Chứng kiến vợ trải qua cơn đau đẻ, anh Đức Ngọc mới thấy thương vợ, chỉ ước gì chịu đau được thay vợ.
Lần đầu có con, anh Phạm Đức Ngọc (1987) cũng như bao người đàn ông khác, vô cùng hồi hộp trong ngày đưa vợ đi đẻ. Ông bố trẻ đồng thời cũng là một nhiếp ảnh gia có tiếng ở Hà Thành đã không quên mang máy ảnh theo để kịp thời ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong ngày vượt cạn của vợ.
Anh Đức Ngọc không ngờ, ngày vợ đi sinh lại mang đến cho anh nhiều cảm xúc đến thế, từ sự hồi hộp đến xót xa thương vợ, rồi thấp thỏm lo âu khi phải ký giấy cho vợ chuyển mổ cho đến vỡ oà hạnh phúc đón con ra đời.
Bộ ảnh cùng những trải lòng rất thật của anh Đức Ngọc sẽ giúp các cặp vợ chồng mới có con chuẩn bị tâm lý tốt nhất để vượt cạn thành công.
Đêm hôm trước khi chuyển dạ, vợ xuất hiện các cơn gò cứng bụng, xoay người liên tục và đi tiểu rất nhiều lần kèm theo trạng thái đứng ngồi không yên. Mình trấn an vợ:
- Anh thấy biểu hiện của em y hệt như con mèo ngày trước của anh sắp đẻ đi tìm chỗ lót ổ.
Sáng hôm sau, cơn co ngày một dồn dập hơn, mỗi lần xuất hiện cơn đau là vợ dừng hình, khom lưng và không đi lại được nữa. Tranh thủ tắm gội sạch sẽ tinh tươm, hai vợ chồng lên đường đi vào viện.
Các bố chú ý nhé, phụ nữ sắp sinh họ có sợi dây tình cảm đặc biệt với con nên khi con muốn chui ra lúc ấy người mẹ sẽ cảm nhận rõ ràng nhất. Đừng vì chủ quan mà nghĩ đó là chuyển dạ giả như mấy lần trước đó.
Sau khi làm hết các thủ tục và đóng các khoản phí phát sinh khám thêm ngoài gói là 1.660.000 VNĐ, vợ mình bắt đầu nhập viện.
Đến lúc chạy máy, bạn y tá nói:
- Nhà mình có cơn co rồi nhé, chắc chị sẽ sinh trong ngày hôm nay thôi.
Hai vợ chồng nghe thấy như mở cờ trong lòng vì 5 lần chạy máy rồi, lần nào cũng như lần nào, không có dao động, không có cơn co...
Nhập viện, vợ được đeo cho cái vòng bảng tên mã số mã vạch. Quả này chắc chắn rồi, hồi hộp pha chút lo lắng là cảm giác lúc này.
Bên ngoài cửa phòng chờ sinh.
Tưởng vào phòng sinh là đẻ ngay, ai dè đây là khỏng thời gian chờ đợi dài nhất từ trước đến giờ của mình. Vào phòng vẫn cứ là công cuộc theo dõi máy monitor, thỉnh thoảng lại có chị y tá vào kiểm tra. Lúc này cổ tử cung đã mở 2cm.
Các cơn co xuất hiện đều đặn khi xem trên máy monitor.
Toàn cảnh phòng sinh với các y thiết bị vây quanh.
Vợ đau càng ngày càng nhiều hơn, bác sỹ khuyến khích đi lại một chút cho đầu em bé thúc xuống nhiều hơn...
Lúc ấy đo đã mở được 3 cm.
Hết đứng lại ngồi, xuýt xoa chưa bao giờ đau đến thế. Vợ trách mẹ: "Sao mẹ lại bảo đẻ không đau"...
Có chứng kiến tận mắt mới cảm nhận được đau đẻ nó đau đến nhường nào. Người ta so sánh đau đẻ như bẻ từng khúc từng khúc xương sườn một.
Chị y tá căn dặn nên đi lại thật nhiều. Quá trình chuyển dạ đẻ con so thường kéo dài lâu hơn (16-24 tiếng) so với con dạ (10-15 tiếng).
Mình tỏ vẻ "quách tỉnh" nhưng thực ra được mọi người cảnh báo trước nên không dám hỏi han, chỉ dám nắm lấy hai bàn tay động viên vợ. Hàng chục cơn đau trôi qua và kết quả là ngón tay áp út và ngón đeo nhẫn hằn lên đỏ ửng vì vợ nghiến quá mạnh.
Mình không dám ngủ, thỉnh thoảng ngó lên máy monitor theo dõi xem nhịp tim thai hay chỉ số cơn co có gì bất thường không...Thời gian cứ chậm chạp trôi từng giây.
Hai vợ chồng vật vờ đến chiều tối thì y tá đưa vào bát cháo thịt bằm ăn lấy sức để sẵn sàng đêm chiến đấu, cơ mà đau quá nên động viên mãi cũng chỉ ăn được nửa bát.
Vợ đau dữ dội gò người lên từng cơn, nhìn vợ lúc này thì không một ông chồng nào cầm nổi lòng được, đứng bên cạnh mà xót xa từng khúc ruột. Hết gục vào vai, rồi gục xuống chân, ôi trời lúc ấy chỉ ước sao san sẻ được cơn đau dữ dội ấy cho vợ..
Cơn co kéo dài từ sáng đến 8 giờ tối vẫn chưa dứt. Vợ đau quá không chịu nổi, mình quyết định gọi bác sỹ truyền gây tê màng cứng.
Bỗng có một trục trặc vướng mắc không hề nhẹ là đầu em bé không chui xuống ống dẫn sinh mà lại nhô cao. Một phần vì ối vợ bị dư nhiều, một phần chắc do em bé không chịu chui ra bằng đường thông thường...
Bác sỹ thông báo khả năng đẻ thường giờ chỉ còn 50-50, có khả năng phải sinh mổ nếu tình trạng vẫn cứ tiếp diễn. 12 tiếng hơn, vẫn chỉ mở 4 phân, khả năng đẻ thường chỉ còn 30%, cả nhà quyết định chuyển sang đẻ mổ cấp cứu.
Tâm trạng mình lúc này lo lắng hơn gấp bội phần vì trước đó cứ đinh ninh quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh chóng và thuận lợi. Sau khi ký vào đơn cam đoan đồng ý phẫu thuật mổ đẻ, vợ được cáng di chuyển sang phòng phẫu thuật mổ lấy em bé, chồng cùng hai mẹ di chuyển đồ đạc, vừa chờ ở ngoài vừa lo lắng vừa... run.
Sau thời gian chờ đợi 30 phút mà dài như 3 ngày, hết thấp thỏm rồi lại hỏi thăm khi thấy có y tá hay người nhà sản phụ khác đi ra... cuồi cùng, xe đẩy em bé Suti đã đi ra. Bạn y tá chúc mừng gia đình, thông báo em bé ra đời lúc 1h20 và nặng 3kg. Một cảm giác nghẹn ngào sung sướng khó tả khi được lên chức.
Y tá đẩy em bé lên tầng 5 - nội trú sản để các y tá chăm sóc, mặc quần áo sạch sẽ thơm tho. Bố và bà ngắm nhìn qua cửa kính không rời mắt. Em bé mở mắt thao láo nhìn ngó thế giới lạ lẫm xung quanh và nghe các bạn khác khóc ré lên.
Bố vội vã làm thủ tục nhận phòng rồi chạy xuống phòng hồi sức hậu sản với mẹ.
Lúc này là gần 2 giờ sáng, chẳng còn sản phụ nào có mỗi vợ nằm trong phòng hồi sức rộng phải đến 200m2. Trong này rộng thật, đường vào thì lạnh và sâu hun hút...Vợ nằm bất động trên giường, người run mạnh lên bần bật từng hồi như ai đó cầm vào người và lay. Hỏi y tá thì đây là phản ứng bình thường sau khi mổ.
Sau khi nằm trong phòng hồi tỉnh 2 tiếng, mẹ được về phòng rồi con cũng được đẩy về phòng cùng mẹ để kịp bú sữa non vừa về - rất tốt cho trẻ sơ sinh. Tiếp đó là hàng loạt các phản ứng sau mổ mà vợ phải chịu đựng như đau vết mổ dữ dội khi hết thuốc tê, ngứa ngáy khó chịu khắp người...
Sau gần 30 tiếng vất vả, cả nhà đã chào đón thành viên mới của gia đình. Người nhà đã được vào thăm.
Bố cháu lóng ngóng học cách thay bỉm và chuyện trò cùng cháu. Vì cháu sinh vào ban đêm nên khá nhiều thiệt thòi, bình thường sau 24h là bé được tắm nhưng nhà cháu phải sang đến sáng hôm sau các cô y tá mới qua tắm cho cháu được.
Bé tỏ ra rất thoải mái khi được tắm rửa sạch sẽ, các cô y tá còn cho bé bơi trong bồn tắm rất khéo léo.
Hy vọng khi con lớn lên đọc được những dòng này thấy yêu mẹ nhiều hơn thật nhiều vì bố mẹ đã vượt qua bao nhiêu sóng gió để đón con đến với nhà mình đấy!