Đúng như tên gọi, Lan Đuôi Cáo khi ra hoa đẹp lộng lẫy, chùm hoa dài tựa như đuôi con Cáo với hương thơm làm người ta phải say đắm xuýt xoa.
Nếu là người mới chơi lan thì việc nhầm lẫn giữa hai loại Lan Đuôi Cáo và Lan Đuôi Chồn là điều rất dễ xảy ra. Khi mua hoặc chọn giống thì bạn cần chú ý kỹ đến các chi tiết về hình dáng lá, thân, mặt hoa, màu sắc hoa và hương thơm của chúng để tránh mua nhầm lẫn.
1. Đặc điểm của Lan Đuôi Cáo
Lan Đuôi Cáo hay còn gọi là Giáng Xuân Hồng hay Giáng Xuân nhiều hoa, Đuôi Cáo Bắc. Cây có tên khoa học là Aerides rosea. Lan Đuôi Cáo phân bố từ
Afghanistan, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal,... đến Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cây có mặt ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên và Đông Nam Bộ.
Thuộc giống cây thân thảo, nên chiều cao trung bình của loài này từ 25 đến 35cm, khi cây trồng lâu năm trong điều kiện thuận lợi, đủ dinh dưỡng thì Lan Đuôi Cáo có thể cao tới 1 mét.
Hình ảnh cây Lan Đuôi Cáo được trồng trên giá thể là cây gỗ
Lan Đuôi Cáo có lá chia làm hai thùy nhưng nguyên phiến được ngăn giữa bằng rãnh nhỏ kéo dài từ cuống lá tới đầu lá. Lá khá mỏng, dài khoảng 20 đến 25cm, bề rộng khoảng 3 đến 4cm, đầu lá chia làm 2 thùy tròn còn Lan Đuôi Chồn thì đầu lá chia làm 2 thùy nhọn. Lá có màu xanh lục, mềm, bản lá xòe rộng hơi cong hoặc lệch tùy theo hướng gió nơi trồng.
Ảnh chi tiết mặt hoa Lan Đuôi Cáo
Thời gian thích hợp nhất để Lan Đuôi Cáo ra hoa là từ tháng 5 đến tháng 7 dương lịch. Đây là thời điểm mùa hè, có nhiệt độ, độ ẩm phù hợp để loài Đuôi Cáo ra hoa, trổ bông đẹp nhất. Buổi trưa là lúc mà hương thơm ngào ngạt của loài lan này được lan tỏa xa nhất.
Hoa của Lan Đuôi Cáo mọc ra từ nách giữa lá và thân, hoa mọc thành từng chùm dài buông thõng xuống tựa như đuôi con Cáo, ngồng hoa dài tới 50cm. Trên mỗi chùm hoa có từ 20 bông với kích thước bông khoảng 2cm. Hoa có 2 màu tím và trắng trong đó lưỡi hoa hơi nhọn, có sọc màu tím đậm ở giữa và lấm tấm tím nhạt hai bên.
Ngoài ra, còn có loại Lan Đuôi Cáo trắng đột biến, cho ra mặt hoa màu trắng tinh khôi và rất hiếm gặp. Giá của loại lan này trên 10 triệu một cây hoa.
Lan Đuôi Cáo trắng ra hoa
2. Phân biệt Lan Đuôi Cáo và Lan Đuôi Chồn
Đây là hai loại lan có hình dáng khá giống nhau được phân biệt qua hình dáng lá và mặt hoa.
- Lá: Phần lá của Lan Đuôi Chồn cứng, dày và mọng hơn, mặt lá khép hình chữ V rõ ràng chứ không bè phẳng như so với Lan Đuôi Cáo. Chiều dài của Lan Đuôi Cáo dài hơn so với Đuôi Chồn, thùy lá ở phần đầu nhọn còn thùy lá của Lan Đuôi Cáo bo tròn.
Lan Đuôi Cáo bên trái và Lan Đuôi Chồn bên phải
- Hoa: Lan Đuôi Chồn ra hoa từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch, hoa dài thành chùm to hơn so với Lan Đuôi Cáo nhưng mặt bông bé mọc đan xen nhau, lưỡi hoa nhỏ màu tím đậm, bông mặt cánh hoa có nhiều chấm tím. Màu sắc hoa của Lan Đuôi Chồn cũng đậm hơn so với Lan Đuôi Cáo.
Mặt hoa Lan Đuôi Cáo bên trái và hoa của Lan Đuôi Chồn bên phải
3. Cách trồng Lan Đuôi Cáo
Lựa chọn giống hoa
Khi chọn mua ở chợ, nên tìm mua tại các địa điểm bán lan uy tín. Nếu mua online, nên tìm các shop đã được đánh giá tốt để tránh mua phải loại lan ghép, gắn keo hoặc lan giả không trồng được.
Lan Đuôi Cáo thuộc chi Giáng Hương nên phần rễ gió của chúng rất phát triển, mọc rất dài, rễ có nám trắng chiếm 20% là đẹp. Không nên chọn mua các cây Lan Đuôi Cáo bị vàng lá, rễ ngắn và gầy, cây còi cọc và sâu bệnh. Nên chọn mua những cây tươi, màu xanh thẫm, bánh tẻ, rễ to khỏe có độ bám chắc tốt.
Những cây đang nhú lá non ở ngọn không nên mua vì cây dễ bị sốc nhiệt khi mang về trồng ở nơi mới do thời tiết nhiệt độ chúng chưa thích nghi được, ngoài ra những cây lá ngọn già, cũng nhanh bị thoái hóa không nên mua.
Kỹ thuật trồng Lan Đuôi Cáo vào chậu
- Nguyên vật liệu: Chọn phần gỗ đã khô (gỗ vải hoặc gỗ nhãn) hoặc than củi, vỏ thông. Cắt gỗ thành từng khúc nhỏ cỡ quả pin con thỏ.
- Chậu trồng: Chậu nhựa, chậu gỗ nan thưa có lỗ thoát nước có dây treo chắc chắn.
- Cách trồng: Đổ phần gỗ đã cắt khúc vào trong chậu, cách miệng chậu 10cm, đặt Lan Đuôi Cáo vào chậu sao cho phần rễ nằm hơi chìm trong giá thể nhưng không bị bịt kín. Dùng dây thít nhựa, ghép ngang lan đuôi cáo vào thành của chậu đảm bảo chắc chắn cây không bị lung lay, ghép xong dải một lớp dớn chile lên mặt chậu.
Nơi treo các chậu Lan Đuôi Cáo có màng lưới che để tránh ánh nắng trực tiếp
Ghép xong để sang ngày hôm sau tưới nước đậm phần giá thể, các ngày hôm sau nữa dùng bình xịt nước phun sương để giữ ẩm phần gốc, kích thích cây ra rễ. Nhanh là 5 đến 7 ngày sẽ nhú rễ non.
Lan Đuôi Cáo trồng vào chậu ra hoa
Kỹ thuật trồng Lan Đuôi Cáo vào gỗ
- Giá thể: Các loại gốc cây thân gỗ (gỗ nhãn, gỗ vải, gỗ lũa) và dớn chile
- Cách ghép: Ghép ngược hay ghép ngang, ghép xuôi đối với loại lan này đều được. Tuy nhiên, những cây to, cây giống thì nên ghép thẳng đứng, cây hình dạng U, L thì nên ghép ngang là tốt nhất.
Dùng dớn chile để giữ ẩm hoặc xơ dừa. Xơ dừa khi để lâu dễ bị mục, giữ nước ẩm nhiều quá dễ gây thối rễ mà ít người để ý. Ghép dớn chile một lớp mỏng để giữ phần gốc lan với thân gỗ là được.
Dùng dây thít nhựa hoặc dây thép nhỏ buộc cố định Lan Đuôi Cáo vào thân cây sau đó đóng đinh sắt to hoặc đinh tre/gỗ để cố định không cho cây bị lung lay khi gió to ảnh hưởng tới bộ rễ.
Ghép xong tránh để nơi mưa nắng trực tiếp, tốt nhất để dưới tán cây, mưa to thì nên cất vào. Hàng ngày phun sương giữ ẩm, phun vào phần gốc chứ không phun vào ngọn.
Ghép cố định Lan Đuôi Cáo vào thân cây
Lan Đuôi Cáo ra rễ non xanh
4. Thời điểm trồng, ghép lan thích hợp
Lan đơn thân như Lan Đuôi Cáo thích hợp trồng và ghép vào thời điểm nào trong năm cũng thích hợp, tuy nhiên để đúng với chu kỳ sinh trưởng của cây thì nên trồng vào mùa xuân hoặc đầu mùa hè để cây thích nghi với điều kiện khí hậu của vườn nhà bạn.
5. Kỹ thuật chăm sóc phong Lan Đuôi Cáo
Nếu là những chậu lan mới mua về, treo ở nơi có vị trí thoáng mát như dưới tán cây hoặc ban công. Tránh nắng gắt và mưa lớn, để không 2 ngày để cây quen với điều kiện khí hậu vườn nhà.
Đối với Lan Đuôi Cáo khai thác từ rừng về chủ yếu hình dạng thân cong hoặc dạng chữ U, chữ L ta tiến hành treo ngược rễ lên trời để 1 ngày vào chỗ thoáng mát sau đó cắt bỏ lá và rễ hỏng, bôi keo liền sẹo để khô rồi ngâm thuốc diệt nấm bệnh và thuốc kích rễ.
Đến khi cây ra rễ thì cần dùng bình xịt phun sương hàng ngày vào sáng sớm và chiều tối để giữ ẩm cho cây. Căn cứ thời tiết để phun sao cho phù hợp, ngày mưa thì không cần phun, nắng phun thêm một hai lần cũng được.
Tiếp đến, trong thời gian cây ra rễ, cần bón bổ sung phân hữu cơ cho cây để kịp thời cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Cần pha loãng và tưới với nhịp độ 2 tuần 1 lần vào mùa hè và khi cây chuẩn bị ra hoa. Đến khi mùa đông thì giảm lượng bón phân.