"Tràng hoa quấn cổ" hay còn gọi là tình trạng dây rốn quấn quanh cổ thai nhi một vòng hoặc nhiều vòng. Thực tế có một số trẻ sơ sinh bị dây rốn quấn cổ 4 - 6 vòng, có trẻ chào đời với số vòng dây rốn quấn quanh cổ và thân người là 7 vòng.
Bé trai chào đời với 7 vòng dây rốn quấn cổ và quanh thân
Tại Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn từng có một ca dây rốn quấn cổ hi hữu khiến cả êkip bác sĩ bất ngờ. Các bác sĩ đã thực hiện thành công ca mổ bắt thai kịp thời cho sản phụ P.T.L (36 tuổi, Hà Nội), bé trai nặng 2,6 kg đã chào đời an toàn, khỏe mạnh với "kỷ lục" 5 vòng dây rốn quấn cổ và 2 vòng quấn quanh thân. Thai phụ đến khám thai định kỳ sớm hơn lịch dự kiến 1 ngày. Qua thăm khám, BSCKII. Nguyễn Thị Huyền - khoa Sản của bệnh viện nhận thấy tim thai có dấu hiệu bất thường, tiên lượng có thể nguy hiểm cho cả mẹ và con, lập tức thai phụ được hội chẩn mổ gấp để thực hiện bắt thai ngay.
BSCKII. Nguyễn Thị Huyền, người trực tiếp thực hiện ca mổ cho chị L. cho biết: "Tình trạng thai nhi với nhiều vòng dây rốn quấn cổ như thế này là rất hiếm. Đây là nguyên nhân chính làm giảm lưu lượng máu qua thai, dẫn đến hậu quả thai suy dinh dưỡng nặng. Đặc biệt, có thể gây mất tim thai bất cứ lúc nào. Vì vậy, quyết định mổ bắt con trong trường hợp này là rất kịp thời và may mắn cho cả 2 mẹ con sản phụ".
Bé trai nặng 2,6 kg chào đời an toàn, khỏe mạnh với 5 vòng dây rốn quấn cổ và 2 vòng quấn quanh thân. Ảnh: BVĐK Bảo Sơn.
Em bé chào đời với 6 vòng dây rốn quấn cổ
Rạng sáng 8/8/2020, một bé trai nặng 2,6 kg bị 6 vòng dây rốn quấn cổ đã cất tiếng khóc chào đời tại Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu. Thai phụ 34 tuổi, mang thai lần thứ 4, nhập viện trong tình trạng vỡ ối sớm khi thai nhi 38 tuần tuổi.
Khi mổ bắt con, các bác sĩ khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu bất ngờ phát hiện bé bị 6 vòng dây rốn quấn quanh cổ. May mắn là vòng dây rốn không quấn quá chặt nên da em bé vẫn hồng hào, bé vẫn khóc nhưng đã có biểu hiện suy hô hấp.
Êkip khẩn trương tháo và cắt vòng dây rốn ra để giải phóng cho em bé trong vòng một giờ và lập tức được hỗ trợ thở oxy tại khoa Hồi sức Cấp cứu. Sau đó, sức khỏe trẻ ổn định, không còn phải thở oxy.
Hình ảnh 6 vòng dây rốn quấn quanh cổ em bé. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu.
Cũng trong năm 2020, một em bé nặng hơn 3 kg bị dây rốn quấn cổ 6 lần đã chào đời bằng phương pháp sinh thường tại Bệnh viện Trung ương Nghi Xương ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Một số tờ báo đã gọi cậu bé là em bé kỳ diệu.
Các bác sĩ sản khoa cho biết, dây rốn của em bé dài 90 cm (35,4 inch), dài hơn mức trung bình khoảng 40 cm (11,8 inch). Bác sĩ Li Hua - Trưởng khoa Sản của bệnh viện cho biết, thật may mắn khi dây rốn của em bé dài. Nếu không, trẻ sơ sinh có thể phải đối mặt với nguy cơ bị siết cổ trong quá trình sinh nở.
Em bé nặng hơn 3 kg bị dây rốn quấn cố 6 lần đã chào đời bằng phương pháp sinh thường tại Bệnh viện Trung ương Nghi Xương, Trung Quốc.
Báo cáo cho biết, ban đầu các bác sĩ phát hiện ra tình trạng của em bé khi khám thai hai tuần trước khi sinh nhưng khi đó sợi dây rốn chỉ quấn một vòng. Một tuần sau, qua thăm khám cho thấy sợi dây đã tạo thành một vòng tròn khác quanh cổ cậu bé. Các bác sĩ yêu cầu theo dõi thêm vì tình trạng thai phụ và thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng khi thai phụ chuyển dạ vào rạng sáng ngày 30/7/2020, kết quả chụp cho thấy dây rốn đã quấn quanh cổ em bé hết vòng này đến vòng khác. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định để sản phụ sinh thường vì mọi dấu hiệu sinh tồn của hai mẹ con đều trong giới hạn bình thường.
Một số ca trẻ sơ sinh "tràng hoa quấn cố'"vòng
Trẻ sơ sinh với 5 vòng dây rốn quấn cổ. Ảnh: BV Phụ sản TP. Cần Thơ.
Ngày 23/8/2023, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ cấp cứu thành công bé trai nặng 3.550 gr bị suy thai cấp trong quá trình mẹ chuyển dạ do dây rốn quấn cổ 5 vòng. Sản phụ là chị N.T.C.N (25 tuổi, ở huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) mang thai con so 39 tuần 4 ngày có dấu hiệu chuyển dạ, nhập viện BV Phụ sản TP. Cần Thơ. Thai phụ được theo dõi tim thai liên tục trong chuyển dạ bằng monitoring sản khoa. Quá trình theo dõi phát hiện tim thai giảm đột ngột, các bác sĩ nhanh chóng hồi sức tim thai nhưng không có dấu hiệu hồi phục. Ngay lập tức, các bác sĩ hội chẩn viện, thực hiện ca mổ lấy thai cấp cứu khẩn và kịp thời cứu trẻ sơ sinh thoát khỏi nguy hiểm với tình trạng 5 vòng dây rốn quấn cổ siết chặt.
Tháng 5/2023, bé gái sơ sinh nặng 2,8 kg với 5 vòng dây rốn quấn cổ kèm vòng quanh vai được các bác sĩ Trung tâm Y tế Hải Hà (Quảng Ninh) đón chào đời an toàn. Mẹ bé là sản phụ N.T.T. (28 tuổi) nhập viện Trung tâm Y tế Hải Hà khi thai được 38 tuần 5 ngày. Sản phụ mang thai lần thứ 2 có vết mổ đẻ cũ được chỉ định mổ do có dấu hiệu chuyển dạ.
Ngày 3/8/2022, BV Phụ sản Hà Nội đã thực hiện thành công ca phẫu thuật sinh mổ cho sản phụ N.T.B.T (27 tuổi, ở huyện Ý Yên, Nam Định) do có khung chậu giới hạn bất tương xứng với đầu và trọng lượng thai. Em bé chào đời nặng 3.600 gr với 5 vòng dây rốn quấn cổ, sức khỏe ổn định.
Em bé có dây rốn quấn cổ 5 vòng chào đời khỏe mạnh, an toàn bằng phương pháp sinh thường tại BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Ngày 1/11/2022, bé trai nặng 2,7 kg có dây rốn quấn cổ 5 vòng đã chào đời khỏe mạnh bằng phương pháp sinh thường tại BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Sản phụ Đặng Hằng Nh. 25 tuổi (Tam Thạnh, Núi Thành, Quảng Nam) mang thai tuần thứ 40 nhập viện theo dõi chuyển dạ con so tại Khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Kết quả thăm khám và siêu âm cho thấy thai nhi có dây quấn cổ 5 vòng.
Sau nhiều lần hội ý, trao đổi đồng thời kiểm tra tình trạng của thai nhi và khả năng sinh thường của mẹ các bác sĩ Khoa Phụ sản nhận thấy tình hình khả quan nên đã khuyến khích sản phụ sinh con bằng phương pháp sinh thường.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Thắng - Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cứ 4 ca sinh thì có 1 ca dây rốn quấn cổ. Nguyên nhân chính của dây rốn quấn cổ là do chuyển động quá mức của thai nhi ở những tháng đầu thai kỳ. Dây rốn dài hơn bình thường, nhiều nước ối, đa thai (sinh đôi, sinh ba…) thì có thể làm tăng nguy cơ dây rốn quấn cổ. Dây rốn có thể quấn quanh cổ một hoặc nhiều vòng. Nếu dây rốn quấn ba vòng trở lên thì nguy cơ thai lưu tăng lên. Tuy nhiên, có những trường hợp không bắt buộc phải mổ lấy thai mà mẹ bầu vẫn có thể sinh thường dưới sự thăm khám và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ sản khoa. |