Các bác sĩ Nhật Bản luôn khuyên mẹ bầu cần kiểm soát cân nặng, nếu vượt mức cho phép sẽ bị mắng.
Tôi quyết định sang Nhật sinh sống cùng chồng trong sự tiếc nuối của gia đình. Khi đó ở Việt Nam tôi đang làm nhân viên ở một ngân hàng có tiếng tăm, sang Nhật tôi sẽ chẳng có bất cứ một công việc gì, tôi cũng không biết tiếng Nhật. Bố mẹ đã lo lắng rằng tôi sẽ thất nghiệp, sẽ chán nản, rồi lại bỏ về nước bắt đầu lại từ đầu… nhưng tiếng gọi của tình yêu đã thôi thúc tôi đi.
Tôi lấy chồng đã được hơn một năm. Ngày yêu anh, chúng tôi cũng sống xa nhau, rồi đám cưới xong, chỉ được ở bên nhau 2 tuần rồi lại 'đường ai nấy đi'. Vậy thì còn gì ý nghĩa vợ chồng, việc gì phải cưới nhau? Ở đất nước mặt trời mọc, chồng tôi đang có công việc rất ổn, thu nhập tốt nên không có ý định về nước, anh cũng rất muốn tôi chuyển sang đó sinh sống nhưng nghĩ về tương lai, tôi hơi lo lắng… Nhưng thôi, gác lại tất cả, tôi quyết định “theo chồng bỏ cuộc chơi”.
Những ngày đầu sang Nhật, tôi buồn lắm vì chồng đi làm suốt ngày, lại hay phải làm đêm. Tôi thì chẳng biết tiếng Nhật, cũng chẳng có người quen. Cả ngày dài tôi chỉ biết đi chợ, nấu cơm, dọn nhà và lên facebook tám chuyện với bạn bè ở quê nhà. Có đôi lúc tôi thấy quyết định của mình là sai lầm, tôi hối hận dần đều vì cái thân phận của mình, đang là gái ngân hàng – nhiều người mơ chẳng được, thế mà giờ tôi bỗng biến thành người ăn bám chồng. Nhưng tôi không có đường quay trở về… Biết tôi buồn, chồng đã xin cho tôi làm phục vụ ở một quán ăn. Công việc tuy hơi vất vả vì phải chạy nhiều nhưng tôi bớt buồn hơn và tại đây tôi cũng học được khá nhiều tiếng Nhật. Thế nhưng chỉ 4 tháng sau đó, tôi dính bầu. Khi vừa nghe tin, bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ đã tức tốc gọi điện cho tôi bảo phải về nước ngay. Mẹ tôi nói tôi một thân một mình ở đó biết chăm sóc mình thế nào, rồi còn chuyện ăn uống, sinh nở… Ngày đó tôi cũng hơi lo lắng nhưng chồng nhất quyết không cho tôi về, anh đã phải hứa hết lời với bố mẹ tôi thì các cụ mới yên tâm để tôi ở lại lại nhưng thật may là quyết định này của vợ chồng tôi rất sáng suốt.
Tôi thấy may mắn vì mình mang thai và sinh ở Nhật. (ảnh minh họa)
Thời gian mang bầu ở xứ sở hoa anh đào, tôi nhận ra rất nhiều điều hay về đất nước và con người nơi đây. Phải nói rằng tôi yêu đất nước này cũng từ cơ duyên mang bầu và từ những lần đi khám thai. Việc khám thai ở đây có rất nhiều điều khác biệt, xin cùng chia sẻ với các mẹ.
Vừa có bầu đã được chính quyền quan tâm
Khi bắt đầu có thai, tôi lên phường để báo việc bầu bí của mình và sẽ được phát ngay cho một quyển sổ mẹ và con bao gồm những phiếu giảm giá khi đi khám thai, một quyển sách hướng dẫn các điều cần biết khi mang thai và chăm sóc trẻ nhỏ. Trong giai đoạn mang thai 3 tháng đầu, tôi được chỉ định khám thai 1 tháng một lần.
Trong 9 tháng mang thai, các mẹ bầu như tôi còn được tham gia 3 lớp tiền sản học miễn phí về chế độ dinh dưỡng, ăn uống sao cho đủ chất mà không tăng cân quá nhiều. Đến thời kì mang thai thứ 2, sẽ được đi học lớp dậy massage ngực để đầu ti được dài, mềm cho bé dễ bú và bầu ngực nhiều sữa. Từ thời kì thứ 3 thì mỗi lần đi khám thai đều được nằm 30 phút để theo dõi cử động của thai nhi. Xem thai nhi có khoẻ mạnh hay không. Đến tháng thứ 8 các bà mẹ sẽ được học một buổi dậy về cách hô hấp và cách rặn đẻ. Thông thường, từ tuần 5-23 tuần sẽ được khám thai 1 lần/tháng, từ tuần 24-35 sẽ là 2 lần/tháng và từ tuần 36 là 1 lần/tuần.
Ở Nhật, bà bầu tăng cân nhanh dễ bị... mắng
Ở Nhật, các bác sĩ luôn khuyến khích chị em bầu không nên tăng cân quá nhiều và chính tâm lý của các mẹ bầu cũng thế. Chính vì vậy tôi được bác sĩ hướng dẫn rất cụ tỉ về chế độ ăn cũng như tốc độ tăng cân khoa học nhất. Ngay từ lần khám thai đầu tiên, tôi đã được bác sĩ đo chiều cao, cân nặng để đưa ra biểu đồ tăng cân hợp lý. Với tôi, cao 1m60, nặng 48kg thì chỉ nên tăng 10-13kg. Còn với những người gầy hoặc béo hơn thì sẽ được tư vấn về mức tăng cân khác nhau. Hồi đó tôi đã nghĩ sẽ phấn đấu chỉ tăng khoảng 10kg. Thế nhưng, đến lúc lên bàn đẻ thì cân nặng cũng đạt đến đầu 6 (60 kg tròn).
Bác sĩ ở Nhật Bản kiểm soát rất chặt chẽ chế độ ăn của bà bầu. (ảnh minh họa)
Các mẹ đã từng có bầu hoặc đang bầu bí chắc sẽ hiểu để giữ được mức tăng cân 10-13kg không phải là dễ. Với tôi, tôi đã nhờ sự tư vấn tận tình của bác sĩ dinh dưỡng để có được chế độ ăn vừa đủ chất cho con mà mẹ lại không tăng cân quá nhiều. Theo bác sĩ trực tiếp khám thai cho tôi khuyên thì 3 tháng đầu các mẹ bầu không cần quan tâm đến cân nặng, nghĩa là không cần tăng cân cũng được. Từ tháng thứ 4-6, mỗi tháng tăng 1-2kg và 3 tháng cuối, mỗi tháng tăng 2kg là tốt nhất. (trong trường hợp bạn tăng cân quá nhanh >2kg/tháng sẽ bị bác sĩ nhắc nhở và tôi đã rơi vào hoàn cảnh này ở tháng thứ 7 thai kỳ).
Hồi mang thai tháng thứ 7,8 tôi rất hay đói. Mà nếu ăn ít thì bé quậy không cho mẹ ngủ. Thế là mất hơn một tháng tôi đã ăn “thả cửa” và kết quả là tháng thứ 7 thai kỳ tôi tăng đến 3kg. Ngay sau đó tôi đã bị bác sĩ mắng cho một trận. Theo bác sĩ thì nếu cứ ăn uống thoải mái và tăng cân theo đà này thì 2 tháng cuối tôi sẽ tăng đến 4-5kg nữa. Tôi đã phải liệt kê chế độ ăn uống thời gian đó của mình, rồi bác sĩ còn bắt tôi tham dự 2 buổi học về chế độ ăn uống cho bà bầu. Ngoài ra, tôi còn phải dành nhiều thời gian để tập thể thao (hồi đó tôi tập yoga và đi bộ) vì bác sĩ sợ tôi tăng cân nhiều sẽ khó đẻ. Nghe bác sĩ nói về tác hại của việc tăng cân quá nhiều trong thai kỳ mà tôi hoảng. Từ hôm đó, tôi đã phải cố gắng nhịn miệng đấy. May mà đến tháng thứ 8, tôi không tăng cân 'phi mã' nữa.
Bà đẻ như Thượng đế
Chuyện sinh con ở Nhật Bản có lẽ làm tôi ấn tượng nhất. Tôi phải đau đẻ 2 ngày con mới chịu chào đời. Cả ngày đầu tiên nhập viện, cổ tử cung mới chỉ mở được 6 phân mặc dù lúc nhập viện đã mở 4 phân. Sang đến ngày thứ 2, nằm cả buổi sáng mà cổ tử cung cũng chỉ mở thêm được 1 phân nữa. Lúc đó, gia đình tôi đã xin bác sĩ được đẻ mổ nhưng cả bác sĩ và các y tá đều khuyên tôi nên cố gắng chịu đau và đẻ thường vì em bé vẫn rất khỏe mạnh, đẻ thường sẽ tốt nhất cho cả mẹ và con. Để ủng hộ tinh thần cho tôi, các y tá luôn ngồi cạnh giường để trò chuyện, có lúc còn thở cùng tôi. Nói thật tôi thấy “ấm lòng” về thái độ phục vụ của y bác sĩ ở đây lắm.
Khi những cơn đau đẻ lên đến đỉnh điểm, chính bác sĩ trưởng khoa đã vào đỡ đẻ cho tôi, ekip trực buổi sáng hôm đó đều có mặt trong phòng sinh, người thì ở bên cạnh động viên, người thì ấn bụng cho bé xuống, người thì giữ chân tay… Thật may mắn, em bé của tôi cũng chào đời an toàn. Sau sinh nở, tôi còn được các y tá tận tay vệ sinh sạch sẽ, thay quần áo mới và gen bụng...
Thích nhất là khoản chăm sóc sau sinh tại đây. Dù còn rất mệt sau 2 ngày vật vã đau đẻ nhưng sự ân cần và nhiệt tình của bác sĩ và y tá trong bệnh viện cũng khiến tôi tỉnh táo hơn nhiều. Sau khi con được vệ sinh xong, các y tá bế con đến giường tôi và yêu cầu chụp ảnh cho cả gia đình. Suốt những ngày ở viện, tôi chẳng phải lo đến việc chăm sóc bé vì tất cả đã có các y tá. Tôi chỉ cần nhớ giờ đến cữ bú của con và sang phòng cho bé tu ti.
Cũng trong những ngày sau sinh, tôi và chồng được hướng dẫn cách tắm cho bé, cách pha sữa cho con và thay tã bỉm cho con. Đến ngày thứ 5 thì tôi được xuất viện. Thông thường ở bệnh viện bên này, với ca đẻ thường sẽ ở lại viện trong 5 ngày còn đẻ mổ là 10 ngày. Phải công nhận các y bác sĩ ở bệnh viện Nhật Bản rất nhẹ nhàng và nhiệt tình. Bệnh viện thì sạch sẽ, thái độ phục vụ đúng tư tưởng khách hàng là thượng đế.
Chuyện sinh nở của tôi đã diễn ra hoàn hảo thế đấy. Ở đây chẳng bao giờ có cảnh sản phụ sợ bác sĩ mà họ luôn cố gắng giúp đỡ mình hết sức có thể, như những người thân thiết nhất của mình. Tôi rất hài lòng với quyết định sinh con ở đây và có lẽ sẽ gắn bó cả cuộc đời còn lại của mình với đất nước mặt trời mọc tuyệt vời này.
Chia sẻ của mẹ Hồ Thị Quỳnh Trang (Nhật Bản)
Đọc thêm sự kiện Sinh con ở nước ngoài tại đây: |