Lỡ có bầu ngoài ý muốn và không may bị thai lưu, người vợ này đã phải bỏ thai nhưng oái ăm thay phải đến lần thứ 3 mới xử lý thành công.
Người vợ trẻ ám ảnh 3 lần bỏ thai lưu mới thành công
Có 1 con nhỏ, mới đây chị Trần Thị Hà, 26 tuổi ở Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội thấy trong người mệt mỏi và có những biểu hiện y hệt người ốm nghén. Bởi vậy chị đã quyết định thử que thì tá hỏa khi lên “2 vạch”. Ngay sau đó, chị Hà đi khám ở một phòng khám tư thì được bác sĩ kết luận đã có thai 7 tuần tuổi nhưng không may đã bị lưu.
“Phòng khám này tư vấn cho mình cách có thể chấm dứt thai nghén bằng việc uống thuốc. Theo đó, thuốc sẽ làm cho thai ngừng phát triển và gây co bóp dạ con để đẩy thai ra ngoài giống như bị sảy thai. Họ cũng bảo thai nhi đáp ứng được các điều kiện của phá thai bằng thuốc”, chị Hà chia sẻ.
Phát hiện túi thai lưu nằm sâu trong góc phải tử cung. (Ảnh: BSCC)
10 ngày sau khi chấm dứt thai nghén bằng thuốc, không hiểu sao chị Hà vẫn bị ra máu. Lo ngại gặp phải những tác dụng phụ sau khi bỏ thai bằng thuốc, người vợ này đã đến bệnh viện phụ sản Hà Nội để khám tái. Tại đây, chị được chẩn đoán bị sót rau sau uống thuốc bỏ thai.
“Tại viện Phụ sản, mình đã được các bác sĩ hút lại cho sạch. Cứ tưởng như vậy là đã đình chỉ thai nghén an toàn rồi nhưng suốt từ đó đến nay đã 1 tháng mà mình vẫn bị ra máu mãi không sạch. Nghĩ đây là tác dụng phụ sau hút thai nên mình cũng chủ quan. Nhưng ra máu rơi rớt cả tháng mình lại sốt ruột đi khám tái”, chị Hà nhớ lại.
Đình chỉ thai nghén không thành công phải làm sao?
Lần này chị Hà đến khám tại Đại học Y Hà Nội. Là người trực tiếp thăm khám cho chị Hà, bác sĩ CKI Nguyễn Trọng Hùng, tốt nghiệp chuyên ngành sản phụ khoa và là chuyên gia trong lĩnh vực sản phụ khoa đã phát hiện trong cơ thể chị khối thai lưu vẫn nằm ở sâu sát góc phải của tử cung. Điều này khiến chị Hà bất ngờ và hoảng sợ vì sau 2 lần thực hiện các thủ thuật đình chỉ thai nghén trước đó vẫn không thành công.
Xác định đây là trường hợp thai lưu nằm ở vị trí khó, uống thuốc và hút thai chân không đình chỉ thai nghén thông thường rất khó sạch, nhiều khi phải nạo mới sạch được nên bác sĩ Hùng đã cố gắng hút lại dưới siêu âm.
Bác sĩ đã cố gắng hút lại dưới siêu âm. (Ảnh: BSCC)
“Chúng tôi đã cố gắng hút thai lại dưới siêu âm, không nạo để ít tác dụng phụ nhất và cố gắng giữ buồng tử cung của bệnh nhân còn nguyên vẹn. Kết quả sau thủ thuật đúng như mong đợi, buồng tử cung sạch, không chảy máu hay tụ máu. Sau thủ thuật bệnh nhận được hướng dẫn uống kháng sinh và nội tiết chống dính buồng tử cung để đảm bảo sinh sản về sau”, bác sĩ Hùng nói.
Cũng theo bác sĩ Hùng, có nhiều chị em phải đối mặt với tình trạng thai chết lưu. Và một số chị em sau khi thực hiện thủ thuật đình chỉ thai nghén, đưa thai ra ngoài đã phải chịu một cú sốc và ám ảnh trong thời gian dài vì không xử lý dứt điểm, triệt để do nhiều nguyên nhân như khối thai lưu nằm ở vị trí khó lấy, thuốc phá thai kém chất lượng, thai nhi đã phát triển vượt quá kích thước và độ tuổi quy định được dùng thuốc phá thai; bị bệnh phụ khoa…
“Với thai lưu, hầu hết các bác sĩ sẽ luôn ưu tiên cố gắng để người mẹ sinh thường, có thể can thiệp bằng thuốc hoặc các biện pháp đẩy sinh khác. Chỉ trong trường hợp thai chết lưu kích thước lớn hoặc điều kiện sức khỏe thai phụ không cho phép mới can thiệp mổ lấy thai”, bác sĩ Hùng nhận định.
Bác sĩ Hùng cũng khuyên các chị em, nếu có dấu hiệu và nghi ngờ đình chỉ thai nghén không thành công, không ra hết thì cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán chính xác tình hình, không nên chần chừ để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Ngoài ra, chú ý lựa chọn địa chỉ thực hiện đình chỉ thai nghén uy tín và phương pháp hiện đại để đảm bảo hiệu quả cũng như an toàn cho sức khỏe, bảo vệ hạnh phúc và tương lai của bản thân.