Mỗi trái dưa lưới do anh Thể trồng nặng khoảng 2,5 - 3,5kg, thậm chí có những quả to bằng cái thùng sơn và nặng hơn 4kg.
“Mình mê vườn đến mức một ngày không lên vườn là mình không chịu được. Tối hôm nào có việc đi đâu là ruột gan cồn cào, khó chịu lắm”. Đó là dòng chia sẻ của anh Nguyễn Văn Thể (sinh năm 1989, sống tại Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).
Anh cho biết, anh có niềm đam mê mãnh liệt với làm vườn nên từ lâu đã luôn ao ước có một khu vườn tràn ngập cây trái, rau sạch. Hồi còn sinh viên, vì chưa có điều kiện nên anh chỉ có thể trồng một số loài hoa cho thỏa đam mê.
Tới năm 2016, khi được nếm vị của quả dưa lưới, anh đã lấy hạt mang đi trồng thử nhưng không thành công. Khoảng 2 năm sau đó, phong trào trồng dưa lưới nhiều hơn, anh Thể mới nghiêm túc học hỏi kinh nghiệm để trồng loại quả này. Kết quả, sự chăm chỉ, chịu khó và ham học hỏi đã mang về cho anh Thể thành công vượt ngoài mong đợi.
Anh Nguyễn Thể.
Bố đảm Thái Bình chi 20 triệu làm vườn dưa trên sân thượng
Anh Thể cho biết, sân thượng nhà anh rộng 55m2. Khi mới đầu làm vườn trên sân thượng, như bao người khác, anh cũng gặp phải một số khó khăn nhất định như khâu chuyển đất lên, quỹ thời gian có hạn.
“Mẹ mình không ủng hộ chuyện này, vì thấy công việc của mình đã quá bận rộn mà còn phải vác từng bao đất lên sân thượng. Cũng may, vợ ủng hộ mình hết lòng và cùng mình tranh thủ làm vào buổi tối. Hai vợ chồng cứ thế túc tắc làm rồi cũng được mảnh vườn nhỏ trĩu trịt rau trái như hiện tại”, bố đảm chia sẻ.
Anh Thể cho biết, anh tự mua sắt về làm giàn, tận dụng thùng sơn và thùng xốp để trồng nên cộng cả tiền giống, hệ thống tưới tiêu,… thì chi phí đầu tư ban đầu cho khu vườn rơi vào khoảng 20 triệu. Vì dùng thùng sơn và thùng xốp để trồng rau và dưa nên anh sẽ kê vài viên gạch dưới mỗi thùng để tăng khả năng thoát nước của thùng, tránh đọng nước bên trong để rau quả phát triển tốt hơn.
Vườn dưa trên sân thượng của bố đảm Thái Bình.
Bố đảm từng trồng rất nhiều loại hoa, rau trái khác nhau trên sân thượng, nhưng anh mê nhất là dưa lưới. Vì thế, từ ngày bắt đầu trồng được dưa lưới đến nay, anh đã mang hoa xuống đặt hết ở tầng 1, còn sân thượng thì dành diện tích để trồng các loại dưa như dưa hấu, dưa vàng, dưa lê, dưa lưới ruột xanh, dưa lưới ruột cam,…
Mỗi năm, bố đảm Thái Bình trồng được khoảng 2 - 3 vụ dưa. “Ở miền Nam nắng nhiều nên có thể trồng được dưa quanh năm, nhưng ở miền Bắc thì mùa đông không thể trồng được. Vì thế, mình phải tranh thủ thời gian từng chút một, trồng xen những loại dưa ngắn ngày mới có thể thu được 2 – 3 vụ dưa mỗi năm.
Ví dụ như, khi tính còn khoảng 20 ngày nữa là dưa chín thì mình đã ươm lứa mới rồi. Mình trồng tạm trong thùng xốp, đến khi thu quả xong thì mình chuyển cây ươm của vụ mới vào thùng luôn chứ mình không để thời gian chờ”, anh Thể chia sẻ.
Mỗi trái dưa lưới do anh Thể trồng nặng khoảng 2,5 - 3,5kg, thậm chí có những quả to bằng cái thùng sơn và nặng hơn 4kg. Vì thế, có những năm, anh Thể thu hoạch đến gần 3 tạ dưa. Số dưa này anh dùng để gia đình thưởng thức, biếu người thân và bạn bè chứ không bán.
Vào mùa đông khi điều kiện thời tiết không cho phép để trồng dưa, anh Thể sẽ chuyển sang trồng cà chua, dâu tây và rau các loại,… chứ không để vườn trống, đất nghỉ.
Vào mùa đông, anh Thể trồng cà chua và một số loại rau củ khác.
Bố đảm chia sẻ chi tiết quy trình gieo trồng các loại dưa
Theo anh Thể, muốn vườn dưa bội thu thì công đoạn nào cũng quan trọng, nhưng điều quyết định tiên quyết chính là đất trồng. Bởi nếu đất trồng không đảm bảo thì cây dễ bị sâu bệnh, còi cọc, khó phát triển tốt được.
Dưới đây là quy trình anh Thể trồng các loại dưa, bao gồm dưa lê, dưa hấu, dưa lưới:
Vườn dưa trên sân thượng của bố đảm Thái Bình.
Bước 1: Gieo hạt
Trước khi gieo hạt, anh Thể sẽ ủ đất để gieo hạt trước. Đất dùng để gieo hạt được trộn theo công thức gồm 40% đất thịt : 20% đất trùn quế hoai mục : 50% mùn dừa hoặc tro trấu hun để một thời gian. Dùng nấm Tricodema tưới ẩm lên rồi trộn đều, ủ trong 10 ngày.
Trước khi gieo hạt, anh Thể sẽ ngâm hạt giống trong nước ấm khoảng 4 tiếng (với dưa lê, dưa lưới) và 6 tiếng với dưa hấu. Sau đó, vớt hạt giống ra và ủ trong khăn mềm, đặt ở nơi tối. Sau khoảng 12 tiếng, thấy hạt nứt nanh thì tiến hành gieo vào bầu đất. Ươm dự phòng hạt dư tầm 15- 20% số cây định trồng.
Anh Thể dùng cốc nhựa hoặc cốc giấy dùng một lần, cắt khoét vài lỗ ở đáy rồi đổ đất đã chuẩn bị vào. Đổ đầy 50% cốc rồi đặt hạt giống vào, phủ đất kín dày khoảng 2cm rồi đặt ở chỗ mát 1 ngày đêm.
Hôm sau, đem bầu đất ra phơi nắng. Hàng ngày kiểm tra bầu đất, nếu thấy đất khô thì tưới đủ ẩm vào buổi sáng. Không tưới tối để tránh nấm bệnh cho cây.
Bước 2: Trồng cây con vào thùng
Trước khi gieo hạt khoảng 20 ngày, anh Thể sẽ tiến hành ủ đất để trồng dưa. Công thức trộn đất của anh bao gồm 40 % đất thịt : 30 % tro trấu hoặc mùn dừa đã xử lý kỹ : 25% phân chuồng hoai mục (bò, gà, dê, cá, đậu tương xay) : 5% còn lại gồm lân, vôi bột và phân NPK 13 13 13 (loại hạt màu xanh).
Trộn đều đất, tưới ẩm rồi đậy kín. 15 ngày sau, mở ra pha nấm Tricodema hoặc Ridomil với nước theo tỷ lệ 50g với 20 lít nước rồi tưới vào đất. Tiếp tục ủ đất khoảng 20 ngày nữa rồi mang ra đảo tơi để trồng dưa.
“Sau khi ủ đất xong, lúc này cây dưa đã lên được khoảng 2 lá thật. Lúc này, mình sẽ bắt đầu hạ dưa vào thùng. Nếu trồng trong thùng xốp, mỗi thùng trồng 2 – 5 cây. Nếu trồng trong thùng sơn, trồng 2 cây. Đảm bảo cây cách cây 40cm, hàng cách hàng tối thiểu 1m.
Khi hạ dưa, mình dùng 2 chiếc đũa ghim chép gốc để tránh cây xiêu vẹo do mưa gió. Nên hạ dưa vào buổi chiều, tưới đẫm gốc để cây có thời gian hồi phục vào ban đêm, hôm sau có nắng cây sẽ nhanh phát triển. Những ngày sau tưới đủ ẩm tầm 200 - 300ml nước/ngày”, anh Thể chia sẻ.
Trong tuần đầu, cây dưa mới hạ không cần tưới phân nên chỉ cần kiểm tra, nếu khô thì hẵng tưới nước vào các buổi sáng. Nếu cây nhú chồi nách, hãy vặt bỏ lá thứ 18, giữ lại quả trên thân.
Bước 3: Bón phân
Ngày thứ 6 sau khi hạ dưa, anh Thể bắt đầu bón phân hữu cơ pha loãng cho dưa. Anh thường dùng đậu tương chuối, lân, kích rễ rong biển và dịch chuối, pha với nước thật loãng rồi tưới cho cây 3 ngày/lần.
Ngày thứ 7 sau hạ dưa, anh tiến hành phun phòng bọ trĩ, bọ phấn, phun nứt thân xì mủ. Anh cũng bắt đầu cắm que buộc dây để dưa quấn ngọn, tránh gió mạnh làm cây gãy ngọn.
Hàng tuần, anh tưới bổ sung phân cho cây. “Dưa lưới ăn rất nhiều phân nhưng cần tưới loãng và nhiều lần. Mình tưới khoảng 3 -5 ngày/lần, tăng dần từ 200ppm lên tới 800ppm) và phun phòng chống thối, chống khuẩn. Khi cây dưa được 6 lá, mình tăng phân gồm đậu tương, cá ngâm và dịch chuối, trung vi lượng, canxi, lân, humic, rong biển lên 900 ppm và mua thuốc ruồi vàng sinh học phun để đuổi ruồi vàng hại trái. Mình chỉ phun vào mặt hoặc cạnh thùng, nền sàn, mục đích tạo mùi để xua ruồi”, anh Thể cho biết.
Bước 4: Thụ phấn, tuyển trái và nuôi trái
Khi cây được 18 – 20 lá, anh Thể tiến hành thụ phấn lấy quả ở thân. Anh lấy hoa đực, vặt bỏ hết cánh và chừa lại nhị phấn rồi xoay nhẹ vào nhụy hoa cái. Cứ 1 hoa cái, anh dùng 3 – 4 hoa đực để thụ phấn cho “chắc ăn”.
Mỗi cây lấy khoảng 3 quả. Sau 1 tuần, quả to bằng quả trứng vịt thì bắt đầu chọn trái. Anh ưu tiên chọn quả đẹp, quả ở dưới thấp thì giữ, mỗi cây chỉ để lại một quả duy nhất.
Khi cắt bỏ quả, anh dùng dao thật sắc, cắt dứt khoát 1 lần rồi nhúng lại vào dung dịch cồn để diệt khuẩn và hạn chế lây lan bệnh. Cắt vào buổi sáng, chiều phun chống thối và khử khuẩn. Tiếp theo, anh bọc trái đã chọn bằng túi vải chuyên dụng.
Giai đoạn từ khi thụ phấn đến chọn quả, cần giảm nước, tưới tăng phân có hàm lượng canxi, vi lượng, đạm để quả nhanh lớn và đỡ nứt. Giai đoạn này nhện đỏ dễ xuất hiện, nếu có thì anh Thể sẽ phun bằng chế phẩm sinh học nhà ủ và bổ sung nước vôi trong pha loãng 1 tuần/lần, phun lại trĩ và bọ phấn 1 lần nữa là dừng.
Bước 5: Giai đoạn nuôi trái lớn, tạo ngọt
Ở giai đoạn này, cần tăng phân vô cơ, đồng thời bổ sung đều đạm cá, đậu tương, dịch chuối trứng sữa, rong biển tuần 2 lần. Khi quả được 20 ngày, cần bón phân tạo ngọt bằng phân trứng sữa vi sinh, dịch chuối, rong biển ngâm hàng ngày. Khi quả cách ngày chín tầm 10 ngày, giảm phân giảm nước, chỉ nên tưới trứng sữa, dịch chuối.
5 ngày cuối trước khi thu hoạch, giảm tần suất tưới nước dần dần và 3 ngày sau cắt hẳn nước. Sau khi hái dưa, anh Thể để bên ngoài 1 ngày, sau đó cất tủ lạnh 2 ngày rồi mới thưởng thức để đảm bảo quả đã xuống nước tăng độ ngọt và thơm.