Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Ngày 24/07/2017 10:20 AM (GMT+7)

Tiêm phòng uốn ván khi mang thai vô cùng quan trọng nhằm tạo kháng thể cho mẹ trước ca sinh và cho bé trước khi cắt dây rốn.

Để chào đón con yêu, các mẹ không chỉ trải qua khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày dài “đằng đẵng” mà còn phải lo lắng làm sao đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con để lần vượt cạn được “mẹ tròn con vuông”.

Trong những hành trang của mẹ bầu, điều quan trọng nhất mà chị em cần phải biết đó là nắm rõ lịch tiêm chủng trước khi mang thai như tiêm ngừa cúm, tiêm ngừa sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, viêm gan và một số loại bệnh khác để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như thai nhi. Không những vậy, mẹ bầu cũng nên nắm rõ lịch tiêm phòng uốn ván trong khi mang thai bởi thời gian mang thai và ngay sau sinh bà mẹ rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. 

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu có ảnh hưởng đến thai nhi không? - 1

Tiêm phòng uốn ván khi mang thai để tránh phơi nhiễm, tạo kháng nguyên cho mẹ và thai nhi trước cuộc sinh. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, uốn ván là bệnh do vi khuẩn Clostridium tetani tiết độc tố thần kinh mạnh gây ra, là một căn bệnh rất nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

Bệnh gây ra do nhiễm vi trùng uốn ván trong ca sinh, vi trùng vào theo đường can thiệp sản khoa (dụng cụ can thiệp, môi trường xung quanh), gây uốn ván cho người mẹ. Còn với em bé, vi trùng vào qua nơi cắt và thắt ở dây rốn nên gọi là uốn ván rốn sơ sinh.

Mẹ mang thai tiêm phòng uốn ván khi nào?

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu có ảnh hưởng đến thai nhi không? - 2

Bác sĩ Hoàng Ánh Quyết.

Theo bác sĩ Hoàng Ánh Quyết (Phòng khám tư vấn và điều trị dự phòng Hà Nội), tiêm phòng uốn ván cho bà bầu thực tế là tiêm trước phơi nhiễm bởi mẹ có thể lây nhiễm vi trùng uốn ván trong cuộc sinh còn bé có thể lây nhiễm vi trùng uốn ván khi cắt dây rốn.

Bà bầu nên tiêm phòng uốn ván càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe bản thân và cho bé.

“Tiêm phòng uốn ván mục đích là tạo kháng thể cho mẹ trước một cuộc sinh và cho bé trước khi cắt dây rốn.

Bà mẹ có thai lần đầu hay còn gọi mang thai con so cần tiêm 2 mũi, trong đó mỗi mũi cách nhau 1 tháng. Thời gian tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, do 3 tháng đầu của thai kỳ người mẹ có thể gặp những rắc rối như mệt mỏi, nôn, nghén nên về mặt chuyên môn không tiêm vào 3 tháng đầu.

Khoảng 20 tuần trở lên (3 tháng giữa thai kỳ) bà mẹ nên tiêm phòng uốn ván mũi đầu và sau 1 tháng, bà mẹ có thể tiêm mũi thứ 2. Nếu mẹ bầu nào tiêm mũi thứ 2 muộn thì nên tiêm trước khi dự kiến sinh ít nhất 1 tháng.”, bác sĩ Quyết cho biết.

Bên cạnh đó, bác sĩ Quyết cũng chia sẻ thêm, những lần mang thai sau, mẹ bầu chỉ cần tiêm một mũi phòng uốn ván. Ngoài ra, nếu lần mang thai thứ 2 cách lần mang thai đầu trên 10 năm, mẹ bầu cũng có thể tiêm phòng  2 mũi uốn ván.

“Các kỳ có thai sau mẹ bầu chỉ cần tiêm một mũi phòng uốn ván, gọi là mũi 3. Hai mũi tiêm phòng uốn ván có giá trị miễn dịch  trong vòng 10 năm. Nếu mẹ bầu đã tiêm 2 mũi uốn ván rồi thì 10 năm sau tiêm nhắc lại hoặc nhắc lại ở những lần có thai sau. Thời gian ngắn nhất để mẹ bầu có thể tiêm nhắc lại mũi phòng uốn ván thứ 3 là 1 năm.

Việc tiêm nhắc lại mũi uốn ván khi mang thai vô cùng cần thiết bởi trước một cuộc sinh, các mẹ cần phòng tránh phơi nhiễm uốn ván, bảo vệ cho cả mẹ và thai nhi.”, bác sĩ Quyết cho hay. 

Lưu ý tiêm phòng uốn ván khi mang thai

Tiêm chủng vắc xin uốn ván có thể gây sưng đau tại chỗ tiêm, có thể gây dị ứng tại chỗ nhưng các mẹ không nên lo lắng bởi dị ứng nghiêm trọng sau tiêm gần như không có. Để xử lý những triệu chứng sưng, dị ứng thông thường sau tiêm, mẹ bầu có thể chườm mát vào cánh tay – nơi vị trí tiêm.

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu có ảnh hưởng đến thai nhi không? - 3

Tiêm phòng uốn ván cho mẹ bầu ở 3 tháng giữa thai kỳ là thời gian phù hợp nhất. (Ảnh minh họa)

Dưới đây là những lưu ý tiêm khi phòng uốn ván cho bà mẹ mang thai:

- 3 tháng giữa thai kỳ là khoảng thời gian phù hợp nhất tiêm phòng uốn ván, tránh 3 tháng đầu mẹ bầu hay bị ốm nghén.

- Mẹ bầu cần tiêm phòng uốn ván theo tuổi thai và số lần mang thai. Lần mang thai đầu tiêm 2 mũi phòng uốn ván còn những lần mang thai sau tiêm nhắc lại 1 mũi.

- Trường hợp thai phụ hoàn toàn chưa được tiêm phòng uốn ván thì hẹn tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng và mũi thứ 2 trước dự kiến sinh ít nhất 1 tháng.

- Bộ Y tế quy định trong thời kỳ mang thai bà mẹ chỉ có thể được tiêm phòng uốn ván theo quy định, không được tiêm các mũi khác.

- Trường hợp trong thời gian mang bầu nếu mẹ bị chó mèo cắn, bác sĩ sẽ có thể tiêm phòng dại cho mẹ nhưng tùy theo mức độ dịch tễ phơi nhiễm dại mà bác sĩ quyết định tiêm hay không tiêm.

Hồng Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bà bầu cần biết