Đó chính là con gái của sản phụ B.T.H. ở Lạc Thuỷ, Hoà Bình vừa chào đời hôm 28/7 vừa qua.
Ngày 28/7/2023, chị B.T.H., SN 1988 ở Lạc Thuỷ, Hoà Bình đã nhập viện Phụ sản Hà Nội để sinh con lần thứ 2.
Bác sĩ Nguyễn Biên Thùy - Phó trưởng khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - người trực tiếp mổ đẻ cho sản phụ Hồng cho biết, chị H. đang mang bầu được 38 tuần và bị rau tiền đạo trung tâm kèm theo tình trạng dây rốn quấn cổ nhiều vòng. Bởi thế, bác sĩ Biên Thùy đã quyết định cho mẹ bầu sinh mổ nhằm đảm bảo an toàn cho cả 2 mẹ con khi vượt cạn.
Sau phẫu thuật, chị H. đã mẹ tròn con vuông. Bé gái sơ sinh chào đời khỏe mạnh với rốn dài 1,5 mét, quấn cổ 5 vòng.
Bé gái sơ sinh chào đời khỏe mạnh với rốn dài 1,5 mét, quấn cổ 5 vòng. (Ảnh: BSCC)
Theo bác sĩ Biên Thùy mổ đẻ cho sản phụ H., chiều dài dây rốn trung bình của trẻ khoảng 50-55 cm, trên 80 cm đã được gọi là dây rốn dài. Vì thế với bé gái sơ sinh có dây rốn quá dài kể trên, em bé xoay trong bụng thì tỷ lệ cuốn vào cổ tăng lên.
Vị bác sĩ sản khoa này cũng cho biết, trong quá trình mổ đẻ cho thấy sức khỏe bé bình thường. Do sản phụ bị rau tiền đạo trung tâm nên phải chỉ định sinh mổ còn dây rốn quấn cổ nhiều vòng chỉ là yếu tố phụ thêm vì bình thường nếu nếu dây rốn cuốn cổ thai nhi từ 3 vòng trở xuống vẫn có thể theo dõi đẻ thường được.
"Đây cũng là minh chứng cho thấy các bà bầu không nên quá lo lắng khi siêu âm thấy thai nhi có dây rốn quấn cổ, chỉ cần theo dõi cẩn thận", bác sĩ Biên Thùy chia sẻ.
Năm 2019, bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh cũng đón một bé gái nặng 3,1 kg bị dây rốn quấn cổ 5 vòng chào đời bằng phương pháp sinh thường.
Theo ghi nhận cứ 3 trẻ chào đời thì có một trường hợp bị dây rốn quấn cổ. Thông trường trẻ chỉ bị quấn một, hai vòng, ít khi quấn 5 vòng.
Tình trạng dây rốn quấn cổ quá chặt có thể ảnh hưởng lượng máu nuôi thai nhi, có thể gây tử vong cho bé. Dây rốn quấn cổ nhiều vòng có thể làm đầu thai nhi cúi không tốt, cản trở quá trình mẹ sinh con qua ngả âm đạo.
Thông trường trẻ chỉ bị quấn một, hai vòng, ít khi quấn 5 vòng như bé gái vừa chào đời. (Ảnh: BSCC)
Bác sĩ Biên Thùy cũng khẳng định, tình trạng thai nhi có dây rốn quấn cổ có thể được phát hiện khi siêu âm thai của các mẹ bầu. Nhưng đây không phải là lý do để chỉ định phải sinh mổ. Bởi thế các thai phụ không nên quá lo lắng khi gặp trường hợp này, chỉ cần theo dõi chặt chẽ thai kỳ tại các cơ sở uy tín để được các bác sĩ có kinh nghiệm đánh giá tình trạng dây rốn quấn cổ cũng như sức khỏe và cử động thai, từ đó có phương án xử trí kịp thời. Ngoài ra, tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi cũng có thể hết khi em bé có các xoay trở tự tháo quấn.