Cây Bằng Lăng là loài cây vô cùng quen thuộc, xuất hiện phổ biến trên nhiều con phố, công viên, đô thị. Cứ mùa hè đến là hoa Bằng Lăng nở rộ tô điểm thêm vẻ đẹp cho không gian xung quanh.
Đặc điểm của cây Bằng Lăng
Cây Bằng Lăng có tên khoa học là Lagerstroemia speciosa (L.) Pers, là loài thực vật thuộc họ Tử Vi. Đây là loại cây trồng vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ và hiện nay đang rất được phổ biến tại nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cây Bằng Lăng ở nước ta đang được trồng nhiều trên những con phố đô thị hoặc trong công viên với mục đích làm đẹp cảnh quan xung quanh.
Hình ảnh cây Bằng Lăng
Cây Bằng Lăng là cây thân gỗ, có chiều cao trung bình từ 10-15m. Thân cây khá nhẵn, phân nhánh nhiều và có hàng tá lớp lá dày đan xen nhau. Lá cây Bằng Lăng có màu xanh lục, hình bầu dục, có chiều dài khoảng từ 10-15cm, bề rộng từ 4-7cm. Hoa Bằng Lăng có nhiều màu sắc khác nhau, tuy nhiên ở nước ta thì hoa Bằng Lăng tím là phổ biến nhất. Chúng thường nở thành chùm trên ngọn cây, cánh hoa rất mỏng, mùa hoa xuất hiện chủ yếu là vào mùa hè.
Cây Bằng Lăng có khả năng tạo quả từ hoa, quả có dạng hình cầu tròn, đường kính nhỏ bé chỉ từ 2-3cm. Khi còn non thì quả có màu xanh hơi tím nhạt, còn khi về già thì quả hóa màu nâu và vỏ ngoài trở nên cứng hơn trước. Tốc độ sinh trưởng của cây ở mức trung bình khá, chúng rất thích hợp với khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam cho nên được trồng vô cùng phổ biến hiện nay.
Cây Bằng Lăng có mấy loại?
Hiện nay trên thế giới phổ biến một số loại cây Bằng Lăng sau đây:
1. Cây Bằng Lăng tím
Là loại cây phổ biến nhất ở Việt Nam, chúng còn được gọi là cây Bằng Lăng nước, chuyên được sử dụng để trồng trang trí cho phố phường, công viên nhằm tạo vẻ đẹp cho cảnh quan cũng như tạo bóng mát bởi tán lá dày và rậm rạp của cây. Hoa của cây có màu tím vô cùng đặc trưng, khi hoa rụng sẽ phủ sắc tím rực cả góc đường cho nên vô cùng cuốn hút và khiến ai đi qua cũng phải ngắm nhìn vẻ đẹp của cây.
2. Cây Bằng Lăng rừng
Đúng như với tên gọi, giống cây Bằng Lăng này xuất hiện chủ yếu ở các tỉnh thành miền núi, thường mọc ở trên những cánh rừng, đồi, sườn núi nhằm bảo vệ đất đá khỏi bị xói mòn, nhờ đó mà ổn định lại hệ sinh thức khu vực. Hoa của cây thường có kích thước lớn hơn so với các loại cây được trồng trong đô thị. Tuy nhiên mùa hoa Bằng Lăng rừng cũng rơi vào tháng 6, tháng 7 mùa hè, tương tự như với cây trồng đô thị.
3. Cây Bằng Lăng ổi
Hay còn được gọi là cây Bằng Lăng hoa trắng, cây hoa Sang, cây Sang sẻ,... Giống cây này có hoa khi nở mang một màu trắng duy nhất, rất tinh khôi và đẹp đẽ. Hình dáng và kích thước của cây không có nhiều sự khác biệt so với cây Bằng Lăng tím. Chúng thường được trồng trong công viên hoặc trong vườn nhà để làm nổi bật không gian xung quanh.
4. Cây chỉ Bằng Lăng
Hay còn được gọi là cây Tử Vi. Đây là loại cây xuất hiện nhiều ở các nước khu vực Đông Á hoặc châu Úc. Loài cây này thường xuyên bị động vật như sóc, chuột cào rách nát phần vỏ cây cho nên hình dáng bên ngoài của cây khá xấu xí với vô số các vết loang lổ trên vỏ cây. Hoa của chúng có màu sắc nhợt nhạt, không đẹp mắt cho nên không được ưa chuộng để trồng làm cây trang trí.
Công dụng của cây Bằng Lăng
Cây Bằng Lăng có một vẻ đẹp nhẹ nhàng nhưng đầy cuốn hút với những sắc hoa màu tím hoặc màu trắng vô cùng đẹp mắt. Do đó loài cây này được ưa chuộng để trồng làm cây cảnh, cây trang trí trong vườn hoặc cây trồng đô thị,... Bên cạnh đó, do là cây thân gỗ sống lâu năm, lại dễ trồng và khỏe mạnh cho nên chúng còn được trồng nhiều trong khuôn viên các trường học, trường đại học nói chung.
Đặc biệt, hoa Bằng Lăng còn xuất hiện trong một số bài thuốc Đông Y xa xưa với công dụng chính là giúp chữa đau dạ dày, ổn định hệ tiêu hóa và kiềm chế bệnh tiểu đường phát triển,...
Ý nghĩa cây Bằng Lăng tím
Như đã nói ở trên, cây Bằng Lăng tím là loài cây vô cùng phổ biến ở nước ta. Chúng gắn liền với tuổi học trò, sinh viên của những người đã từng ngồi trên ghế giảng đường. Màu tím của hoa không chỉ mang ý nghĩa cho sự thủy chung, gắn bó mà nó còn mang ý nghĩa cho sự trong sáng, đẹp đẽ của tình bạn thuở học trò với nhau.
Ngoài ra, hoa Bằng Lăng tím chỉ nở vào mùa hè, đây là mùa tan trường, là lúc các bạn học sinh, sinh viên tạm biệt nhau và tạm biệt mái trường của mình. Vậy nên hoa Bằng Lăng tím còn mang ý nghĩa cho sự chia ly, từ biệt, mang một nỗi buồn sâu sắc khi phải rời xa nhau.
Cây Bằng Lăng tím gắn liền với nhiều kỷ niệm tốt đẹp của học sinh, sinh viên
Cách trồng và chăm sóc cây Bằng Lăng
1. Phương pháp trồng
Cây Bằng Lăng chủ yếu được trồng bằng phương pháp gieo hạt giống. Trồng như vậy sẽ giúp cây có thể sinh trưởng tốt hơn và khỏe mạnh hơn so với các phương pháp trồng khác.
2. Đất trồng
Cây Bằng Lăng ưa thích được trồng trong các loại đất mùn, trộn với xơ dừa, trấu và phân hữu cơ. Ngoài ra đất trồng cây đảm bảo có khả năng thoát nước tốt cho cây.
3. Kỹ thuật trồng
Hạt giống từ cây Bằng Lăng chủ yếu lấy từ quả của chúng khi đã chín. Tất cả hạt giống đem về đều được phơi khô, sau đó ủ trong đất ẩm và tưới nước thường xuyên nhằm giúp hạt nảy mầm thành cây non.
Sau khi cây non đã hình thành, chúng sẽ được đưa vào gieo trồng trong những bầu đất đã chuẩn bị với loại đất trồng phù hợp đã liệt kê ở trên. Cuối cùng bạn tiếp tục chăm sóc cho bầu cây, đặt chúng vào những nơi thoáng mát để cây có thể sinh trưởng tốt nhất.
Khi cây non đã lớn và có chiều cao từ 2m trở lên thì khi này bạn hãy đem cây trồng trong các hố đất như bình thường. Yêu cầu hố trồng cây phải có kích thước to gấp đôi bầu cây trước đây, đồng thời bạn nên rắc vôi bột xung quanh hố đất để xử lý đất cũng như ngăn ngừa sâu bệnh có thể tấn công.
4. Nước tưới
Cây Bằng Lăng ưa ẩm ở mức khá, vậy nên bạn hãy đảm bảo tưới nước thường xuyên cho cây đủ 2 lần/ngày để đảm bảo đất trồng có đủ độ ẩm, cây không bị khô héo khi vào mùa hè nắng nóng.
5. Ánh sáng
Cây Bằng Lăng ưa ánh sáng để có thể phát triển các tán lá rậm rạp và dày của cây. Vậy nên bạn hãy trồng cây tại những nơi có nhiều ánh sáng để cây mau lớn và có thể che bóng mát cho ngôi nhà của bạn sau này.
6. Bón phân
Cây Bằng Lăng nếu được chăm sóc tốt thì chúng rất ít khi gặp phải sâu bệnh tấn công. Do đó sẽ tiết kiệm được thời gian cũng như công sức chăm sóc của bạn. Hãy thường xuyên quan sát để phát hiện sớm xem có côn trùng hoặc sâu bệnh nguy hại nào có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cây hay không. Từ đó bạn sẽ có biện pháp phòng ngừa cho phù hợp.