Không chỉ là loại loại gia vị, thứ lá này còn có nhiều tác dụng khác. Cụ thể, lá có mùi thơm rất dịu nhẹ, dễ chịu giúp người ngửi có thể thư giãn đầu óc, giảm mệt mỏi và ngủ ngon hơn.
Đó chính là lá nguyệt quế Hy Lạp, có tên khoa học là Laurus nobilis, thuộc họ Lauraceae. Tên tiếng anh của nó là bay tree, bay laurel, có nguồn gốc ở khu vực ven Địa Trung Hải.
Đây là loại cây thân bụi lâu năm, cao khoảng 3-12m, lá xanh có khía răng cưa, dài khoảng 6-12cm và rộng từ 2-4cm, có mùi thơm. Hoa có màu vàng, mọc ở kẽ lá, quả có màu đen.
Cây nguyệt quế Hy Lạp.
Loại cây này hoàn toàn khác với cây nguyệt quế ở Việt Nam. Cây nguyệt quế ở Việt Nam có tên khoa học là Murraya paniculata, thuộc họ cam quýt (Rutaceae), lá nhỏ hơn so với lá nguyệt quế Hy Lạp. Hoa màu trắng, có mùi thơm như hoa cam, hoa quýt, quả màu đỏ.
Cây nguyệt quế Việt Nam.
Cây nguyệt quế Việt Nam thường chỉ trồng để làm cảnh vì cây cho hoa đẹp, mang ý nghĩa tốt lành trong phong thủy và giúp thanh lọc không khí vì hoa có mùi thơm dịu nhẹ, dễ chịu. Còn cây nguyệt quế Hy Lạp không chỉ có tác dụng làm cảnh, mà lá của nó còn là một loại gia vị khá đắt đỏ, đồng thời là một vị dược liệu.
Cụ thể, với hương vị cay cay, đắng đắng cùng mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng, lá nguyệt quế được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực, thường được dùng để ướp, xào hoặc chế biến các món như súp, nước sốt hay khử mùi của thịt, cá. Chỉ cần 1-2 lá nguyệt quế cũng đủ để tạo hương vị cho món ăn rồi.
Thứ lá này còn có tác dụng đuổi gián hiệu quả, vì gián rất sợ mùi hương cay nồng của lá nguyệt quế. Bạn chỉ cần vò khoảng 8-10 lá nguyệt quế tươi hoặc đun nước lá quế khô rồi pha loãng với nước, dùng nước đó lau nhà là gián sẽ không dám bén mảng vào nhà bạn.
Trong y học, lá nguyệt quế có mùi thơm rất dịu nhẹ, dễ chịu giúp người ngửi có thể thư giãn đầu óc, giảm mệt mỏi và ngủ ngon hơn. Ngoài ra, uống trà lá nguyệt quế còn giúp hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, tốt cho hệ tiêu hóa, tốt cho sức khỏe tim mạch,… hoặc bạn có thể đun nước lá nguyệt quế để rửa mặt cũng sẽ giúp làn da đẹp hơn.
Không những vậy, lá và hoa nguyệt quế còn được chiết xuất tinh dầu để làm đẹp và chữa bệnh.
Hiện tại trên thị trường giá nguyệt quế dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/100g, tức 300.000 – 400.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng lá và nơi bán.
Với giá thành đắt đỏ như vậy, tại sao bạn không trồng ngay một chậu cây nguyệt quế Hy Lạp ngay tại nhà? Không chỉ có thể sử dụng lá để làm gia vị nấu ăn, pha trà uống, giúp không gian sống đẹp đẽ và trong lành hơn mà cây nguyệt quế còn có thể xua đuổi tà ma, những điều xui xẻo ra khỏi nhà. Loại cây này còn tượng trưng cho sự bình yên, hạnh phúc, trồng một chậu trước sân nhà sẽ giúp gia đình bình an, tài lộc ùn ùn kéo vào nhà.
Cách trồng và chăm sóc cây nguyệt quế Hy Lạp
Cây nguyệt quế Hy Lạp khá dễ trồng và dễ sống, bạn có thể trồng bằng hạt hoặc theo phương pháp giâm cành đều được. Tuy nhiên, trồng bằng phương pháp giâm cành cây sẽ nhanh phát triển hơn.
Nếu trồng bằng phương pháp giâm cành, đầu tiên bạn hãy chọn những cành bánh tẻ khỏe mạnh. Bỏ bớt các lá trên cành giâm, chỉ để lại 2 lá trên cùng, với 2 lá này bạn cũng có thể cắt ngang 2 lá để hạn chế chất dinh dưỡng tiêu hao, giúp tập trung chất dinh dưỡng kích thích rễ phát triển.
Nhúng cành giâm vào chất kích thích ra rễ khoảng 1 tiếng. Cho cành giâm vào hộp nhựa hoặc chai lọ, đổ nước vào bên trong sao cho nước cao ¾ cành giâm.
Để bình chứa cành giâm ở nơi thoáng gió, thay nước 2 lần/tuần. Mỗi tuần một lần, bạn có thể thêm một ít hormone tạo rễ tự chế vào nước và ngâm trong khoảng 1 tiếng. Thay nước sạch sau khi ngâm.
Trong khoảng 8 đến 10 tuần, những rễ nhỏ sẽ mọc ra. Lúc này, bạn hãy đem cành giâm trồng vào đất.
Nguyệt quế Hy Lạp thích nắng, vì vậy bạn hãy trồng cây ở nơi có nhiều nắng. Nếu ít nắng, cây sẽ ít lá, không thể bật mầm.
Đất trồng cần tơi xốp, thoáng khí, bạn có thể trộn đất theo tỷ lệ 1 đất : 1 tro trấu : 1 phân hữu cơ để trồng cây nguyệt quế Hy Lạp.