Một người phụ nữ đã chiến đấu với căn bệnh rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) trong ba năm, từ sau khi cô sinh em bé và cảm thấy mình bị các nữ hộ sinh "bỏ quên".
Kirsty Tuthill, 35 tuổi ở East Yorkshire, Anh nói rằng ca sinh nở đã khiến cô tổn thương về cả thể chất và tinh thần.
Sau khi sinh bé Elvie thành công, người mẹ mới cho biết mình đã bị sang chấn tâm lý, khiến cô không thể gắn bó với con gái mình.
Tuthill nói rằng cô bị phớt lờ, bị buộc tội gây phiền phức, bị từ chối giảm đau trong nhiều giờ do không có bác sĩ thăm khám. Đặc biệt, các nữ hộ sinh ở Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Hull đã không cung cấp thông tin về tiến độ chuyển dạ của cô cho bác sĩ.
"Ngay từ đầu, các cơn co thắt đã vô cùng đau đớn. Điều này là do thai nhi nằm ở vị trí không thuận lợi nên quá trình chuyển dạ khó khăn hơn. Vậy mà các nữ hộ sinh cũng không nói cho tôi biết. Cổ tử cung của tôi chỉ mở được 2cm trong 40 giờ. Tôi vào bệnh viện song được yêu cầu trở về nhà. Tôi đã rất đau đớn, nôn mửa và run rẩy”, Tuthill kể lại.
Tuthill suýt đẻ rơi con sau 40 tiếng chuyển dạ vật vã.
“Chúng tôi quay trở lại bệnh viện khoảng năm giờ sau đó. Tôi bị bỏ lại trong một căn phòng có bốn giường. Tôi đau đớn và la hét để được giúp đỡ nhưng họ đến với thái độ khó chịu và chẳng can thiệp gì. Những người đang chờ đẻ trong phòng thì cười nhạo tôi. Điều này đã diễn ra hàng giờ liền. Thật tồi tệ”, Tuthill nhớ lại.
"Cuối cùng, tôi đi đến nhà vệ sinh. Tôi bỗng xuất hiện cơn co và bắt đầu rặn đẻ. Đứa bé gần như sắp lọt ra sàn nhà. Lúc đó, họ mới đến và hỗ trợ tôi quay trở về giường bệnh. Cổ tử cung của tôi đã mở hoàn toàn. Elvie đã chào đời sau đó”, người mẹ chia sẻ.
Tuthill đã vô cùng hoảng hốt trước sự việc. Cô liên tục đổ lỗi cho mình, vô cùng tức giận và đau đớn sau ca sinh nở đó. Thậm chí, người mẹ này đã không thể gần gũi và chăm sóc con. Tuthill sau đó được chẩn đoán mắc bệnh rối loạn stress sau sang chấn. Cô liên tục khó thở, đổ mồ hôi và cảm thấy hoàn toàn vô vọng và đau khổ.
"Sau khi con bé được sinh ra, tôi cảm thấy mình hoàn toàn vô cảm. Tôi đấu tranh để gần gũi với con gái. Phải mất nhiều năm, tôi mới cảm nhận được tình mẫu tử như những gì mà các bà mẹ khác mô tả”, Tuthill nói.
Rất lau sau khi sinh, Tuthill mới cảm nhận được tình yêu thương dành cho con.
Cô Tuthill chỉ nhận ra cô cần giúp đỡ khi cô bất ngờ mang thai tiếp vào tháng 3 năm nay. “Tôi đã khóc liên tục khá nhiều trong 15 tuần đầu tiên và nhận ra rằng tôi không thể vượt qua nó một lần nữa,” cô nói.
Tuthill không ngờ mình lại mắc phải chứng PTSD. Cô lo ngại cho thai kỳ tới và ca sinh nở tiếp theo của mình. Người mẹ này sẽ phải nhờ đến các dịch vụ chăm sóc thai kỳ, đặc biệt là chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho các bà bầu đang bị rối loạn.
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương là một rối loạn lo âu gây ra bởi các sự kiện căng thẳng, đáng sợ hoặc đau khổ. Số liệu cho thấy khoảng 9% phần trăm phụ nữ trải qua PTSD, thường thấy ở những phụ nữ khi sinh con.
Những người bị PTSD thường gặp ác mộng và hồi tưởng về sự kiện đau thương và có thể bị mất ngủ và không có khả năng tập trung. Những người có PTSD nên đến gặp bác sĩ để tham gia một khóa học trị liệu tâm lý hoặc chống trầm cảm.