Nếu được phát hiện kịp thời, bác sĩ sẽ tiến hành khâu chỗ hở eo tử cung để ngăn chặn nguy cơ sẩy thai.
Mẹ đừng nghĩ rằng sau khi que thử thai hiện lên hai vạch là chắc chắn sẽ có được con yêu nhé. Trong khoảng 280 ngày mang thai, mẹ bầu và thai nhi có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng mà không ai lường trước được. Thông thường, hầu hết thai phụ đều trải qua quá trình mang thai, sinh nở bình thường, suôn sẻ, tuy vậy vẫn có khoảng 1/500 chị em sẽ gặp 1 số biến chứng ảnh hưởng đến mẹ hoặc bé trong suốt kỳ thai nghén. Những biến cố này chẳng ai mong muốn tuy nhiên mẹ bầu cần biết để kịp thời phát hiện, điều trị nếu chẳng may gặp phải. Các dấu hiệu cảnh báo, mức độ rủi ro của những biến chứng này sẽ giúp chị em nhanh nhạy phản ứng, nhờ đó giữ gìn sức khỏe và thậm chí là an toàn tính mạng cho cả 2 mẹ con. |
Phần 1: 9 tháng mang bầu, nguy hiểm rình rập
Phần 2: Ốm nghén - đừng chủ quan!
PHẦN 3: Hở eo tử cung
Hở eo tử cung là gì?
Khi có thai, phần eo và cổ tử cung sẽ chịu áp lực ngày càng cao do túi ối (chứa thai ngày một lớn) tác động vào. Nếu lỗ trong cổ tử cung rộng ra (hở), khi có thai, áp lực buồng ối tác động xuống dưới, màng ối sẽ giãn ra khi gặp điểm yếu này. Nước ối bị dồn xuống dần dần, khiến lỗ trong và ống cổ tử cung căng rộng ra. Có khi mang ối kéo theo nước ối, tạo nên một cái túi chui qua lỗ ngoài tử cung, lọt vào trong âm đạo.
Lúc này, người phụ nữ rất dễ bị sẩy thai hoặc đẻ non vì cực dưới túi ối là một vùng không có gì nâng đỡ. Trong trường hợp xấu, nước ối sẽ chảy ra. Sau vài cơn gò mạnh, thai được sinh ra rất nhanh. Do chỉ khoảng từ 3 – 4 tháng nên thai rất non và thường chết ngay sau khi sinh. Một điều không may là hở cổ tử cung thường chỉ được chẩn đoán sau khi đã sẩy thai lần đầu tiên, lần mang thai sau lại có nguy cơ bị sẩy sớm hơn lần trước.
Nguyên nhân gây hở eo tử cung
Nguyên nhân gây hở eo tử cung có thể do bẩm sinh, do cổ tử cung bị tổn thương vì nong cổ tử cung để nạo thai ở các lần có thai trước, do rạch cổ tử cung khi sinh, do phẫu thuật khoét chóp hay cắt đoạn cổ tử cung. Khi tử cung bị hở eo, nếu không phát hiện kịp thời để can thiệp thì sẽ có nguy cơ cao gây sẩy thai từ khoảng tuần 16 trở đi, lúc đó áp lực trong buồng ối tăng, đè vào cổ tử cung, làm cổ tử cung nở dãn, đưa đến vỡ ối và sẩy thai và sinh non.
TS.BS Điền Đức Thiện Minh - Trưởng khoa Sản A, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, điều cần lưu ý là ở tình trạng này là không có triệu chứng. Sẩy thai thường đột ngột khi thai được khoảng từ 4 đến 6 tháng, không triệu chứng đau bụng hoặc ra máu âm đạo báo trước.
Nếu được phát hiện kịp thời, bác sĩ sẽ tiến hành khâu chỗ hở eo tử cung để ngăn chặn nguy cơ sẩy thai. (ảnh minh họa)
Giải pháp khi mẹ bị hở eo tử cung
Mẹ cần phải khám thai sớm (3 tháng đầu) của thai kỳ và cần khai báo rõ tiền sử sẩy thai liên tiếp của mình để được hướng dẫn điều trị. Nếu được phát hiện hở eo tử cung, các bác sĩ sẽ cho sản phụ nhập viện để khâu eo tử cung.
Việc khâu eo tử cung nên thực hiện ở tuổi thai từ 16 - 20 tuần (tốt nhất là 16 - 18 tuần). Tuỳ theo tiền căn sẩy thai lần cuối của mẹ bầu mà bác sĩ sẽ chọn thời điểm thích hợp (trước tuổi sẩy thai lần cuối cùng trong tiền căn của bạn). Nếu thai phát triển bình thường thì đến tuần 37 - 38, thai phụ phải đến bệnh viện cắt chỉ, phòng khi chuyển dạ sớm, cổ tử cung không mở ra được, gây rách vỡ tử cung. Một số trường hợp thai phụ chuyển dạ ngay sau khi cắt chỉ.
Tuy nhiên, lúc đó thai đã đủ trưởng thành và có thể nuôi được. Nếu đã có hở eo tử cung thì ở mỗi lần mang thai, mẹ đều phải khâu để giữ thai. Chị em đừng quá lo lắng về thủ thuật này, đó chỉ là một thủ thuật nhỏ trong khoảng vài phút, ít đau. Sau khâu cần nằm nghỉ tại giường, dùng thuốc giảm co tử cung và thuốc kháng sinh. Nếu ổn định mẹ sẽ được xuất viện sau 48 tiếng. Sau khi xuất viện về nhà trong tuần lễ đầu tiên chị em cũng nên hạn chế đi lại hoặc làm việc nặng.
Phòng ngừa sẩy thai
Tuy nhiên, để phòng ngừa sẩy thai ngay khi không bị hở eo tử cung, mẹ bầu nên hạn chế đi lại quá nhiều. Điều quan trọng nhất vẫn là giữ gìn cho bé yêu, mọi việc khác đều nên xếp lại phía sau. Thực hiện chế độ ăn giàu sắt (thịt bò,mùng tơi,rau dền..) và bổ sung acid folic cũng là điều cần thiết. Ngoài ra, chị em cần tránh xa các chất kích thích như rượu chè, cà phê, hạn chế ăn rau ngót, nhất là rau ngót sống; giữ cho tinh thần luôn thoải mái, tránh căng thẳng, kích thích; hạn chế sinh hoạt vợ chồng nếu nguy cơ sẩy thai cao.
Điều quan trọng nhất vẫn là chị em cần đi thăm khám thường xuyên để kiểm tra tình trạng thai nghén và khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Để hiểu hơn về các biến chứng nguy hiểm thường gặp trong thai kỳ, mời các mẹ đón đọc các kỳ dưới đây vào 0h00 thứ 4 hàng tuần trên chuyên mục Bà bầu của Eva.vn - website hàng đầu dành cho phụ nữ: Phần 4: Thai ngoài tử cung Phần 5: Chửa trứng Phần 6: Sẩy thai Phần 7: Các bất thường về nhau thai Phần 8: Tiền sản giật Phần 9: Vỡ ối non Phần 10: Huyết khối tĩnh mạch sâu Phần 11: Tiểu đường thai kỳ Phần 12: Ứ mật thai kỳ Phần 13: Đa ối - Thiểu ối |