Những món ăn từ đậu đỏ, như chè đậu đỏ hay bánh nhân đậu đỏ... không chỉ ngon miệng mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, giúp ngày Thất tịch trở nên trọn vẹn và ý nghĩa hơn.
* Bài viết mang tính chất tham khảo
Trong văn hóa người Á Đông như Việt Nam, Trung Quốc... coi Lễ Thất tịch (ngày 7/7 Âm lịch hàng năm) là lễ tình nhân. Vào ngày ngày, người ta thường tưởng nhớ đến chuyện tình bị chia cắt của nàng Chức Nữ và chàng Ngưu Lang. Trong dân gian Việt Nam, hai nhân vật này thường được là ông Ngâu, bà Ngâu.
Theo dân gian, Ngưu Lang là chàng chăn bò nghèo và còn Chức Nữ là nàng tiên nữ dệt vải (là con út của Ngọc Hoàng). Cả hai đã có duyên kì ngộ gặp và đem lòng yêu nhau. Tuy nhiên tình cảm của cả hai đã bị ngăn cấm và chia cắt, không thể gặp nhau bởi dòng sông Ngân Hà. Quá đau lòng, cả hai khóc than bên dòng sông. Cuối cùng, vì cảm động tình cảm đôi lứa ấy, Ngọc Hoàng sai đám quạ kết cánh tạo thành cây cầu Ô Thước, bắc qua sống, để cặp đôi gặp nhau mỗi năm 1 lần vào ngày 7/7 Âm lịch.
Khi gặp nhau, Ngưu Lang - Chức Nữ rất vui và hạnh phúc. Vào ngày này trời thường xuất hiện những cơn mưa được gọi là mưa ngâu, tượng trưng cho nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp lại nhau. Từ đó, người ta còn gọi Ngưu Lang - Chức Nữ là "ông Ngâu, bà Ngâu".
Người ta tin rằng, ăn các món từ đậu đỏ trong lễ Thất tịch sẽ đem lại may mắn trong tình duyên (Ảnh: Internet)
Cũng vì tích truyện này mà nhiều người cho rằng, vào lễ Thất tịch, ăn đậu đỏ sẽ giúp cho nhân duyên may mắn hơn. Ai chưa có người yêu ăn đậu đỏ sẽ sớm gặp được ý trung nhân hoặc đến được với người mình đang yêu. Còn nếu đã có đôi có cặp thì ăn đậu đỏ bạn sẽ bên nhau lâu dài, tình cảm bền vững. Những món ăn từ đậu đỏ, như chè đậu đỏ hay bánh đậu đỏ... không chỉ ngon miệng mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, giúp ngày Thất Tịch trở nên trọn vẹn và ý nghĩa hơn.
Dưới đây là gợi ý cách làm một số món ăn từ đậu đỏ, các bạn có thể tham khảo.
1. BÁNH RÁN DOREMON NHÂN ĐẬU ĐỎ
Nguyên liệu:
- Phần vỏ bánh: 4 quả trứng gà, 90gr đường, 1 thìa mật ong, 11gr bột nở, 240gr bột mì số 8 rây mịn, 100ml sữa tươi, 1 thìa dầu ăn, 1 xíu vani.
- Phần nhân bánh: 200gr đậu đỏ, 150gr đường.
Cách làm:
Bước 1: Làm nhân bánh
- Đậu đỏ vo sạch sẽ rồi ngâm nước qua đêm cho đậu nở mềm tiếp đến cho đậu vào nồi đổ ngập nước hầm cho đến khi đậu chín nhừ, cho đậu vào máy xay mịn hoặc có thể bỏ qua bước này.
- Đổ đậu ra chảo sạch rồi thêm đường, xào sơ qua cho đến khi đậu mềm dẻo là được sau đó cho nhân vào túi nilon hoặc hộp đựng để đậu không bị khô nhé.
Bước 2: Làm vỏ bánh
- Cho trứng gà, đường vào tô to dùng máy đánh trứng đánh sơ qua cho trứng chuyển màu nhạt 1 chút thì dừng lại, thêm mật ong, sữa tươi, dầu ăn khuấy đều bằng phới lồng cho đều.
- Cho bột mì, bột nở, bột vani vào tô trứng vừa đánh rồi khuấy đều cho đến khi không còn nhìn thấy bột khô là được, để bột nghỉ 10 phút.
Bước 3: Nướng bánh
- Bắc chảo chống dính lên bếp vặn lửa nhỏ vừa, quét 1 chút dầu ăn lên chảo rồi dùng giấy nhà bếp lau bớt đi, múc 1 thìa bột đổ vào chảo sao cho bột có hình tròn đều. Đợi khoảng 30 giây mặt bánh bắt đầu xuất hiện các bọt khí li ti nổi lên thì bạn lật mặt bánh và nướng tiếp khoảng 20 -30 giây nữa là bánh chín.
- Bánh chín lấy bánh ra để trên rack cho nguội, cứ thế làm cho hết chỗ nguyên liệu còn lại.
Bạn lấy nhân đỗ đỏ ra, dùng thìa múc nhân trét đều vào mặt trong của bánh rồi lấy 1 cái bánh khác gắn nhẹ cho 2 miếng dính vào nhau.
Vậy là đã có 1 cặp bánh rán doremon nhân đỗ đỏ vừa ngon vừa hấp dẫn rồi. Đảm bảo cuối tuần bé có món bánh nhâm nhi đầy yêu thích.
2. BÁNH TRUNG THU NHÂN ĐẬU ĐỎ
Nguyên liệu:
Phần vỏ bánh:
- 150g bột mì đa dụng, 105g nước đường bánh nướng, 6g nước tro tàu (nước tro tàu giúp vỏ bánh mềm, lên màu đẹp, không có thì bỏ qua), 25g dầu ngô (hoặc dầu thường), 1 lòng đỏ trứng gà
Phần nhân đậu đỏ:
- 250g đậu đỏ, 125g đường trắng, 100g bơ lạt, 100g mạch nha
Hỗn hợp quét mặt bánh
- 1 lòng đỏ trứng + 1 muỗng rượu thơm (rượu mai quế lộ) + 1 muỗng cà phê dầu mè + 2 giọt nước hàng hòa tan trong 1 cái chén. Lọc qua rây cho hỗn hợp lỏng mịn. Cách này giúp bạn quét bánh không bị lem nhem.
Cách làm:
Bước 1: Làm nhân đậu đỏ
- Ngâm đậu đỏ qua đêm, cho vào nồi áp suất, cho nước vào nấu cho đậu đỏ chín.
- Cho đậu đỏ và chút nước vào cối xay nhuyễn thành bột đậu đỏ.
- Đổ đậu đỏ vào nồi, cho bơ hoặc dầu ngô vào, chia làm 3 lần để cho vào, mỗi lần cho bơ phải đảo thật đều cho đậu đỏ ngấm rồi mới cho tiếp lần sau.
- Cho mạch nha và đường cát trắng vào đậu đỏ, tiếp tục sên cho đến khi nhân đặc lại và có độ bóng mịn, tắt bếp. sau khi nhân đậu đỏ mịn thì chia thành các phần nặng 52g, viên tròn từng phần nhân đậu đỏ lại.
Bước 2: Làm vỏ bánh
Trộn đều nước đường bánh nướng và dầu ngô (hoặc dầu ăn thường), sau đó đổ nước tro tàu (không có nước tro tàu thì bỏ qua) vào trộn đều.
Đổ bột mì vào, nhào trộn thành khối bột mịn, không dính tay. Bọc bột lại, để bột nghỉ trong 1 giờ.
Sau 1 giờ, nhồi bột lại với xíu bột mì để bột đỡ dính. Chia bột làm nhiều phần bằng nhau, mỗi phần nặng 22g để làm vỏ bánh.
Bước 3: Bọc nhân
Viên tròn phần bột vỏ bánh rồi ấn dẹt mỏng xuống, sau đó cho nhân đậu đỏ vào giữa, túm các mép bột vỏ bánh lại sao cho bao phủ toàn bộ nhân, vê lại cho tròn.
Bước 4: Đóng bánh
Phết chút dầu ăn vào trong khuôn để chống dính sau đó cho viên bột bánh đã nhồi nhân vào, ấn mạnh tay sau đó nhẹ nhàng đẩy bánh ra, xếp lên khay nướng có lót giấy nến.
Bước 5: Nướng bánh
Làm nóng lò nướng trước ở nhiệt độ 175 độ C, cho khay bánh Trung thu vào giữa lò và nướng trong 5 phút để định hình bánh.
Sau đó, lấy bánh ra, xịt nước khắp bánh, để khoảng 5 phút cho bánh nguội bớt rồi dùng cọ phết hỗn hợp trứng quét một lớp mỏng lên mặt bánh và thành bánh rồi lại cho vào lò nướng thêm 10 phút ở nhiệt độ 190 độ C là được. Lưu ý, khi quét hỗn hợp trứng, không để hỗn hợp trứng đọng lại ở khe rãnh họa tiết bánh.
(Nếu muốn bánh có màu nâu bóng đẹp thì bạn có thể nướng 3 lần, quét bánh 2 lần. Trong lần nướng thứ 2, nướng 5 phút ở nhiệt độ 190 độ C. Sau khi bánh khô, se chuyển vàng thì lặp lại thao tác xịt nước, quét trứng 1 lần nữa. Tiếp tục cho bánh vào nướng lần 3 với thời gian và nhiệt độ như lần 2 là xong).
Bánh sau khi nướng xong đợi nguội bớt thì chuyển sang rack cho nguội hoàn toàn.
Bánh Trung thu nhân đậu đỏ vừa nướng xong sẽ có màu vàng chanh, để qua một ngày sẽ vàng và nâu bóng hơn. Sau 2 đến 3 ngày, đường xuống màu, dầu thấm từ trong ra sẽ khiến bánh có màu nâu bóng rất đẹp. Bánh Trung thu nhân đậu đỏ tự làm ăn ngon nhất trong 3 ngày đầu tiên và để được 5-10 ngày nếu đóng túi kín có gói chống ẩm.
3. CHÈ ĐẬU ĐỎ THẠCH DỪA
Nguyên liệu:
- Dừa tươi lấy nước: 1 quả
- Đậu đỏ: 150gr
- Bột thạch: 20gr
- Nước cốt dừa
- Đường: vừa miệng ăn
Thực hiện:
- Đậu đỏ rửa sạch, ngâm qua đêm để hạt đậu nở.
- Thêm lượng nước vừa đủ ninh đậu đến khi đậu chín nhừ, khi đậu nhừ vớt riêng đậu ra 1 bát, nước ninh đậu để riêng.
- Đổ nước dừa ra nồi, thêm chút nước cốt dừa đóng lon (nếu thích), cho 10gr bột thạch vào nồi khuấy đều cho bột thạch tan, bắc lên bếp đun sôi, khi chín bỏ ra đổ ra âu đựng rồi cho tủ lạnh cho đông.
- Làm tương tự với phần nước ninh đậu.
- Sau khi lớp thạch dừa đã se mặt, đổ phần thạch nước đậu lên trên mặt, để tủ lạnh cho khối thạch kết dính.
- Làm nước cốt dừa chan chè: lấy 100ml nước cốt dừa lon, thêm 50ml nước, khuấy đều, đun sôi trên bếp, nêm đường vừa miệng ăn. Thêm chút bột năng để nước cốt sánh.
- Khi ăn múc đậu đỏ, thêm thạch và chan nước cốt dừa lên trên, ăn mát sẽ ngon hơn.
4. KEM ĐẬU ĐỎ
Nguyên liệu
- 100ml nước
- 100g đường
- 520g đường đậu đỏ đóng hộp (đã được nghiền nát)
- 2/3 ly sữa
- 1 muỗng canh hạt vừng đen
- 4 muỗng canh sữa đặc có đường
Cách làm:
- Cho nước và đường vào một chiếc nồi, đun nóng nước đường với ngọn lửa trên trung bình, khuấy đều bằng một chiếc thìa gỗ.
- Khi đường hoàn toàn tan chảy, cho bột đậu đỏ vào và trộn đều cho đến khi hỗn hợp mịn.
- Thêm sữa và trộn tất cả lại với nhau. Khi hỗn hợp sôi, tắt bếp.
- Chuẩn bị một cái bát nhỏ đặt trong một cái bát lớn có chứa nước đá.
- Đổ hỗn hợp vào tô và khuấy để hỗn hợp được làm mát đều.
- Khi hỗn hợp đã nguội hoàn toàn, đổ hỗ hợp vào máy làm kem và làm theo hướng dẫn của máy (nếu không có dụng cụ này bạn cho vào tủ lạnh nhé. Sau 45 phút, lấy ra kiểm tra, dùng dĩa hoặc máy đánh trứng đánh tan phần đá dăm. Sau 30 phút tiếp theo, lại làm tương tự. Bạn cứ làm như vậy định kỳ khoảng vài lần trong 2-3 tiếng, đến khi kem xốp mềm, không bị đá dăm là được).
- 30 phút sau… Chuyển kem ra bát, đậy kín và để trong tủ lạnh từ 3 – 4 giờ là được.
Khi ăn, cho thêm vừng đen hoặc sữa đặc nhé.
5. CHÈ ĐẬU ĐỎ KHOAI MÔN DẺO
Nguyên liệu:
- 200g đậu đỏ
- 1 lít nước
- 80g đường
- 1 nhúm muối
- 300g khoai môn
- 100g bột năng
Cách làm:
- Ngâm đậu đỏ qua đêm hoặc ít nhất 8 tiếng, vớt ra rửa sạch và cho vào nồi.
- Thêm nước và đun sôi, chờ thêm 10 phút thì tắt bếp và đậy vung.
- Khi nồi đậu đã nguội, đun sôi lại lần nữa và nấu trong 30 phút tới khi đậu hoàn toàn mềm nhừ.
- Cho đường và muối vào, khuấy đều, để nguội rồi bỏ vào tủ lạnh.
- Khoai môn gọt vỏ, cắt thành miếng nhỏ, hấp hoặc luộc chín khoai trong 15-20 phút tới khi có thể dễ dàng xuyên đũa qua. Vớt ra để nguội.
- Cho bột năng vào tô lớn, thả khoai vào và nghiền nhuyễn tới khi có được hỗn hợp bột dẻo mịn. Nếu thấy bột hơi khô, có thể cho thêm một chút nước.
- Nặn bột thành từng viên nhỏ vừa ăn.
- Đun sôi nước, thả viên bột vừa nặn vào luộc tới khi chúng nổi lên mặt nước thì vớt ra.
- Múc chè đậu đỏ ra ly, thêm khoai môn lên trên và thưởng thức.
Chúc các bạn thành công!