Theo bác sĩ CKII. Bùi Xuân Quyền, việc xét nghiệm Double test, Triple test với trường hợp mang thai đôi có thể sẽ cho kết quả không chính xác.
Double test, Triple test là những xét nghiệm sàng lọc trước sinh rất cần thiết nhằm phát hiện các nguy cơ cao thai nhị bị dị tật bẩm sinh hay không. Tuy nhiên không phải mẹ bầu nào cũng có những hiểu biết nhất định về hai phương pháp này.
Cùng trao đổi với bác sĩ CKII. Bùi Xuân Quyền (trưởng khoa sản, bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc) về hai phương pháp sàng lọc trước sinh này.
Bác sĩ CKII. Bùi Xuân Quyền (trưởng khoa sản, bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc) |
Theo bác sĩ, Double test được thực hiện từ tuần thứ 9 tới tuần hết tuần thứ 12, giúp kiểm tra nguy cơ mắc các hội chứng như Patau, Edward hoặc Down trong giai đoạn quý I thai kỳ bằng các xét nghiệm hóa sinh và đo độ mờ da gáy bằng siêu âm, tuổi thai, tuổi mẹ…
Còn Triple test được thực hiện từ tuần thứ 15 tới tuần 18 giúp phát hiện nguy cơ thai nhi mắc các dị tật bẩm sinh như hội chứng Down, bất thường ở não và tủy sống, thể tam nhiễm sắc thể 18.
Triple test được thực hiện bằng cách đo lượng AFP (alpha fetoprotein), β-hCG (beta-human chorionic gonadotropin) và estriol không liên hợp uE3 (unconjugated estriol) còn gọi là estriol tự do (free estriol) trong máu thai phụ, sau đó được tính toán cùng với cân nặng, chiều cao của mẹ, tuổi thai, , … nhờ một phần mềm chuyên dụng để đánh giá nguy cơ các hội chứng Down, Edward hoặc dị tật ống thần kinh của thai ở quý 2 của thai kỳ. Các chất hóa sinh này được sản xuất một cách bình thường và xuất hiện trong máu mẹ trong quá trình phát triển của thai và nhau thai. Nếu thai có sự lệch bôi lẻ nhiễm sắc thể (aneuploidies), nồng độ của các thông số này sẽ thay đổi trong máu mẹ và việc định lượng chúng trong máu mẹ cùng với kết quả siêu âm,… có thể giúp đánh giá nguy cơ dị tật bẩm sinh của thai. Triple Test là xét nghiệm giúp khẳng định lại kết quả của phương pháp Double Test.
Dù rất quan trọng nhưng theo bác sĩ Bùi Xuân Quyền, hai xét nghiệm này không phải là bắt buộc đối với mọi sản phụ. Tuy nhiên đối với phụ nữa ngoài 35, nguy cơ cao với các hội chứng thì nên thực hiện để có hướng theo dõi và xử lý kịp thời. Ngoài 2 xét nghiệm trên, sản phụ cần thăm khám thai sản định kỳ, siêu âm thai 4D để kết hợp chẩn đoán chính xác và quản lý thai kỳ tốt nhất.
Double test, Triple test với trường hợp mang thai đôi có thể sẽ cho kết quả không chính xác. (ảnh minh họa)
Nói về kết quả của 2 phương pháp sàng lọc trước sinh này, bác sĩ Quyền cho biết: “Độ chính xác của Double test, Triple test cho kết quả chính xác đến 90%, tuy nhiên sản phụ cần lưu ý nên lựa chọn thực hiện cơ sở y tế uy tín để giảm thiểu sai số tối đa.”
Mặc dù với sản phụ mang thai đơn, độ chính xác của Double test, Triple test có thể lên đến 90% nhưng với phụ nữ mang thai đôi lại không hoàn toàn chính xác. “Trong trường hợp thai đôi các chỉ số AFP (alpha fetoprotein), β-hCG (beta-human chorionic gonadotropin) và estriol không liên hợp uE3 (unconjugated estriol) còn gọi là estriol tự do (free estriol) có thể tăng bất thường khiến cho việc chẩn đoán không chính xác. Chính vì vậy, chúng tôi không bao giờ đề nghị sản phụ thực hiện các xét nghiệm này đối với trường hợp thai đôi, thay vào đó sẽ dựa vào siêu âm 4D để chẩn đoán.”, bác sĩ Quyền chia sẻ.
Bác sĩ cũng nhấn mạnh thêm một số lưu ý với sản phụ khi chuẩn bị làm Double test, Triple test là chị em cần nhớ chính xác tuần thai, thực hiện đúng thời điểm. Nhiều trường hợp sản phụ nhớ sai tuần thai bệnh viện đem mẫu đi thực hiện sẽ cho kết quả không chính xác gây khó khăn trong việc chẩn đoán của bác sỹ.