Nhiều người tin rằng trồng cây này trong nhà có thể xua đi những điều xui xẻo, mang đến may mắn và tài lộc cho các thành viên trong gia đình.
Ngoài những loại rau, cây ăn quả quen thuộc, ngày càng nhiều người muốn thử sức với những giống rau, cây ăn quả nhập khẩu. Nếu đang muốn trồng cây nhập khẩu vừa cho quả đẹp, vừa dễ trồng và chăm sóc thì bạn có thể chọn cây siro.
Loại cây này đã du nhập vào Việt Nam từ khá lâu, nhưng hiện nay vẫn còn khá mới lạ với nhiều người. Cây siro có tên khoa học là Carissa carandas L, thuộc họ trúc đào, xuất xứ từ Indonesia, Ấn Độ.
Đây là cây thân gỗ nhỏ, dạng bụi, sống lâu năm, có thể cao đến 2-4 m nếu trồng trong điều kiện tự nhiên. Cây có nhiều nhánh, thân và cành có gai nhọn. Lá có màu xanh đậm, hoa màu trắng nhỏ xinh mọc thành từng chùm.
Quả siro có hình trái xoan hơi tròn, khi non có màu trắng, rồi dần dần chuyển sang màu hồng, đỏ rồi chín đen. Khi còn non, quả siro có vị chua nên có thể dùng làm gia vị thay quả chanh.
Khi chín, quả có vị thơm, vị chua ngọt, có thể ăn ngay như các loại trái cây thông thường. Ngoài ra, bạn có thể dùng siro làm mứt, ngâm rượu hoặc làm nước giải khát. Trên thị trường, loại quả này có giá khoảng 100.000 đồng/kg.
Loại quả này chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin A, vitamin C, canxi, chất chống oxy hóa,… nên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cụ thể, quả siro có tác dụng cải thiện hệ tiêu hóa, giúp hạ sốt nhanh, tốt cho tim mạch,… Không những vậy, tất cả các bộ phận khác của cây từ thân, lá, rễ, hoa, quả (cả lúc xanh lẫn khi chín), hạt đều là dược liệu quý trong Đông y.
Ý nghĩa phong thủy khi trồng cây siro
Cây cho quả đỏ mọng, xen lẫn trong những tán lá xanh mát vô cùng đẹp mắt. Ngoài ra trong phong thủy, cây siro có sức sống mãnh liệt, lá xanh quanh năm nên cây trưng cho sự phát triển không ngừng, sung túc đủ đầy.
Quả kết thành từng chùm màu đỏ tượng trưng cho sự đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Đồng thời, màu đỏ là màu tượng trưng cho sự may mắn nên nhiều người tin rằng trồng cây siro trong nhà có thể xua đi những điều xui xẻo, mang đến may mắn và tài lộc cho các thành viên trong gia đình.
Vì vậy, nhiều người đã chọn trồng cây siro trước cửa nhà để gọi lộc vào nhà. Thậm chí, có người còn trồng cây siro trong chậu, cắt tỉa, tạo dáng để làm cây bonsai.
Cách trồng và chăm sóc cây siro
Cây siro thường được nhân giống bằng phương pháp chiết cành hoặc gieo hạt, nhưng gieo hạt sẽ lâu cho quả hơn. Với phương pháp chiết cành, bạn nên chọn cây giống khỏe mạnh, khoảng 3 năm tuổi trở lên.
Nếu không, bạn có thể mua cây giống từ các cửa hàng bán cây cảnh, cây ăn quả. Mỗi cây con tùy theo kích cỡ được bán với giá từ 50.000 – 100.000 đồng/cây.
Cây siro có sức sống mãnh liệt, ít sâu bệnh, không cần cầu kỳ chăm sóc, nhưng muốn cây phát triển tốt, bạn nên chú ý những điều sau:
- Đất trồng: Cây siro không kén đất, nhưng đất trồng cần tơi xốp, thoáng nước tốt, giàu mùn. Nếu trồng trong chậu, chậu cần có đường kính phù hợp với độ lớn của cây, đồng thời phải có lỗ thoát nước.
- Ánh sáng: Đây là loại cây ưa sáng, vì vậy bạn cần trồng cây ở nơi có nhiều nắng. Càng nhiều nắng cây càng phát triển tốt, lá và quả càng đậm màu.
- Tưới nước: Cây siro rất sợ ngập úng, chịu được khô hạn, vì vậy bạn chỉ nên tưới nước cho cây khi đất khô.
- Bón phân: Cây phát triển nhanh, ra quả liên tục nên cần nhiều chất dinh dưỡng, do đó cần bón phân hàng tháng cho cây. Bạn có thể bón phân đa vi lượng, hoặc bổ sung phân hữu cơ, phân trùn quế để quả ngọt hơn, đồng thời giúp đất tơi xốp hơn.
Thông thường sau 2 năm trồng, cây siro sẽ cho quả đầu tiên. Cây cho quả quanh năm, nhưng mùa chín rộ nhất là vào tháng 5 âm lịch hàng năm.