Mới đây, để chào mừng ngày Quốc khánh mùng 2/9, Nghĩa và Lâm đã cùng nhau “thay áo mới” cho chiếc chòi nhỏ của mình và vẽ lá cờ Tổ quốc lên đó.
Vì muốn phụ giúp, đỡ đần gia đình nên anh chàng Nguyễn Văn Nghĩa (27 tuổi, quê Hà Tĩnh) đã quyết định đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản vào năm 2018. Năm 2019, anh Lê Văn Lâm (32 tuổi, quê Bình Dương) cũng sang đất nước mặt trời mọc này làm việc. Cơ duyên đẩy đưa cho cả hai cùng làm việc tại một công ty sản xuất bản mạch điện tử tại tỉnh Aichi. Từ đó cả hai quen nhau và trở nên thân thiết, xem nhau như anh em ruột.
Cùng nhau tạo nên một mảnh vườn xinh đậm chất Việt giữa Nhật Bản, Nghĩa và Lâm còn gây chú ý khi biến mái lán giữa vườn thành lá cờ Tổ quốc.
Nghĩa và Lâm đã cùng nhau mượn đất làm vườn ở Nhật Bản.
Sang Nhật xuất khẩu lao động, hai chàng trai Việt mượn đất trồng rau
Giữa năm 2023, thấy mảnh vườn nhà hàng xóm gần nơi thuê trọ bỏ hoang, Nghĩa rủ Lâm sang hỏi mượn để cải tạo trồng rau. Bởi, rau xanh bên Nhật rất quý và đắt, nếu trồng được thì chi phí ăn uống của cả hai sẽ giảm khá nhiều. Hơn nữa, hai chàng trai cũng muốn tái hiện một góc quê hương ở xứ người cho vơi đi nỗi nhớ quê nhà.
Mảnh đất này rộng khoảng 500m2. Vì mảnh đất này bị bỏ hoang nhiều năm nên mọc cỏ um tùm, đất lâu ngày không được cày xới nên rất cứng, hai chàng trai lại không có máy móc mà chỉ dùng tay nên việc dọn vườn, cải tạo đất gặp khá nhiều khó khăn.
“Nhiều ngày chúng mình trở về với hai bàn tay phồng rộp. Thật may, thấy được sự nhiệt tình, chịu khó của chúng mình, chủ vườn đã giúp hai anh em mình dọn cỏ, cày xới đất bằng máy móc, vì nhà cụ có tất cả các loại máy móc dùng cho nông nghiệp”, Nghĩa chia sẻ.
Mảnh vườn rộng 500m2, trồng đủ loại rau khác nhau.
Cải tạo xong, hai chàng trai bắt đầu lên phương án trồng loại rau gì và ở vị trí nào. Họ quyết định trồng rau theo luống và chiều cao của cây. Những loại cây dây leo, thân cao sẽ trồng ở cuối vườn, những loại thấp hơn được trồng phía trước để có thể nhận đủ ánh sáng cho rau phát triển tốt hơn. Ngoài rau củ, đôi bạn trẻ còn dành riêng một khu để trồng hoa như thược dược, hướng hướng,… giúp khu vườn thêm sinh động, bắt mắt.
Về chi phí làm vườn, Nghĩa cho biết tốn nhất là khoản hạt giống và cây giống. Bởi hai chàng trai đượcchủ vườn hỗ trợ 100% phân bò nên tiết kiệm được rất nhiều ở khoản này và đây cũng là điều giúp cả hai trồng được những luống rau tươi tốt.
Kinh nghiệm làm vườn của hai chàng trai Việt để có rau xanh ăn quanh năm
Chàng trai 9X cho biết, lúc mới trồng rau, hai anh em chưa biết vụ nào trồng cây nào nên thất bại khá nhiều lần. Nhưng sau những lần thất bại đó và nhờ có các cụ hàng xóm chia sẻ kinh nghiệm, cả hai dần quen và hiện tại đã nắm bắt được các loại cây nào sẽ trồng trong mùa nào.
Dù trồng rau theo mùa, nhưng hai chàng trai đều ưu tiên các loại rau cho thu hoạch dài hạn, đặc biệt là rau thơm, vì nhiều loại rau gia vị của Việt Nam không dễ tìm mua ở Nhật. “Nhiều khi thèm ăn một tô bún riêu mà không tìm đâu ra kinh giới hay tía tô với mùi thơm đặc trưng", Lâm giải thích.
Ngoài rau thơm, 70% diện tích được hai chàng trai trồng các loại rau củ thuần Việt khác như mướp hương, khổ qua, đậu đũa, susu, khoai lang, khoai môn, dưa bở. Diện tích còn lại trồng một số loại phù hợp với khí hậu địa phương như cải kale, xà lách, cà chua,…
Chia sẻ về kinh nghiệm làm vườn, Nghĩa cho biết trước mỗi vụ rau, anh và anh Lâm sẽ cùng nhau xử lý đất vì đất có sạch mầm bệnh thì rau củ mới tốt được. Đất sẽ được xới lên, rải vôi bột và phơi trong một tuần để tiêu diệt hêý mầm bệnh.
Trước khi trồng, anh sẽ ngâm hạt giống với nước ấm (2 sôi, 3 lạnh) để tăng tỷ lệ nảy mầm cho cây. Nếu hạt vỏ mỏng thì ngâm 2-3 tiếng, vỏ dày thì ngâm 5-6 tiếng. Sau đó, gieo hạt vào bầu đất và chăm sóc, khi cây giống phát triển khỏe, điều kiện thời tiết phù hợp mới mang ra trồng bên ngoài.
Ngoài ra, hai chàng trai Việt còn làm bọc bạt màu đen để trồng rau, cách này sẽ giúp cả hai đỡ phải làm cỏ và giữ được đổ ẩm cho đất.
Ngoài rau củ quả, Lâm và Nghĩa còn trồng nhiều loại hoa khác nhau.
Về phân bón, ngoài sử dụng phân bò do cụ chủ vườn cho, cả hai còn bón phân đạm tổng hợp của Nhật. Theo Nghĩa, phân bò giúp cho cây nhanh lớn còn phân đạm sẽ giúp cây đậu quả nhiều hơn.
Bên cạnh đó, việc bón phân còn tùy theo mỗi loại rau củ mà sẽ có cách bón khác nhau. Với cây giống leo giàn và cây gốc to, họ phải cho phân xuống gốc trước khi trồng.
Ngoài ra, Nghĩa và Lâm còn tận dụng những rau củ quả héo, hỏng... ủ để lên men và pha nước tưới cho rau. “Rau trồng đúng mùa, nhận được đủ chất dinh dưỡng, trồng đủ ngày tháng nên thơm, ngọt đậm, chuẩn hương vị Việt”, Nghĩa cho hay.
Nông sản thu được trong vườn.
Dựng chòi tre, vẽ cờ Tổ quốc lên mái lán
Ngoài những luống rau xanh tươi quanh năm, có một điểm đặc biệt trong mảnh vườn này là có một căn chòi nhỏ. Đây là nơi Nghĩa và Lâm nghỉ ngơi, chuyện trò sau những giờ làm vườn.
Chia sẻ về việc dựng chòi, Nghĩa cho hay: “Nhiều lần hai anh em đến phụ giúp cụ hàng xóm dọn vườn tược, thấy tre và lá cọ chặt bỏ phí nên cả hai bàn nhau dựng một căn chòi nhỏ theo phong cách Việt Nam giữa vườn làm chỗ nghỉ ngơi. Cụ đồng ý ngay.
Chẳng những thế, nhà cụ còn có vườn tre nên cụ bảo cần cứ lên đốn về dùng. Cụ hỗ trợ anh em mình rất nhiệt tình. Và thêm một điều may mắn nữa là, chẳng những chỉ có một cụ giúp đỡ anh em mình mà có rất nhiều cụ hàng xóm. Có cụ, anh em mình chưa gặp lần nào nhưng đã chở tre tới tận vườn cho anh em mình luôn. Có lẽ, các cụ quý những thanh niên nhưng lại thích làm vườn như anh em mình”.
Tuy nhiên, vì bận việc công ty, mỗi tuần chỉ làm được vài tiếng nên phải mất 6 tháng thì chiếc chòi này mới hoàn thành. Nghĩa cho biết, chòi cao 3m, rộng 4m.
Căn chòi nhỏ được Nghĩa và Lâm dựng giữa vườn.
Mới đây, để chào mừng ngày Quốc khánh mùng 2/9, Nghĩa và Lâm đã cùng nhau “thay áo mới” cho chiếc chòi nhỏ của mình và vẽ lá cờ Tổ quốc lên đó. Trước, chiếc chòi được lợp bằng lá cọ, nay được lợp bằng mái tôn và cũng được mọi người hỗ trợ.
“Tuy chỉ là đồ cũ nhưng đối với anh em mình là rất quý. Mái tôn mang về, anh em mình mang đi cọ rửa cho sạch rồi mới mang đi lợp”, Nghĩa cho hay.
Video: Nghĩa và Lâm vẽ lá cờ Tổ quốc trên căn chòi nhỏ tại mảnh vườn ở Nhật Bản
Theo đó, Nghĩa và Lâm đã cùng nhau rửa sạch mái tôn từ đêm hôm trước, sáng hôm sau dậy sớm để cố gắng hoàn thành trong ngày. Cả hai làm xuyên trưa, không nghỉ ngơi bất chấp nắng nóng. Họ chọn loại sơn tốt nhất để lá cờ Tổ quốc này được lưu giữ mãi.
“Tuy đây chỉ là mái lán nhưng được anh em mình gọi là nhà. Khi thấy lá cờ Tổ quốc xuất hiện trên mái lán, trong lòng của hai anh em dâng trào cảm xúc rất khó tả, vừa hạnh phúc vừa tự hào vì mình là người Việt Nam.
Còn việc sơn cờ Tổ quốc Việt Nam trên mái lán ở đất Nhật Bản, anh em mình đã xin ý kiến cụ chủ vườn từ trước nên không có ảnh hưởng gì cả. Trên các nền tảng xã hội có nhiều luồng ý kiến trái chiều về vấn đề này, anh em mình luôn tiếp thu mọi ý kiến”, Nghĩa chia sẻ.