Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng trải qua cơn đau chuyển dạ giống nhau.
Chị em cần biết rằng mỗi người là một cá thể riêng biệt chính vì vậy việc đau đẻ cũng không ai giống ai. Có những người trải qua quá trình sinh nở rất đỗi đơn giản nhưng cũng có không ít mẹ phải vật vã “chết đi sống lại” với cơn đau chuyển dạ. Chia sẻ về ca sinh nở của mình trên trang facebook cá nhân, chị Thanh Hoa (Hà Nội) viết: “Thấy mọi người tả đau đẻ ghê gớm lắm nhưng đến lượt mình thì thấy thật nhẹ nhàng. 7 giờ sáng bắt đầu thấy những cơn đau co thắt nhưng chỉ nhẹ như những lần đau khi chuẩn bị có kinh nguyệt hàng tháng. Chỉ 1 giờ cuối cùng là đau ghê gớm hơn và mình chỉ phải rặn 3 lần theo hướng dẫn của bác sĩ là con chào đời. Thật may mắn”.
Tuy nhiên, những ca sinh dễ như chị Hoa không phải là nhiều. Hầu hết các mẹ đều phải trải qua quá trình sinh nở vô cùng khó nhọc. Sau khi đón cậu con trai đầu lòng, chị Như An (Lạc Long Quân, Hà Nội) chia sẻ: “Em thề sẽ không đẻ thêm một lần nào nữa. Đau đẻ thật là kinh khủng, chưa bao giờ em đau đến thế. 3 ngày ròng rã chịu đựng cơn đau con trai mới chịu chào đời. Không biết nó giống ai mà lì lợm thế. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng em không ngờ ca sinh nở của em khó thế. Thật sự sốc!”.
Đó là câu chuyện hoàn toàn khác nhau của 2 người phụ nữ vừa trải qua ca sinh nở. Điều này để nói lên rằng không mẹ nào sinh nở giống mẹ nào và chuyện lâm bồn cũng có rất nhiều bí ẩn. Hãy cũng chúng tôi đi khám phá quá trình một ca sinh nở nhé!
Nhiều sản phụ phải đau đến đến 2-3 ngày mới có thể sinh nở. (ảnh minh họa)
Tại sao chuyển dạ lại đau?
Tử cung là cơ quan chứa em bé chuẩn bị chào đời. Khi đến ngày tháng chuẩn bị sinh nở, tử cung sẽ làm nhiệm vụ ép bé ra bằng những cơn co thắt tạo ra cơn đau chuyển dạ. Cơn đau chuyển dạ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như sức mạnh của cơn co thắt (tăng dần theo thời gian sắp sinh nở), kích thước của thai nhi, vị trí nằm của bé và tốc độ của cơn đau chuyển dạ…
Không chỉ có cơ vùng bụng, trong quá trình chuyển dạ, mẹ bầu còn thấy toàn thân đau ghê gớm đặc biệt là vùng xương chậu, lưng, tầng sinh môn, bàng quang và ruột. Tất cả những bộ phần này sẽ “nhồi” để cơn đau thêm mạnh mẽ hơn, chuẩn bị cho quá trình bé chào đời.
Quá trình chuyển dạ diễn ra thế nào?
Quá trình sinh nở thường diễn ra theo từng bước và được chia làm 3 giai đoạn chính. Thời gian của mỗi giai đoạn sinh nở ở mỗi chị em là khác nhau đấy bạn nhé!
Giai đoạn 1 (kéo dài từ 8-10 giờ)
Lúc này, tử cung mẹ co bóp, khiến cổ tử cung mỏng đi và mở dần ra, cuối cùng đủ rộng cho đầu bé lọt, ban đầu là 3-4 cm, sau đó đến 7-8 cm mà đến khoảng 10 cm là bé chào đời. Đây thường là giai đoạn dài nhất và khó khăn nhất trong chuyển dạ. Các cơn đau ban đầu ngắn và cách xa nhau, sau càng lúc càng dài, càng liên tục. Lúc khó khăn nhất thường là cuối giai đoạn này, khi cơn đau chỉ hai, ba phút đã lặp lại và kéo dài đến một phút hoặc hơn. Ở bên trong, bé ép mạnh xuống, khiến bạn không chỉ đau bụng mà lưng dưới và tầng sinh môn cũng có thể đau tức. Dịch âm đạo ra nhiều. Chân bạn có thể đau, run rẩy. Bạn có thể nóng hoặc rét và có cảm giác mệt bã người. Một số phụ nữ buồn nôn và nôn trong thời gian này.
Quá trình sinh nở thường chia thành 3 giai đoạn. (ảnh minh họa)
Trong khi cổ tử cung đang mở, điều quan trọng là không được rặn. Nếu bạn rặn quá sớm, cổ tử cung có thể bị phù, bé sẽ khó ra. Khi cảm thấy muốn rặn, bạn hãy há miệng để thở, nằm sấp chổng mông cho dễ chịu, đừng rặn. Hãy cố gắng một chút, mỗi cơn đau lại giúp bạn sớm nhìn thấy mặt con. Khi mới bắt đầu chuyển dạ, chưa khó chịu nhiều, bạn hãy nói chuyện, thư giãn, đi lại nhẹ nhàng. Bạn nên ăn cho có sức, nhưng hãy tránh đồ khó tiêu. Khi các cơn co trở nên liên tục, mãnh liệt, dứt mỗi cơn bạn hãy thở sâu để lấy bình tĩnh và tiếp nhận thêm ôxy. Bạn cần đi tiểu thường xuyên (dù không muốn), đừng để bàng quang đầy sẽ cản đường em bé. Nếu đã vỡ ối, bạn nhớ đừng cho gì vào trong âm đạo để tránh nhiễm khuẩn.
Giai đoạn 2 (kéo dài khoảng 1 giờ)
Khi thấy cổ tử cung mở trọn vẹn (khoảng 10 phân), bác sĩ sẽ yêu cầu bạn bắt đầu rặn đẻ. Nếu là con đầu, giai đoạn này kéo dài khoảng một tiếng. Cơn sau thì nhanh hơn. Cơn co tử cung lúc này đều đặn, mạnh nhưng thường không đau nhiều như khi trước. Mỗi cơn co bạn lại muốn rặn. Hãy rặn mạnh và đều. Hãy kêu rên nếu muốn nhưng không nên hét sẽ gây mất sức. Sau mỗi cơn co, chị em hãy nghỉ và thư giãn để lấy sức. Bác sĩ và y tá sẽ giúp và hướng dẫn bạn. Một số phụ nữ khi rặn đẻ có tiểu tiện hoặc đại tiện một chút (nếu ruột và bàng quang căng). Điều đó là tự nhiên, nếu có xảy ra bạn đừng ngại ngùng gì cả nhé.
Đầu bé từ trong tử cung di chuyển dần ra âm đạo. Mỗi cơn co và rặn, bé nhích thêm một chút. Khi bé ra gần đến cửa âm đạo, bạn có thể sẽ phải chờ cửa âm đạo giãn. Vài lần rặn mạnh nữa, đầu bé chui ra ngoài, rồi đến cả thân người. Sau đó bác sĩ hoặc y tá sẽ hút nhớt, lau sạch người bé, kẹp và cắt rốn. Sau đó, điều bạn mong chờ nhất sẽ xảy ra: bé cất tiếng khóc chào đời.
Chị em cần giữ bình tĩnh để "chiến đấu" với cơn đau chuyển dạ. (ảnh minh họa)
Giai đoạn 3 (kéo dài khoảng 30 phút)
Sau khi bé ra đời, tử cung bạn còn co bóp, rau bong ra khỏi thành tử cung và được đẩy ra âm đạo. Nhiều phụ nữ cho biết lúc này không cảm thấy tử cung co hay đau nữa, hoặc chỉ đau ngâm ngẩm như khi hành kinh. Bạn rặn tiếp để đẩy rau ra ngoài. Bác sĩ sẽ nhẹ nhàng đỡ rau ra. Nếu rau bong không hoàn toàn, bác sĩ sẽ can thiệp để lấy hết rau ra cho bạn. Thế là ca sinh nở đã kết thúc.
Làm sao để đối phó với cơn đau chuyển dạ?
Khi xuất hiện cơn đau đẻ, việc đầu tiên là mẹ bầu cần giữ bình tĩnh để kiểm soát cơn đau. Hãy nghĩ rằng hàng trăm hàng nghìn các bà, các mẹ đã từng vượt qua được thì tại sao mình không thể vượt qua? Mẹ bầu hãy lạc quan và có những kiến thức nhất định về vấn đề đau đẻ.
Trong những trường hợp xấu, nếu không thể chịu đựng được cơn đau, chị em có thể lựa chọn phương pháp đẻ không đau bằng cách gây tê ngoài màng cứng hoặc đẻ mổ. Tuy nhiên những phương pháp này không được khuyến khích vì sinh thường vẫn tốt nhất cho mẹ và bé.