Tăng cường sức đề kháng cho trẻ em là một quá trình cần được thực hiện theo từng giai đoạn phát triển.
Hệ miễn dịch của trẻ em phát triển theo từng giai đoạn, trong đó cụ thể:
- Dưới 6 tháng tuổi: Miễn dịch thụ động với lượng kháng thể nhận được từ mẹ
- Từ 6 tháng đến 3 tuổi: Khoảng thời gian “thiếu hụt miễn dịch”, giai đoạn giao thoa giữa miễn dịch thụ động và miễn dịch chủ động
- Trên 3 tuổi: khi hệ miễn dịch của trẻ có khả năng tự chủ động sản sinh kháng thể và hoàn thiện.
Hiểu rõ cơ chế miễn dịch trong từng giai đoạn này sẽ giúp cha mẹ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của con trẻ một cách tốt nhất. Trong đó, giai đoạn đặc biệt cần để tâm chính là giai đoạn “thiếu hụt miễn dịch”.
Theo tạp chí Mayoclinic.org, khi trẻ không được chăm sóc đúng cách trong giai đoạn thiếu hụt miễn dịch, con sẽ dễ gặp phải các nguy cơ:
- Dễ nhiễm các bệnh truyền nhiễm: Trẻ dễ mắc các bệnh như viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm trùng da, tiêu chảy do vi khuẩn, virus...
- Kém hấp thu dinh dưỡng: Trẻ thường xuyên bị tiêu chảy, táo bón hoặc suy dinh dưỡng mặc dù ăn uống bình thường.
- Mệt mỏi, lờ đờ: Trẻ dễ mệt mỏi, lười vận động so với các bạn cùng lứa tuổi.
- Suy giảm tăng trưởng: Chiều cao, cân nặng của trẻ không tăng đều như bình thường.
Ảnh minh hoạ
Chế độ dinh dưỡng và hệ thống miễn dịch có mối liên hệ mật thiết. Cũng như việc hệ miễn dịch ban đầu của trẻ sơ sinh được chia làm 3 giai đoạn phát triển, chế độ dinh dưỡng cho 3 giai đoạn đó cũng sẽ phải có nhiều khác biệt.
Một chế độ ăn cung cấp đủ và đúng các chất cơ thể cần sẽ nuôi dưỡng và tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch.
Chế độ dinh dưỡng giai đoạn 0-6 tháng
Giai đoạn 0-6 tháng tuổi là giai đoạn rất quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống miễn dịch ở trẻ sơ sinh. Lúc này, hệ thống miễn dịch của trẻ vẫn chưa hoàn thiện và rất dễ bị tổn thương trước các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
Chính vì vậy, việc trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này đóng vai trò vô cùng quan trọng. Sữa non (colostrum) trong những ngày đầu sau sinh chứa hàm lượng rất cao các kháng thể.
Các kháng thể từ sữa mẹ sẽ được trẻ hấp thụ và tích lũy trong cơ thể, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ một cách đáng kể. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời là rất quan trọng để xây dựng nền tảng vững chắc về sức khỏe và miễn dịch cho trẻ.
Ảnh minh hoạ
Chế độ dinh dưỡng giai đoạn 6 tháng - 3 tuổi
Khi trẻ bước sang giai đoạn 6 tháng - 3 tuổi, lượng kháng thể trong sữa mẹ sẽ giảm dần. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch của trẻ vẫn chưa hoàn thiện, chưa đủ khả năng tự sản xuất kháng thể để đáp ứng nhanh chóng trước các vi rút, vi khuẩn gây bệnh. Điều này khiến hệ miễn dịch của trẻ trở nên yếu hơn, dễ bị tổn thương bởi các tác nhân gây bệnh.
Chế độ dinh dưỡng của trẻ trong giai đoạn này cần đảm bảo:
Tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc uống sữa công thức có hàm lượng kháng thể cao, để bổ sung miễn dịch cho cơ thể
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, nên cung cấp đầy đủ các nhóm chất bao gồm:
protein từ bò, gà, cá, trứng, đậu…; carbohydrate từ cơm gạo, bánh mì, bột yến mạch và các vitamin, khoáng chất từ rau củ, trái cây, sữa….
Tập trung bổ sung một số thực phẩm có khả năng nâng cao miễn dịch theo pharmeasy.in gợi ý như trái cây chứa nhiều vitamin C, sữa chua, tỏi, gừng, nghệ, sữa bò có chứa sữa non,.... Lưu ý để trẻ làm quen với các thực phẩm mới một cách từ từ, tránh nguy cơ dị ứng.
Đảm bảo trẻ uống đủ nước trong ngày
Lựa chọn nguồn nguyên liệu, chế biến thức ăn an toàn, sạch sẽ
Ảnh minh hoạ
Chế độ dinh dưỡng giai đoạn trên 3 tuổi
Ở giai đoạn trên 3 tuổi, hệ miễn dịch của trẻ đã phát triển ổn định hơn so với giai đoạn 6 tháng - 3 tuổi. Kháng thể vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, việc trẻ bắt đầu đi mẫu giáo lại là thách thức tiếp theo khi lúc này, hệ miễn dịch của trẻ sẽ phải “làm quen” với một môi trường rộng lớn hơn. Lúc này, chế độ ăn của trẻ cần đảm bảo:
Duy trì đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu như protein, vitamin, khoáng chất…
Bổ sung các vitamin và khoáng chất như A, C, E, B6, B12, kẽm, selen đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của hệ miễn dịch. Cụ thể, mỗi ngày trẻ cần 1-1,5 gam protein/kg cân nặng từ các nguồn như thịt, cá, trứng, đậu, sữa. Vitamin A, C, E có thể lấy từ trái cây, rau xanh, dầu ăn. Vitamin B6, B12 từ thịt, cá, trứng, sữa. Kẽm từ thịt, cá, hạt, trứng. Selen từ thịt, cá, ngũ cốc. Và chất xơ từ rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
Sữa bò và sản phẩm từ sữa chua uống có chứa sữa non đặc biệt là sữa non ngày đầu giúp bổ sung kháng thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho hệ miễn dịch của trẻ giai đoạn này.
Trẻ ở độ tuổi này bắt đầu có xu hướng thích đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh và đồ ngọt. Do đó cha mẹ lưu ý hạn chế nhóm thực phẩm này vì chúng có thể ảnh hưởng không tốt đến hệ miễn dịch và tạo ra một môi trường thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.
Cha mẹ cần theo dõi sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, đặc biệt về sức khỏe, để có biện pháp điều chỉnh chế độ ăn uống và hoạt động phù hợp.
Ảnh minh hoạ