Chuột rút có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng có xu hướng gia tăng khi tuổi cao và đặc biệt là ở phụ nữ mang bầu.
Chuột rút là tình trạng co thắt cơ đột ngột, gây đau dữ dội ở một bắp thịt, làm cho bệnh nhân không tiếp tục cử động được nữa. Chuột rút gây ra cảm giác đau bởi sự co rút, thường là co cơ, có thể do trời lạnh hay hoạt động quá mức, sức khỏe giảm sút hoặc bị ngộ độc.
Tuy mọi bắp thịt đều có thể bị chuột rút, nhưng bệnh hay xảy ra ở cẳng chân, đùi, bàn tay, bàn chân và cơ bụng. Chuột rút sẽ gây nguy hiểm nếu bạn đang bơi dưới nước hay khi đang lái xe.
Chuột rút có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng có xu hướng gia tăng khi tuổi cao và đặc biệt là ở phụ nữ mang bầu.
Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị chuột rút
Trọng lượng tăng nhanh
Tình trạng bà bầu bị chuột rút có nhiều nguyên nhân có thể là do trọng lượng cơ thể ngày càng tăng lên, gây áp lực nhiều hơn tới các cơ bắp ở chân dẫn đến hiện tượng chuột rút (nhất là về đêm và càng đến cuối thai kì càng xảy ra thường xuyên hơn).
Dây chằng bị kéo căng
Ngoài ra, vào đầu thai kì, bà bầu hay bị ốm nghén, nôn ói và không ăn uống được khiến cơ thể thiếu dinh dưỡng, mất nước, mất cân bằng điện giải… dẫn đến chứng co cứng cơ. Khi em bé lớn dần lên, tử cung của mẹ cũng phải giãn rộng ra để có đủ không gian cho con; điều này đồng nghĩa với các cơ, dây chằng nâng đỡ tử cung bị kéo căng, gây nên các cơn đau nhức, co rút ở vùng bụng,…
Thiếu canxi
Một nguyên nhân phổ biến khác khiến bà bầu bị chuột rút là do thiếu canxi. Trong giai đoạn mang thai, nhất là những thai kì cuối nhu cầu canxi của cơ thể tăng cao để “phục vụ” cho sự phát triển của bé. Khi lượng canxi không được cung cấp đầy đủ, cơ thể mẹ có xu hướng tự “rút” canxi để truyền cho bé. Thiếu canxi khiến cơ bắp mẹ đau nhức, dễ căng cứng cơ, co rút,…
Bà bầu bị chuột rút không chỉ đau đớn, khó chịu mà còn ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày, nhất là giấc ngủ khiến sức khỏe của cả mẹ và bé đều không được đảm bảo. Vì thế, ngay từ đầu thai kì, mẹ cần tìm hiểu thật kĩ về hiện tượng này để có cách khắc phục hiệu quả.
Chuột rút có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng có xu hướng gia tăng khi tuổi cao và đặc biệt là ở phụ nữ mang bầu. (ảnh minh họa)
Cách phòng ngừa chuột rút khi mang thai
- Tránh đứng hoặc ngồi chéo chân quá lâu.
- Co duỗi bắp chân thường xuyên vào ban ngày và trước khi đi ngủ.
- Xoay mắt cá chân, ngọ nguậy ngón chân khi ngồi ăn tối hoặc xem tivi.
- Đi bộ mỗi ngày trừ khi bạn được yêu cầu không tập thể dục.
- Tránh làm việc quá sức. Nằm nghiêng bên trái để cải thiện lưu thông máu.
- Uống nước thường xuyên, không để khát.
- Tắm nước ấm trước khi đi ngủ để thư giãn cơ bắp.
- Bổ sung magiê và canxi trước khi sinh có thể giúp phụ nữ tránh tình trạng chuột rút
Những mẹo giảm tình trạng chuột rút ở bà bầu
Vận động thường xuyên
Nên để cơ thể, nhất là đôi chân được vận động, thư giãn thường xuyên; tránh tình trạng đứng/ngồi 1 chỗ quá lâu khiến bà bầu bị chuột rút nặng nề hơn. Nếu làm việc văn phòng, mẹ hãy tranh thủ thời gian để đứng lên đi lại, ngồi với tư thế thoải mái, duỗi và vận động chân thường xuyên. Tuy nhiên, mẹ cũng nhớ không vận động mạnh, nhất là mang vác nặng sẽ khiến đôi chân càng bị “đè nặng” và hiện tượng chuột rút xảy ra trầm trọng hơn.
Mát-xa chân
Hãy nhẹ nhàng xoa bóp, mát-xa từ đùi đến bắp chân, các ngón chân, mắt cá,… để máu được lưu thông tốt hơn và các cơ cũng được “thư giãn”.
Kê chân lên gối mềm
Khi ngủ hoặc nằm nghỉ ngơi, mẹ có thể kê chân cao một chút với chiếc gối/chăn mềm để không cản trở sự lưu thông máu, tránh bị chuột rút “ghé thăm”.
Ăn uống đầy đủ
Đặc biệt là uống đủ nước mỗi ngày để tránh bị mất nước, mất cân bằng điện giải gây co cứng cơ.
Xoa bóp ngay khi bị chuột rút
Khi đang bị chuột rút, mẹ có thể xoa bóp (tốt nhất là nhờ ông xã hoặc người thân) hoặc đặt túi chườm hoặc đơn giản hơn là dùng một chai nước nóng chườm lên vùng bị đau.