Các bác sĩ liên tục lay, cấu véo mong chị Thắm tỉnh lại. Nhưng khi tỉnh lại, chị lại không thể nói hay rặn được.
Phải ở trong giây phút sinh tử trên bàn đẻ mới hiểu được một người mẹ đã phải đánh đổi, chịu đựng những gì khi sinh ra được một đứa con. Ngoài những cơn đau ngang tựa gãy 12 chiếc xương sườn đến dồn dập còn là rất nhiều những trường hợp tai nạn hoặc biến chứng giật gân. Nhật ký đi sinh của chị Nguyễn Thắm (27 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội) dưới đây là một trong những dòng cảm xúc nghẹt thở như thế.
Bởi chị Thắm đang có cơn co để rặn đẻ thì bỗng nhiên mất cảm giác và tự nhiên không thể nói được. Bao nhiêu người gọi mà chị vẫn không thể phản hồi, không thể rặn được. May mắn là em bé được hỗ trợ sinh ra trong khẩn cấp, bị nghẹt oxy phải cấp cứu mất 1 ngày, nhưng cuối cùng cũng bình yên, ổn định.
Hai mẹ con chị Thắm và bé Tôm.
Xin được đăng tải lại tâm sự của chị Thắm như góp thêm một mảng màu nữa trong bức tranh những câu chuyện đi sinh đủ mọi cung bậc cảm xúc:
“Bé Tôm nay đã 18 tháng tuổi, nhưng mình vẫn không bao giờ quên được những gì mình đã phải trải qua để đi được đến ngày hôm nay. Đó là lần đi sinh thập tử nhất sinh, là những trầm cảm triền miên kéo dài qua nhiều đêm con khóc ròng vì gắt ngủ mà chồng thì đi công tác xa… Nhưng rồi, tất cả cũng qua khi mình bình tâm hơn và tìm cách để cùng con khắc phục, lớn lên, trưởng thành.
Thai kỳ của mình diễn ra bình thường, không biến động cho đến tuần thứ 27 của thai kỳ. Mình đi khám theo lịch của bác sĩ và phát hiện mình có nguy cơ sinh non vì eo tử cung đã bị hở. Bác sĩ nói rằng mình có thể sinh con lúc nào không biết trước được. Từ đó về, mình sống trong tâm trạng lo lắng, thấp thỏm và hoang mang.
Để em bé đáng yêu này chào đời, mẹ đã phải vượt qua rất nhiều thử thách.
Đến tuần thứ 32, khi eo tử cung chỉ còn mỗi bên khoảng 2 phân, bác sĩ khuyên mình nên nằm nhà dưỡng thai bởi rất nguy hiểm. Mình được tiêm và đặt thuốc giữ thai. Mỗi ngày trong 1 tháng ròng rã sau đó chỉ nằm nhà đối mặt với 4 bức tường. Mình gần như “treo chân”, cả ngày chỉ ăn và nằm, cảm thấy buồn chán kinh khủng.
Rồi vào một đêm đông ở tuần thứ 36, mình bị đau bụng lâm râm suốt từ 2h đến 5h sáng. Mình cứ đau như thế không dứt, nên chồng đã vội vàng gọi taxi đến chở mình đi cấp cứu. Đó là dấu hiệu của việc con đòi ra sớm mà mình không hay biết. Mình bước lên bàn đẻ với hy vọng mơ hồ và quả thực ca sinh diễn ra không được suôn sẻ. Đó là một ca sinh cần điều động nhiều bác sĩ hỗ trợ nhất trong bệnh viện.
Mình có cơn co để rặn đẻ, nhưng chỉ có 1-2 lần. Sau đó mình bỗng bị mất cảm giác, không có cảm nhận đau đớn hay gì nữa và bỗng nhiên không thể nói được! Mình vẫn nhớ như in khoảnh khắc đó. Bác sĩ đỡ đẻ gọi mình, lay mình nhưng mình vẫn bất động, không có phản hồi. Tôi bất lực nằm đó, muốn nói mà không thể nói, muốn rặn mà không thể rặn, không thể giao tiếp với bác sĩ, nước mắt cứ trào ra.
Giây phút nhìn chồng và con nằm bình yên bên nhau trong bệnh viện, chị Thắm biết rằng đó cũng là khi ác mộng trên bàn đẻ đã qua.
Các bác sĩ vội vàng đo huyết áp, rồi hết lay mình, cấu mình để cho mình tỉnh lại. Cuối cùng mình cũng tỉnh lại được. Nhưng điều lạ kỳ là mắt mình vẫn mở và vẫn có thể nghe thấy được tiếng của mọi người nói gì với mình nhưng không thể phản ứng lại được. Tôi bất lực nằm đó, không thể giao tiếp với bác sĩ, nước mắt cứ trào ra.
Bác sĩ hốt hoảng, gọi gấp trưởng khoa sản nói rằng “ca sinh này mẹ bé có hiện tượng lạ, em chưa gặp bao giờ, bác sĩ xuống hỗ trợ gấp, ối vỡ lâu rồi ạ!”. Trong bệnh án của mình, con bị dây rốn quấn cổ, nếu không nhanh đưa con ra ngoài thì con sẽ ngạt. Nhưng may mắn cho mình khi các bác sĩ đã đến kịp và hỗ trợ mình. Các bác sĩ rạch đường dài, cùng đồng thời ấn đẩy trên phần bụng. Con sống sót chào đời. Tôi nghẹt thở, vỡ òa.
Em bé ngày nào nay đã 18 tháng tuổi, rất tự lập và ngoan ngoãn.
Lo lắng hơn cả khi con bị ngạt và phải nằm thở oxy ở bệnh viện Nhi Trung ương mất tròn một ngày để hồi sức lại. Lúc sinh là 6h sáng nhưng phải đến 12h đêm mình mới được gặp con và ôm ấp con vào lòng. Mình những tưởng mọi chuyện vậy cũng đã qua, nhưng ngờ đâu lúc này đây cuộc chiến mới thực sự bắt đầu. Để rồi vượt qua được những ngày trầm cảm sau sinh sau đó càng khiến mình hiểu bản thân có thể mạnh mẽ đến thế nào khi làm mẹ.
Sẽ có ngày mình kể cho các mẹ nghe về quãng thời gian tăm tối nhất cuộc đời, có những lúc muốn treo cổ tự vẫn. Nhưng dừng ở câu chuyện đi đẻ ngày hôm nay, mình chỉ muốn nhắn gửi rằng các mẹ hãy bình tâm lại, xác định điều gì là quan trọng nhất để vững vàng bước tiếp. Khó khăn, giông bão nào rồi cũng sẽ qua. Điều còn lại sau cùng là hạnh phúc, bình yên. Hãy tin là như thế!”