Không chỉ được dùng trong ẩm thực, thứ lá này còn là một loại dược liệu chữa được nhiều bệnh.
Thạch sương sâm là món ăn vặt nhiều người ưa thích vì vừa thơm ngon vừa mát lạnh. Nhưng không phải ai cũng biết, sương sâm được làm từ lá sương sâm.
Lá sương sâm có tên những tên gọi khác là mối trơn, tiết dê, sâm sâm,… tên khoa học là Tiliacora triandra, thuộc họ Menispermaceae. Đây là loại cây thân leo, có 2 loại gồm có lông và lá trơn.
Loại sương sâm có lông sẽ được phủ một lớp lông dày ở mặt dưới của lá, cây có cuống ngắn hơn loại da trơn, có màu xanh nhạt, không đậm như da trơn. Hoa mọc thành cụm ở nách của thân leo, quả tròn màu đỏ và cũng có lông bao phủ.
Lá sương sâm da trơn có hình dáng mảnh, màu xanh nhạt khi non và chuyển dần xanh đậm khi già, không có lông bao bọc. Hoa mọc thành từng chùm màu vàng nhạt, quả hình tròn và khi chín có màu tím.
Khi làm thạch sương sâm, người ta thường chọn sương sâm lông hơn loại da trơn, vì thành phẩm sẽ ngon hơn và mịn màng. Ngoài làm thạch, lá sương sâm còn có thể dùng làm màu thực phẩm tự nhiên để thay thế màu xanh của lá dứa hay một số nguyên liệu khác.
Trong Đông y, lá sương sâm có tính mát, vị ngọt, có tác dụng nhuận tràng, thanh nhiệt, giải độc, giảm sốt, trị táo bón, kiết lỵ,… Trong thứ lá này còn chứa hơn 10 loại chất dinh dưỡng như chất xơ, sắt, phốt pho, canxi,… rất tốt cho sức khỏe và hỗ trợ điều trị một số bệnh như ổn định nồng độ axit uric trong máu, kiểm soát lượng đường trong cơ thể, hỗ trợ và ngăn ngừa bệnh ung thư, cải thiện hệ miễn dịch, cải thiện đường tiêu hóa,…
Lá sương sâm xưa toàn mọc bờ mọc bụi nhưng hiện nay được nhiều gia đình trồng trong vườn nhà, trồng trên quy mô rộng với mục đích kinh doanh. Trên thị trường, lá sương sâm được bán với nhiều mức giá khác nhau, có nơi còn bán tới 220.000 đồng/kg tươi. Khi phơi khô hoặc đã nghiền thành bột, lá sương sâm còn có giá cao hơn nữa, lên tới 500.000 – 520.000 đồng/kg.
Giá bán lá sương sâm tươi trên một trang thương mại điện tử.
Cách trồng và chăm sóc lá sương sâm
Có khá nhiều phương pháp nhân giống lá sương sâm như gieo hạt, giâm cành, ươm rể củ nhưng giâm cành là phổ biến hơn cả, vì hạt sương sâm khá khó ươm, tỷ lệ nảy mầm thấp.
Với cách giâm cành, bạn hãy đổ cát vào chậu có lỗ thoát nước dưới đáy. Hoặc có thể trộn đất cùng cát và phân rơm mục. Cát nên đổ cách bề mặt chậu tầm 3 cm.
Đặt 1 đoạn dây sương sâm vào chậu, lưu ý không nên cắt rời đoạn dây sương sâm rồi giâm, mà để nguyên dây leo vẫn còn trên cây vào đất. Cuộn thành vài vòng tròn. Sau đó, lấy cát ướt lấp lên cho ngang bằng mặt chậu rồi lấy lá cây che phủ lên bề mặt chậu để giữ ẩm cho cát.
Sau 20 ngày, hãy kéo nhẹ một đoạn thân dây, nếu thấy trên dây sương sâm mọc ra rễ con thì bạn đã thành công. Khi thấy dây sương sâm đã có rễ, hãy cắt dây sương sâm ra khỏi dây gốc để đem đi trồng. Những ngày đầu, nên để cây trong mát, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào.
Lúc mới trồng, cần tưới ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều. Khi cây đã sinh trưởng mạnh, chỉ cần tưới nước 1 lần/ngày là đủ.
Khi cây phát triển được 5-6 lá, nên làm giàn cho cây leo. Sau khoảng 3-4 tháng trồng là bạn có thể thu hoạch lá được rồi.