Dù xuất hiện cơn đau bụng gần nửa ngày, đi khám bác sĩ chỉ định phẫu thuật nhưng cô gái trẻ không đồng ý để rồi sau đó phải nhận cái kết buồn.
Buổi sáng khi thức dậy, khi đang chuẩn bị đi làm thì H.M (24 tuổi, ở Hà Nội) bất ngờ bị đau quặn bụng nên xin nghỉ việc ở nhà. Từ 8h sáng đến 16h chiều, cơn đau quặn vùng bụng ngày càng xuất hiện nhiều, M mới đến một cơ sở y tế gần nhà thăm khám.
Tại đây, qua thăm khám các bác sĩ chẩn đoán M bị u buồng trứng xoắn, được tư vấn cần nhập viện để làm phẫu thuật. Do chưa có gia đình, M lo lắng ảnh hưởng khả năng sinh sản sau này nên không đồng ý mổ và ra về.
Về nhà được 4 tiếng, cơn đau dữ dội khiến M không thể chịu đựng được nên đã vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu. Trực tiếp khám cho M, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Phụ trách khoa Phụ sản cho biết, khi vào viện bệnh nhân ý thức lơ mơ, huyết áp tụt chỉ còn 90/60mmHg.
Sau khi khám lâm sàng, siêu âm, bác sĩ Tiến chẩn đoán M bị u buồng trứng xoắn với triệu chứng rất điển hình nên chỉ định mổ cấp cứu ngay lập tức. Lần này, M buộc phải đồng ý vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến cả tính mạng.
Theo đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi, qua ống dò quan sát thấy buồng trứng bệnh nhân tím đen, xoắn ba vòng do nghẹt mạch máu cấp cho buồng trứng và vùng phụ phải quá lâu (khoảng 12 tiếng). Sau khi tháo xoắn, các bác sĩ chờ đợi 30 phút không thấy buồng trứng hồng trở lại nên buộc phải cắt bỏ buồng trứng và phần phụ phải.
“Việc cắt bỏ một bên buồng trứng sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản của bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân chưa lập gia đình, chưa có con. Nếu bệnh nhân không chần chừ, đến sớm hơn thì có lẽ sẽ giữ lại được buồng trứng”, bác sĩ Tiến chia sẻ và khuyến cáo, chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ, hoặc khám khi có triệu chứng để có thể kịp thời phát hiện và xử trí bệnh lý khi chưa có biến chứng.
Theo bác sĩ Tiến, u buồng trứng xoắn xảy ra khi một khối u (lành tính hoặc ác tính) ở buồng trứng tự xoắn quanh trục của mình, làm tắc nghẽn mạch máu nuôi buồng trứng. Khi đó, máu không thể lưu thông đến buồng trứng, dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ, hoại tử và tổn thương nghiêm trọng buồng trứng.
Bác sĩ cảnh báo, khi chị em xuất hiện những cơn đau quặn bụng bất thường cần đi khám để phát hiện bệnh kịp thời. Ảnh minh họa.
Tình trạng này thường xảy ra do:
- Kích thước khối u lớn: Các khối u có kích thước từ 5cm trở lên dễ bị xoắn hơn, đặc biệt là u nang buồng trứng.
- Khối u không cố định: Khối u nằm lỏng lẻo hoặc có cuống dài khiến buồng trứng dễ xoắn.
- Tăng cường hoạt động thể chất: Các vận động mạnh, đặc biệt là những chuyển động đột ngột, có thể làm tăng nguy cơ xoắn khối u.
Với bệnh nhân u buồng trứng sẽ được đánh giá là u lành hay u ác. Nếu là u ác, tùy kích thước vẫn có trường hợp cần phẫu thuật. Với trường hợp là u lành, cần đánh giá xem có phải là nang buồng trứng sinh lý hay không. Nếu theo dõi sau 3 tháng không bị vỡ là u thực thể. Với trường hợp u có kích thước trên 5cm phải tiến hành phẫu thuật.
Triệu chứng điển hình của u buồng trứng xoắn là liên tục đau nhói ở vùng 2 bên hố chậu, dùng thuốc giảm đau không đỡ. Khi phát hiện tình trạng này, bệnh nhân cần đến bệnh viện để thăm khám ngay.