Để sẵn sàng làm mẹ, hãy dành thời gian liên kết với thai nhi trong bụng mỗi ngày.
Trong những tuần đầu của thai kỳ, các mẹ bầu thường cảm thấy rất mệt mỏi và căng thẳng. Tuy nhiên khi thai nhi lớn dần lên, họ sẽ cảm thấy sự gắn bó giữa mẹ và bé là rất kỳ diệu.
Để giúp bạn sẵn sàng làm mẹ, hãy dành thời gian liên kết với thai nhi trong bụng mỗi ngày. Mang thai chính là điểm khởi đầu tình yêu suốt đời với con của bạn.
1. Massage bụng bầu
Xoa bụng bầu nhẹ nhàng là cách đơn giản để gắn bó với bé. Nhiều người mẹ sử dụng các loại tinh dầu và kem chống rạn để massage bụng bầu. Hiệu quả của kem chống rạn da còn tùy thuộc ở từng người mẹ nhưng chắc chắn, massage với tinh dầu và kem là cách thư giãn tuyệt vời cho mẹ và bé.
Trong lúc thoa kem chống rạn, bạn nên thư giãn và dành thời gian để suy nghĩ tới em bé, thậm chí có thể trò chuyện cùng con. Hãy thử thư giãn với 1-2 giọt tinh dầu oải hương, tinh dầu hoa hồng hoặc quýt (những loại tinh dầu an toàn để sử dụng trong 3 tháng đầu).
Xoa bụng bầu nhẹ nhàng là cách đơn giản để gắn bó với bé (Ảnh minh họa)
Có thể nhờ chồng massage cho bạn những chỗ khác trên cơ thể như bả vai, chân… Đây cũng là cách để người bạn đời chia sẻ với vợ trong suốt quá trình mang thai.
Mang thai chính là điểm khởi đầu tình yêu suốt đời với con của bạn.
2. Đi bơi
Để giải phóng cho đôi chân của mẹ thì ý tưởng tuyệt vời là đi bơi. Bơi không chỉ là cách thư giãn an toàn khi mang thai mà nó còn là cơ hội để kết nối với thai nhi – “thiên thần nhỏ” cũng đang bồng bềnh trong lớp nước ối.
Cho dù bụng bầu lớn thế nào, những hỗ trợ nhẹ nhàng từ nước giúp bạn thấy dễ chịu, kể cả giai đoạn sau của thai kỳ. Bạn cũng có thể tham dự những lớp tiền sản dưới nước.
3. Hát và nói chuyện với em bé
Thính giác của bé phát triển theo thời gian. Từ khoảng 23 tuần, bé có thể lắng nghe nhịp tim và tiếng sôi bụng khi đói của mẹ như thưởng thức âm nhạc. Bé còn bắt đầu nghe được những âm thanh từ bên ngoài, qua nước ối và tường tử cung.
Nghe được giọng mẹ hàng ngày giúp bé nhanh chóng nhận ra giọng mẹ sau khi chào đời. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thính giác của bé phát triển tốt ngay từ trong tử cung là để giúp bé bắt đầu kết nối với mẹ từ khi chưa sinh ra. Sau khi chào đời, bé sơ sinh sẽ chú ý tới giọng của mẹ nhiều hơn giọng nói của người khác.
Nói chuyện và hát cho bé là điều thực sự bổ ích một khi bạn biết bé có thể nghe thấy mẹ. Bạn có thể thấy chút e ngại đầu tiên nhưng bạn sẽ sớm quen và thích thú trò chuyện với bụng bầu.
4. Đi tắm
Tắm nước ấm là cách thư giãn tuyệt vời cho cả mẹ và con. Nhưng cần chú ý để nước tắm không quá nóng.
Hãy nằm trong bồn tắm, hít sâu và hoàn toàn thư giãn, suy nghĩ về hình ảnh xinh đẹp của bé sau này. Hãy tưởng tượng khuôn mặt bầu bĩnh, những nét giống bố và giống mẹ của bé, cũng như những gì bạn sẽ nói với con.
Nếu ở 3 tháng giữa, bạn có thể thấy con đạp nếu bạn nằm yên. Trong ngày, bạn có thể quá bận rộn nên không cảm nhận thấy những chuyển động của con. Hãy dành chút thời gian thư giãn trong bồn tắm vào buổi chiều muộn hoặc buổi tối.
5. Yoga cho bà bầu
Các lớp học yoga tiền sản là cơ hội thư giãn tuyệt vời cho cả hai mẹ con. Thời gian tốt nhất để bắt đầu tập yoga là trong tam cá nguyệt thứ hai, sau tuần 14. Các chuyên gia khuyên bạn không nên thử các tư thế của yoga trong 3 tháng đầu.
Cùng với các bài tập nhẹ nhàng, bạn sẽ được học kỹ thuật thở để áp dụng trong giai đoạn chuyển dạ. Yoga cho bà bầu có thể giúp thư giãn tâm trí và cơ thể mẹ, cũng như khiến mẹ cảm nhận rõ ràng chuyển động của con trong bụng.
6. Lưu hình ảnh siêu âm của con vào điện thoại di động
Hoặc bạn dán ảnh siêu âm của con lên tường phòng ngủ. Cách này nhắc nhở hai vợ chồng bạn rằng, em bé đã là một thành viên chính thức trong nhà.
Nói chuyện và hát cho bé là điều thực sự bổ ích một khi bạn biết bé có thể nghe thấy mẹ (Ảnh minh họa)
7. Để bố kết nối với con
Hầu hết người mẹ đều cảm nhận thấy sự hiện diện của bé ngay từ sớm nhưng các ông bố thì khó có cảm giác gần gũi này. Bạn hãy tạo điều kiện để chồng cảm thấy những cử động của con. Để chồng bạn biết rằng từ 23 tuần, bé có thể lắng nghe được âm thanh bên ngoài tử cung. Khuyến khích bố nói chuyện và đọc sách cho bụng bầu. Điều này sẽ giúp bé quen giọng của bố.
Động viên chồng của bạn cùng đi học lớp tiền sản để anh ấy hiểu về thai kỳ và chuyện sinh nở của phụ nữ.
8. Đi dạo
Nên thường xuyên đi bộ cùng chồng của bạn. Đi bộ khiến bạn có thời gian thư thái để nghĩ về con, thậm chí còn có những cuộc trò chuyện kín đáo với bụng bầu.
Nếu bạn chưa có thói quen đi bộ trước mang thai, hãy bắt đầu dạo bộ với tốc độ thoải mái. Một khi đã thành thói quen, bạn có thể đi với tốc độ nhanh hơn trong 20-30 phút. Hoặc bạn đan xen vài phút đi bộ nhanh với vài phút đi bộ chậm.
9. Phản ứng với những cú đá của bé
Bạn bắt đầu cảm thấy chuyển động rõ nét của thai nhi ở tuần 18-20, nếu đây là lần mang thai đầu. Phản ứng với những cú đá của bé bằng cách khi bé đá thì mẹ xoa bụng và bất ngờ có thể là bé sẽ đá cú thứ hai ở chỗ mẹ vừa xoa.