Cả hai lần sinh nở, chị Quỳnh Trần đều không hề kiêng khem nhiều, mà vẫn đi chợ, nấu cơm, làm việc nhẹ nhàng chỉ sau đó 2-3 ngày.
Không giống như các mẹ Việt sau sinh thường kiêng khem khá cẩn thận, chị Quỳnh Trần (Honey Q Tran), hiện đang sinh sống tại Mỹ, không hề kiêng cữ gì nhiều. Chị vừa mới sinh con gái thứ hai chưa đầy một tuần nhưng đã nhanh chóng bắt nhịp lại với công việc hàng ngày. Chị cho biết: "Sau khi ở bệnh viện 2 ngày về nhà là Quỳnh đã tự đi chợ nấu cơm, đưa con gái lớn đi khám sức khỏe và làm những công việc nhẹ nhàng hàng ngày."
Với chị Quỳnh, đi chợ, nấu ăn, làm vườn, đi mua đồ hay làm đẹp chăm sóc bản thân ngay sau khi sinh vừa tốt, lại tạo niềm vui tránh buồn phiền, trầm cảm sau khi sinh, giúp đầu óc thoải mái, cơ thể khỏe mạnh và giúp có nhiều sữa cho con.
Dù khá bận rộn với hai cô con gái nhỏ cũng như những công việc gia đình nhưng chị đã dành chút thời gian chia sẻ với độc giả về câu chuyện thai kỳ lần hai đầy khó khăn được "gỡ rối" vào phút cuối, cũng như chuyện sinh nở, ở cữ "nhẹ nhàng như không" của mình trên đất Mỹ.
Chị Quỳnh Trần trở lại với công việc hàng ngày chỉ vài ngày sau ca sinh thường. Hình ảnh này được chụp khi chị mới sinh con 6 ngày.
Chị Quỳnh và con gái đầu lòng.
Được đẻ thường vào "phút cuối"
Cảm xúc đi đẻ lần thứ 2 của chị có khác gì so với lần đầu không?
Cảm xúc lần hai đi sinh vẫn vẹn nguyên như lần đầu, hồi hộp, vui mừng và có chút lo lắng.
Đi đẻ lần hai, chắc không lo lắng như lần một?
Lần hai này Quỳnh có chút lo lắng hơn vì lần này quá ngày mà Quỳnh chưa sinh (so với lần đầu Quỳnh sinh sớm hơn ngày dự sinh 12 ngày), thêm nữa lần này thai ngược ngôi nên mặc dù trước ngày sinh bác sĩ đã thông báo thai quay đầu bình thường nhưng Quỳnh vẫn lo không biết có khi em bé lại trở về vị trí cũ.
Khi em bé bị ngược ngôi thai như thế, bác sĩ Mỹ có can thiệp gì không?
Khi biết ngôi thai ngược lúc tuần thai 37 tuần, bác sĩ cho Quỳnh hai lựa chọn hoặc sinh mổ hoặc sửa lại đầu thai. Tất nhiên sinh mổ thì chỉ chọn ngày là xong, còn tác động quay ngược đầu thai tỉ lệ thành công rất thấp, nhưng lúc đó Quỳnh quyết định ngay là đi sửa thai.
Ngày đó Quỳnh cực kỳ hồi hộp và căng thẳng. Khi vào bệnh viện, Quỳnh được đưa vào phòng cấp cứu, người ta trang bị đầy đủ máy móc và chuẩn bị hết nếu có chuyện gì không may xảy ra ví dụ như đau bụng hay gò tử cung hay thai làm sao thì mổ ngay tại chỗ. Có hai bác sĩ chính làm nhiệm vụ xoay bụng Quỳnh. Sau khi bôi dầu bôi trơn, y tá cầm máy để nhìn lên màn hình tình trạng thai nhi, một vài y tá phụ thêm vài bác sĩ khác đứng xem để thực nghiệm. Sau khi xoay khoảng chừng 7-10 phút, Quỳnh đau và không xoay chuyển tình thế. Và bác sĩ đã đặt lịch sinh mổ.
Trong những tuần cuối thai kỳ, chị khá lo lắng vì thai nhi không chịu quay đầu.
Tuy nhiên, với nỗ lực của mình, vào ngày cuối trước ngày dự sinh em bé đã thuận ngôi thai và chị đã đẻ thường rất dễ dàng.
Chị có bằng lòng với quyết định sinh mổ?
Thực ra Quỳnh rất muốn được đẻ thường nếu có thể. Trong những ngày cuối cùng của thai kỳ, Quỳnh đã rất chăm chỉ ngồi thiền, đi bộ và ngâm bồn lá thuốc trong khoảng 30 phút mỗi ngày. Thật không ngờ, nhờ những bài tập hữu ích đó mà điều kỳ diệu đã xảy ra, trước dự sinh một ngày, Quỳnh đi khám lại và vô cùng mừng rỡ khi bác sỹ thông báo thai đã quay đầu và có thể sinh thường, hủy lịch mổ.
Vì sao chị lại quyết tâm chọn đẻ thường thay vì đẻ mổ với ưu điểm là rất nhanh chóng?
Quỳnh sợ sinh mổ là vì năm ngoái sinh con đầu tiên Quỳnh sinh thường rất nhanh chóng, chỉ sau khi vào bệnh viện 10 phút. Sinh xong thì khỏe liền sau vài tiếng, xuất viện về nhà thì sức khỏe bình thường. Sau 9 ngày eo trở lại số đo của trước khi mang bầu và sau 2 tuần hết sản dịch, sức khỏe của hai mẹ con đều tốt.
Sinh mổ nhanh chóng nhưng sẽ đau sau đó với vết phẫu thuật và chưa kể nhiều thứ khác. Quan điểm của Quỳnh tự nhiên vẫn là trên hết.
Ca sinh nở của chị đã diễn ra như thế nào, có thuận lợi không?
Hôm 26/6 là ngày dự sinh của Quỳnh nhưng mình chưa có dấu hiệu đau đẻ. Khi đến bệnh viện thì bác sỹ có yêu cầu mình đi sinh luôn. Vừa vào bệnh viện, nằm được một chút xíu thì bác sỹ đến tiêm thuốc kích đẻ. Lúc đó mình vẫn cảm thấy bình thường, nằm lướt facebook và còn up cả hình túi xách đựng đồ đem đi đẻ nữa. Rồi chừng một giờ sau, y tá vào hỏi thăm lần thứ nhất thấy mình vẫn không đau bụng, mới mở 2 phân. Bác sỹ kiểm tra và “dọa” rằng nếu chút nữa không mở thêm phân nào mà đầu bé đã xuống thấp quá thì phải sinh mổ, trong khi mình vốn sợ nhất là sinh mổ.
Khi họ đi ra thì bụng mình có đau nhẹ, được 15 phút sau thì đau dữ dội. Chồng mình ngồi cạnh đó an ủi là chắc bình thường thôi, vợ cố gắng đi. Mình nói lại là hình như có cái gì lòi ra ở dưới. Lúc đó chồng mới chạy ra gọi y tá thì họ trấn an là không sao đâu, vừa 20 phút thôi mà. Chồng mình ra kêu lần thứ hai thì y tá mới chạy vào kiểm tra thấy đầu em bé sắp ra, và cuống cuồng gọi bác sỹ. Khoảng 2-3 người nữa chạy vào thì em bé đã chui được đầu ra, bác sỹ làm động tác đỡ vai và đưa em bé ra ngoài. Ca sinh nở diễn ra nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng của mình và cả các y bác sĩ.
Hình ảnh bà mẹ trẻ khỏe khoắn, năng động rời bệnh viện sau sinh 2 ngày khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Sau sinh 3 ngày, tự đi chợ, nấu cơm
Sau sinh nở, chị có cho con bú ngay không? Và chị có dự định nuôi con bằng sữa mẹ lâu dài không?
Sau khi sinh nở chắc do cơ địa nên 2 lần sinh thì sau đó 3 ngày Quỳnh mới có sữa, Quỳnh nuôi con bằng sửa mẹ ít nhất một năm.
Ở Việt Nam, sau sinh các mẹ thường kiêng khem khá cẩn thận, còn ở Mỹ thì sao, các sản phụ có kiêng khem trong việc ăn uống, sinh hoạt gì không chị?
Ở Mỹ sau khi sinh xong một giờ người ta sẽ đem đồ ăn tới cho mình vì trước đó họ dặn không được ăn vào buổi tối trước 12 giờ đêm nên sinh xong rất là đói, thực đơn ăn là canh nước gà, trà lạnh, kem chanh, xà lách, sữa và sương sa. Những bữa sau cũng giống vậy và có thêm nui, nước cam. Về đồ ăn không kiêng cữ gì, bác sĩ còn nói nếu Quỳnh không ngủ được thì xem ti vi thư giãn. Bác sĩ ở đây cũng khuyên sản phụ nên đi bộ vận động nhẹ nhàng tránh nằm nhiều để sản dịch ra nhanh, không mang vác gì trên 5 kg, không đi bơi, tránh "yêu" trong 6 tuần, không làm việc dùng sức nhiều như đẩy máy hút bụi nặng, lau nhà... chỉ đơn giản vậy thôi.
Còn với Quỳnh, sau khi sinh ở bệnh viện 2 ngày thì xuất viện về nhà, Quỳnh vẫn vào bếp nấu ăn, ra vườn hái rau bình thường. Ngay ngày hôm sau Quỳnh phải đưa con gái lớn đi khám để kiểm tra sức khỏe chích ngừa. Quỳnh còn đi chợ và đi shopping mua mấy món đồ cho con.
Nói chung việc ở cữ ở đây khác ở Việt Nam, Quỳnh thường thấy bạn bè hay người thân sinh xong là về nhà ở cữ nằm một chỗ cả tuần, cả tháng không ra ngoài. Còn Quỳnh vẫn tự tay làm mấy thứ để chăm sóc bản thân theo kiểu nhân gian mà Quỳnh thấy tốt như nghệ mật ong, xông, đắp túi muối gừng... Album "Nhật kí ở cữ" trên trang cá nhân mà Quỳnh chia sẻ rất được các mẹ thích thú và đón nhận nhiệt tình.
Một ngày sau khi rời bệnh viện, chị đã tự đi chợ, nấu cơm và đưa con đi khám sức khỏe.
Câu hỏi cuối, trẻ em được sinh ra ở Mỹ nhận được trợ cấp từ chính phủ như thế nào thưa chị?
Một đứa trẻ sinh ra ở Mỹ như con Quỳnh thì Quỳnh có bảo hiểm lo hết bởi công ty mình làm là công ty lớn bảo hiểm tốt, tiền viện phí này nọ bảo hiểm trả gần như 100%, tiền chi phí khám bệnh, khám định kì cho con cũng vậy, chính phủ hoàn toàn không hỗ trợ gì. Nếu bạn thu nhập thấp hay có nhiều vấn đề cần trợ giúp thì lúc đó chính phủ sẽ giúp đỡ.
Cảm ơn chị về những chia sẻ rất thú vị này!
Xem clip bác sĩ tự xoay ngôi thai bằng hai tay tại đây: