Bún ốc được coi là một trong những món ăn đem lại may mắn ngày đầu năm bởi vậy dù giá cả tăng hơn trong ngày Tết nhưng các quán vẫn nườm nượp khách đến thưởng thức.
Sau một tuần nghỉ Tết, đường phố Hà Nội đã tấp nập trở lại, không khí rộn ràng khác hẳn trước đó. Có thể nói, những ngày đầu năm mới, mọi người có nhu cầu đổi vị nhiều hơn, trong khi ít hàng quán mở cửa bởi vậy hầu hết các quán ăn đều rất đông khách, phục vụ không ngơi tay. Trong đó, cứ theo thông lệ vào những ngày đầu tiên của năm mới, các quán bún ốc Hà Nội lại đắt khách vô cùng.
Bún ốc tăng giá, khách ra vào vẫn nườm nượp
Hôm nay, ngày mồng 6 Tết, mặc dù trời mưa nhỏ, dày nhưng các quán bún ốc vẫn đắt khách. Cô Bùi Thị Huệ, bán bún ốc ở phố Nguyễn Siêu đã hơn 30 năm nay vừa tất bật làm cẩn thận từng bát bún cho khách vừa chia sẻ: “Tôi mở hàng từ mồng 3 Tết, từ hôm đó đến giờ ngày nào cũng đầu tắt mặt tối phục vụ khách không ngơi tay. Sáng phải dậy từ 3h để làm, chuẩn bị hàng đến 6h bán, 5h tối mới được nghỉ về nhà. Ngày Tết khách đông không nhớ nổi mặt khách”.
Khách đến chật kín cửa hàng của cô Huệ.
Khách hàng đứng chờ để được xếp chỗ.
Cô Huệ cho biết thêm, những ngày Tết đến giá cả có tăng hơn mọi khi. Nếu như ngày thường cô bán 30 nghìn/ bát, ngày Tết tăng lên 40 nghìn/bát. Bên cạnh đó, những nguyên liệu phục vụ cho khách cô cũng phải nhập gấp 10-20 lần so với ngày thường. Riêng với ốc, cô phải nhập 1,5 tấn/ngày mới đảm bảo phục vụ.
Trời mưa nhỏ dày nhưng vẫn đông khách đến thưởng thức bún ốc đầu năm.
Mở hàng từ mồng 4 Tết, chủ cửa hàng bún ốc gia truyền ở Khương Thượng cũng chóng mặt với lượt khách đến ăn 2 ngày nay.
“Quán đóng cửa nghỉ Tết nhưng mồng 1, mồng 2 đã có khách đến hỏi. Mồng 4 gia đình tôi mở cửa mọi người cứ đổ xô đến như thời bao cấp, phải thu tiền trước rồi gửi khách bún sau. Phục vụ Tết, gia đình tôi phải dậy từ 2h sáng làm hàng, đó chưa kể phải chuẩn bị, đặt trước ốc, rau để có đồ tươi, ngon.
Trung bình mỗi ngày Tết, cửa hàng phải nhập 3 tạ ốc, 4 tạ bún và 10 thúng rau sống để đáp ứng nhu cầu. Mặc dù giá tăng cao hơn ngày thường 10 nghìn, khoảng 50 nghìn/ bát nhưng khách hàng vẫn rất hài lòng. Đó cũng là niềm vui của tôi”, chủ cửa hàng bún ốc ở Khương Thượng tâm sự.
Quán bún ốc cổ của cô Hòa ở Phù Đổng Thiên Vương mở ngày mồng 6 Tết.
Tuy mở hàng muộn hơn so với nhiều quán bún ốc khác, hơn nữa thời tiết mưa nhỏ nhưng cô Hòa (chủ cửa hàng bún ốc ở Phù Đổng Thiên Vương) vẫn rất vui vẻ vì khách hàng vẫn luôn ưu ái mình, chấp nhận xếp hàng để được thưởng thức món bún ốc cổ làng Pháp Vân.
“Ngày Tết ốc nhập vào phải lên tới 100 nghìn/kg nên giá bún ốc cũng có tăng hơn nhưng không đáng kể khoảng 50 nghìn/bát. Những ngày đầu năm mới này, tôi phải lấy hơn tạ ốc mỗi ngày, mua rau thơm ăn kèm cũng phải gấp 4-5 lần ngày thường”, cô Hòa cho biết.
Cả năm mới kiếm được một tháng Tết
Bún ốc được coi là món ăn may mắn trong những ngày đầu năm mới, bởi vậy chị Phương Thủy – chủ cửa hàng bún ốc ở Phủ Tây Hồ và chị Giang - chủ cửa hàng bún ốc ở phố Lương Ngọc Quyến bao năm nay không biết nghỉ Tết là gì.
Bún ốc được coi là món ăn may mắn ngày đầu năm.
Với chị Thủy, 25 năm nay, chị và gia đình đều tất bật phục vụ khách ghé ăn khi đến lễ Phủ vào khoảnh khắc chào năm cũ, đón mừng năm mới.
Tâm sự về nghề làm dịch vụ này, chị Thủy cho hay: “Gia đình tôi không có ngày nào nghỉ cả vì bán hàng ở Phủ Tây Hồ cả năm chỉ kiếm được ngày Tết. Dọc ở đây mọi người đều thế nhưng chỉ mất một tháng Tết thôi. Các quán bán xuyên giao thừa qua ngày mồng 1 đến 11h tối mới đóng cửa, ăn tối. Ngày thường giá bán 40 nghìn/bát còn ngày Tết tăng ít khoảng 50 nghìn/bát, ai ăn đặc biệt là 70 nghìn/bát”.
Chị Giang dành thời gian Tết của mình để phục vụ thực khách.
Còn với chị Giang, gần chục năm nay không phải làm dâu nên chị dành cả kỳ nghỉ Tết, thậm chí cả năm không có ngày nghỉ để bán bún ốc, phục vụ khách hàng. Chị Giang kể, ngày Tết năm nay chị phục vụ không ngơi tay bởi khách đến đông nghẹt. Bát bún ốc ngày Tết chị bán với giá 50 nghìn và mỗi ngày, chị bán gần 1 tạ ốc phục vụ nhu cầu “đổi vị” của mọi người.
“Ngày Tết, tất cả thực phẩm đều tăng hết nên bán hàng mấy ngày này giá cũng phải tăng hơn chút. Tôi phải đặt hàng từ trước Tết hết, còn nếu như hết hàng, đặt thêm còn đắt hơn nữa”, chị Giang chia sẻ.
Dẫu giá cả các hàng quán, đặc biệt quán bún ốc có tăng hơn nhưng hầu như các thực khách vẫn chấp nhận và hài lòng với mức giá này, quan trọng nhất vẫn là mọi người được đổi vị và ăn để lấy may đầu năm.