Tôi đã đẻ đứa con đầu lòng rất nhẹ nhàng nhờ kinh nghiệm học được từ các mẹ Đức.
Cách đây 2 năm, tôi “lơ ngơ” bỏ gia đình, bạn bè, người thân để theo chồng sang sống ở một đất nước hoàn toàn xa lạ. Ông xã tôi cũng là người Việt nhưng đã du học ở Đức 5 năm và làm việc luôn tại đó. Vì chẳng hợp với cô gái Đức nào cộng với áp lực bố mẹ muốn có con dâu Việt để dễ bề trò chuyện nên anh quyết định về nước lấy vợ. Anh là bạn thân của anh trai tôi nên chúng tôi có quen nhau từ nhiều năm trước. Thời gian anh về nước hỏi vợ cũng là lúc tôi vừa tốt nghiệp đại học. Đang nghỉ ‘xả hơi’ trước khi ‘dấn thân’ vào công cuộc kiếm tiền thì chuyện ‘mối lái’ cho tôi lấy chồng diễn ra. Lúc đó tôi cũng chưa có người yêu, bố mẹ hai bên thì đồng ý lắm lắm, tôi cũng có thiện cảm với anh từ trước vì anh khá hiền lại học hành giỏi giang nên tôi chẳng lỡ từ chối… Tình yêu của tôi với anh lớn dần và chỉ 1 năm sau đó đám cưới diễn ra.
Sau đám cưới, anh làm thủ tục đưa tôi sang Đức cùng. Ai cũng bảo tôi sướng, vừa ra trường đã lấy được chồng, lại được sống ở đất nước phồn hoa, giàu có nhưng có “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Ngày mới sang Đức tôi có chút phấn khởi nhưng chỉ khoảng 1 tháng sau, tôi bắt đầu nhận thấy sự lựa chọn của mình là sai lầm. Nếu ở trong nước lúc ấy chắc tôi đã có công việc ổn định bởi bằng cấp của tôi chẳng phải dạng ‘xoàng’ thế mà sang đây đến một nửa từ tiếng Đức tôi còn không biết. Cả ngày dài cứ ngồi trong nhà nấu cơm, rửa bát đợi chồng đi làm về. Đôi khi muốn xuống phố chơi tôi cũng không dám vì cứ ngơ ngơ ngáo ngáo như người ngoài hành tinh. Trừ khi đi chợ, đi siêu thị mua đồ thì tôi hiếm khi một mình xuống phố. Khu tôi sống thuộc quận Pankow, Berlin cũng khá sầm uất nhưng tôi thì chẳng thấy vui chút nào.
Cũng may 7 tháng sau đó tôi có bầu. Điều an ủi lớn nhất với tôi khi có bầu là tôi sẽ có người bầu bạn và được bận rộn ở nơi xứ người này. Tôi đăng khí khám thai và sinh nở ở một bệnh viện khá nổi tiếng ở thủ đô Berlin do một người bà con giới thiệu. Từ ngày có thai tôi mới thấy cuộc sống ở đây “đáng sống” thế nào. Cứ 2 lần một tuần tôi đến bệnh viện để khám thai. Những lần đầu thì được người bà con quen biết đưa đi. Nhưng những lần sau đó khi đã quen đường xá, tôi tự đi lại vì công việc của chồng tôi khá bận không tiện đưa đón. Cũng từ những lần đi khám thai này, tôi dần tự tin hơn và “dám” xuống phố dong chơi những lúc rảnh rỗi. Mỗi lần đi khám thai, dù không hiểu được nhiều tiếng Đức nhưng cứ thấy bác sĩ nói “Okay” là tôi yên tâm. Tôi cũng thường đưa sổ khám thai về để nhờ chồng hoặc người bà con dịch hộ những điều bác sĩ nhắc nhở. Nhờ thế mà tôi hiểu rất kỹ về thai kỳ của mình.
Dịch vụ khám thai và sinh nở ở Đức rất hoàn hảo. (ảnh minh họa)
Điều đặc biệt của các bệnh viện ở Đức là dịch vụ vô cùng tuyệt vời. Hầu hết các bệnh viện ở đây đều có những giờ mở cửa riêng biệt dành cho những cặp đôi sắp lên chức bố mẹ vào thăm quan. Họ cũng không ngừng cải tạo dịch vụ để thu hút bệnh nhân. Vợ chồng tôi cũng đã đến ‘thăm dò’ khá nhiều bệnh viện nhưng vẫn chọn bệnh viện của người quen giới thiệu vì dù gì người bà con đã từng trải qua sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn.
Trước khi sinh nở 1 tháng, bệnh viện còn giới thiệu, tư vấn tỉ mỉ cho tôi những phương pháp sinh khác nhau như sinh thường, sinh thường không đau, sinh mổ… Nhưng các bác sĩ luôn khuyên nên sinh thường và tôi cũng chọn sinh thường vì nghe nói sẽ tốt cho cả mẹ và con mà thai kỳ của tôi cũng không có vấn đề gì bất trắc.
Trong 3 tháng cuối mang thai tôi còn được học lớp tiền sản hoàn toàn miễn phí do bệnh viện mở ra. Tại lớp học này, các chuyên gia sẽ cung cấp đầy đủ cho chị em bầu những kiến thức cần thiết nhất cho quá trình vượt cạn. Bài học đầu tiên tôi được dậy là phải giữ bình tĩnh, tuyệt đối không được gào thét và khóc lóc khi đau đẻ vì điều này không hề giảm bớt đau đớn mà còn làm chính sản phụ mệt mỏi, người nhà và bác sĩ hoang mang, lo lắng. Có lẽ tất cả mẹ bầu ở Đức đều ghi nhớ điều này nên chúng tôi đã vô cùng bất ngờ khi trong khoa đẻ của bệnh viện không bao giờ có tiếng la hét như ở các bệnh viện sản của Việt Nam. Mẹ chồng tôi khi sang chăm con dâu đẻ đã thắc mắc “hình như các bà đẻ ở Đức không biết đau?” Bởi họ không hề gào khóc, la hét hay chửi bới lung tung trong cơn đau chuyển dạ.
Tại các lớp học tiền sản ở đây, vợ chồng tôi còn được hướng dẫn cách mát-xa và những bài tập vận động đơn giản. Điều ấn tượng nhất với tôi là những bài tập thở. Cũng nhờ những bài tập thở này, tôi đã vượt qua ca sinh nở mà không phải rạch một tí tầng sinh môn nào nhé.
Hồi bầu bí, tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện đi đẻ của người thân, của bạn bè và từ các chị em trên diễn đàn. Tôi rất sợ bị rạch khi sinh nở vì vậy khi nghe các chuyên gia ở Đức nói nếu thở đúng cách khi đẻ thì không bao giờ lo đến chuyện bị rạch, tôi mừng lắm. Tôi quyết tâm học thở cho bằng được. Đầu tiên là bài học thở giúp hạn chế cơn đau đó là hít một hơi thật dài và từ từ thở ra, đếm trong đầu từ 1 đến 10, khi đến 10 thì vừa thở hết hơi trong bụng. Bài tập này rất đơn giản nhưng quan trọng là chúng ta phải biết cách thở đều và nhẹ nhàng, không được nín thở rồi phì ra một phát luôn. Bài tập thở này tương tự như việc thở khi tập yoga. Mỗi ngày tôi đã cố gắng tập thở đều đặn vào mỗi buổi sáng, mỗi lần khoảng 5 phút.
Nhờ được chuẩn bị tâm lý kỹ càng và cách học thở mà các bà mẹ Đức sinh nở rất dễ. (ảnh minh họa)
Bài tập thứ hai là tập lấy hơi. Tôi được hướng dẫn là khi những cơn đau đẻ lên đến đỉnh điểm, chúng ta thường sẽ mót rặn vô cùng và hầu như mẹ nào cũng sẽ rặn đẻ luôn lúc ấy. Tuy nhiên, rặn đẻ như thế chỉ làm em bé khó chào đời hơn. Lúc này hãy tập lấy hơi từ những hơi thở ngắn của mình rồi mới rặn thật mạnh. Hãy cố gắng chú ý đến tiếng hô của bác sĩ để rặn theo.
Thông thường chỉ sau 1,2 cơn rặn mạnh đó là đầu bé đã nhô ra. Lúc này các mẹ sẽ có cảm giác nóng ran người và muốn rặn tiếp vì đang theo đà rặn nhưng phải ngưng lại để chờ các mô tầng sinh môn mỏng đi và căng ra. Việc này hơi khó nhưng các mẹ phải cố thực hiện thì sẽ không bị rạch tầng sinh môn. Một chiêu cực hay để kìn chế cơn mót rặn là thở dồn dập. Mẹ hãy thở nhiều hơn để hãm cơn rặn và chờ đợi sự hướng dẫn tiếp theo của bác sĩ. Khi bác sĩ có lệnh rặn tiếp thì hãy rặn theo và khi đầu bé đã ra ngoài thì chỉ 1-2 lần rặn nữa là bạn đã được nghe tiếng con oe oe khóc chào đời.
Cả ca sinh nở của tôi chỉ kéo dài khoảng 6 giờ (từ lúc đau đẻ đến khi con cất tiếng khóc chào đời). Những ngày ở viện, mẹ chồng tôi hết lời khen con dâu (là tôi) quá giỏi vì suốt 6 tiếng chẳng thấy tôi khóc lóc cũng như la hét mà rất bình tĩnh. Bà còn gọi điện oang oang về cho người nhà ở Việt Nam khen con dâu cũng như bà đẻ ở Đức đẻ rất nhẹ nhàng, chẳng thấy ai la hét gì cả. Mẹ chồng còn nói nhỏ vào tai chồng tôi rằng: “Hay bệnh viện tiêm thuốc giảm đau cho sản phụ?”
Riêng vợ chồng tôi thì biết câu trả lời đó là nhờ các buổi học tiền sản, nhờ những bài học kiểm soát sự bình tĩnh, bài học thở đúng cách khi đẻ mà tôi cũng như bao sản phụ ở đây chẳng chút đau đớn khi sinh con. Tôi đã học được một bài học vô cùng hữu ích khi đi đẻ ở Đức. Xin chia sẻ với chị em, hy vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp ích cho các mẹ bầu sắp lên bàn đẻ.
Chia sẻ của mẹ Vũ Thị Thanh Hoa (Quận Pankow, Berlin, Đức)