Đúng như tên gọi, lan đuôi chồn bên cạnh vẻ đẹp ấn tượng, chúng còn khiến người ta nhớ mãi về mùi hương đặc biệt của loại cây này.
Nhiều người vẫn hay bị nhầm lẫn đuôi chồn với đuôi cáo, thậm chí còn cho chúng là một. Nhưng quan điểm này là hoàn toàn sai lầm và gây ảnh hưởng trong quá trình chọn lựa giống cây đuôi chồn bạn ưa thích. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những đặc điểm chi tiết giúp bạn nhận biết loại cây này, cũng như cách trồng lan đuôi chồn để bạn sở hữu một dàn lan đuôi chồn độc đáo.
1. Đặc điểm lan đuôi chồn
Lan đuôi chồn hay còn được biết đến với cái tên sóc ta là một loại lan đẹp với sắc tím rực rỡ. Đuôi chồn là loại lan đơn thân, sống lâu năm. Chúng phân bố chủ yếu ở những vùng đất rừng thấp hơn 700m trên mực nước biển. Vì thế, chúng ta có thể thấy lan đuôi chồn ở khắp nơi trên thế giới như Lào, Thái Lan, Singapore,… và thậm chí ở cả Việt Nam.
Ở nước ta, lan đuôi chồn chủ yếu sống bám trên những cây bằng lăng cổ thụ khu vực núi Tây Bắc. Đặc điểm của giống cây này là có các sọc trắng mờ chạy dọc mặt dưới của lá. Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy mặt dưới có màu nhạt hơn mặt trên lá. Lá lan đuôi chồn rất dày và mọng, có chiều dài dao động trong khoảng 20-40 cm, bề rộng lá 2-3 cm và xếp khép chữ V chứ không mở phẳng. Đầu lá non chia 2 thùy nhọn hoắt trong khi đầu lá già thì tù hơn nhiều.
Lan đuôi chồn sống bám trên những cây bằng lăng cổ thụ khu vực núi Tây Bắc.
Đuôi chồn chỉ ra hoa khi cây đã cứng cáp và được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Khi đó mầm hoa được phân hóa và trổ bông vào thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch hằng năm. Tuy nhiên, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết mà lan có thể ra hoa chậm tầm 1 tháng so với bình thường. Hoa đuôi chồn có màu trắng tím, mọc từ nách lá với mùi hương đặc trưng như mùi đuôi chồn. Một chùm hoa đuôi chồn sẽ dài 30-35cm, được xếp thành hình đuôi chồn rất độc đáo. Hoa lan đuôi chồn có kích thước 1,5-2cm, cánh hoa mang chấm tím, riêng phần lưỡi thì phủ trọn tím hết.
2. Cách trồng lan đuôi chồn
2.1 Cách lựa chọn giống hoa đuôi chồn
Nhiều người vẫn hay bị nhầm lẫn đuôi chồn với đuôi cáo, thậm chí còn cho chúng là một và cho rằng cách trồng lan đuôi cáo cũng chẳng khác gì đuôi chồn. Nhưng quan điểm này là hoàn toàn sai lầm, lan đuôi cáo có lá rộng gấp đôi lan đuôi chồn và lá của lan đuôi cáp sẽ cứng và ngắn hơn so với đuôi chồn.
Vì thế, khi lựa chọn giống hoa đuôi chồn, hãy thật tỉnh táo để phân biệt 2 loại lan này. Chọn mua lan đuôi chồn ở chợ bạn không nên chọn những cây bị úa vàng hoặc bị thối rễ. Chú ý kỹ những đặc điểm này bởi nếu bạn mua phải thì về trồng cũng khó sống được.
Vì đây là giống cây khó chăm sóc nên bạn cần đảm bảo tìm được những ngọn lan tươi, xanh thẫm, bánh tẻ, chưa ra lá mới ở ngọn ngay từ đầu là tốt nhất.
Bởi lan đuôi chồn không có khả năng tích trữ nhiều dinh dưỡng, nếu chọn các ngọn quá non, thì cây dễ bị sốc môi trường, không ra rễ dẫn đến chết và còi cọc. Mặt khác, chọn ngọn quá già sẽ lâu ra rễ nhưng nhanh lụi tàn, do già hóa, đều không tốt cho cây sau này. Một mẹo nữa cho bạn khi lựa chọn giống cây này là quan sát lá cây phải có màu xanh đậm, rễ trên thân phải có màu và có khoảng 20% rễ trắng bạc.
2.2 Chọn giá thể cho lan đuôi chồn
Giống như hầu hết các loại lan đơn thân khác, lan đuôi chồn cũng yêu cầu giá thể thoáng. Do đó, bạn có thể lựa chọn ghép lên gốc cây hoặc trồng trong chậu cùng than to để giữ ẩm. Thời gian đầu, lưu ý tránh cây không bị mưa để cây không bị thối ngọn.
Lan đuôi chồn không có khả năng tích trữ nhiều dinh dưỡng.
2.3 Kỹ thuật trồng lan đuôi chồn
Với kỹ thuật trồng thông qua ghép gốc, người trồng có thể sử dụng dây thép bọc nhựa, buộc chắc chắn vào thân gỗ hoặc có thể thay thế chúng bằng các đinh bằng tre/gỗ đóng vào vị trí ghép ở thân cây.
Với mục đích đảm bảo cho lan sống tốt, ít bị chết do thối nhũn, hãy buộc lan trúc đầu xuống đất hoặc song song với mặt đất. Điều này giúp lan tránh được hiện tượng ứ đọng nước/sương ở ngọn cây. Đồng thời việc làm này cũng có công dụng giúp cây sinh trưởng hướng hướng động lên phía trên, tạo vẻ đẹp tự nhiên. Sau khi đã hoàn tất các bước trên, bỏ khô không tưới trong 3-7 ngày đầu tiên nhằm giúp vết thương được lành miệng.
3. Kỹ thuật chăm sóc cây lan đuôi chồn
Nếu bạn mua lan đuôi chồn đã trồng thuần thì sau khi đem về, hãy treo cây ở nơi khô thoáng, ngưng tưới nước 2 ngày rồi mới tưới trở lại để cây quen dần với khí hậu vườn nhà. Trong trường hợp mua được cây bóc từ rừng về, trước tiên, hãy xử lý ngâm thuốc nấm trong 15 phút rồi treo ngược, tưới thuốc kích rễ. Lưu ý rằng treo cây nơi thoáng mát, tránh mưa, và tưới lại ngay khi cây khô để cây nhanh chóng ra rễ, chờ khi cây nhú rễ mới thì cấy ghép vào giá thể.
Đến thời điểm cây ra rễ tốt thì cần tưới nước giữ ẩm hàng ngày ngay khi thấy giá thể khô. Căn cứ theo khí hậu vườn nhà mà chọn cách tưới lan sao cho thích hợp. Mùa nắng nên tưới nhiều lần hơn, mùa mưa chỉ tưới khi thấy giá thể đã khô.
Treo cây nơi thoáng mát, tránh mưa, và tưới lại ngay khi cây khô để cây nhanh chóng ra rễ.
Trong thời điểm cây ra rễ nên cung cấp thêm phân bón để cây sinh trưởng và phát triển mạnh hơn. Đa số lan rừng sẽ thích phân hữu cơ hơn phân vô cơ, nhưng cần tưới với liều lượng loãng, có thể tưới phân hữu cơ loãng hàng tuần và bón phân bón lá vô cơ khoảng nửa tháng 1 lần để cây phát triển cân đối và được bổ sung các nguyên tố vi lượng giúp tăng sức đề kháng.
Hoa lan đuôi chồn là loài lan rừng nên có sức đề kháng khá mạnh, nhưng vẫn bị một số loại nấm bệnh như: rớt lá chân, thối ngọn. Vì thế cần phun thuốc ngừa nấm Physan, Ridomil, Daconil... và các loại thuốc diệt trừ nhện đỏ, rệp sáp 1 tháng 1 lần đúng liều lượng, tuân theo chỉ dẫn.