ra phía trước. Giữ tư thế trong một phút sau đó đổi bên. Đối với tư thế này các mẹ lưu ý tất cả các động tác đều phải làm từ từ, từng bước một, không vội vã.
4. Tư thế nàng tiên cá
Tư thế nàng tiên cá. (ảnh minh họa)
Với tư thế nàng tiên cá, các mẹ ngồi thẳng duỗi hai chân ra trước sau đó từ từ co gối phải, đẩy ra sau lưng. Chân trái cũng co gối nhưng đặt phía trước sao cho lòng bàn chân trái chạm đầu gối phải.
Tay phải cho ra sau, chạm sàn, tay trái vòng qua đầu. Dùng lực ở tay và đầu gối từ từ nâng hông lên, kéo căng cơ mông, giữ nguyên trong 10 – 15 giây rồi nhẹ nhàng đặt mông xuống. Các mẹ nên lặp lại 3 lần cho mỗi bên cơ thể.
5. Tư thế cuộn ngược người
Tư thế cuộn ngược người. (ảnh minh họa)
Ban đầu các mẹ đứng thẳng, tay phải giơ lên cao, tay trái vòng ra sau cổ nắm lấy bắp tay phải. Cúi người, giữ lưng thẳng hết mức có thể, lưng song song với mặt đất, sau đó dần dần co gối lại xuống càng thấp càng tốt.
Tiếp theo buông hai tay xuôi xuống, chạm đầu gối, để cổ và đầu thả lỏng. Hít thở sâu, cuộn người thẳng dậy, từng đối sống một, tính từ xương cùng cụt đến đốt sống cổ. Lặp lại tư thế từ 3 – 5 lần.