Cây mộc hương là loại cây cảnh đang được yêu thích trong một vài năm trở lại đây. Tìm hiểu cách trồng cây mộc hương trong chậu thế nào cho đúng để giúp mang lại sự tươi mát, đẹp đẽ cho ngôi nhà của bạn nhé.
Cây mộc hương có tên khoa học là Osmanthus Fragrans, thuộc chi Osmanthus, họ Oleaceae. Đây là loài thực vật được phân bố rất phổ biến ở các nước châu Á, chính vì thế mà tại Việt Nam sẽ rất dễ để bắt gặp loài cây này. Chúng được nhiều gia đình ưa thích và lựa chọn trồng để làm cây cảnh trang trí trong nhà hoặc làm cây che bóng mát.
Cây mộc hương có chiều cao trung bình từ 4-10m, cá biệt có nhiều cây cao tới 15m nếu trồng lâu năm. Cây thân gỗ trung bình, tán lá rậm rạp, lá cây dạng bầu dục, mép có răng cưa, bề mặt xuất hiện nhiều gân, chiều dài từ 8-15cm. Hoa mộc hương thường nở vào đầu tháng 10, hoa có màu vàng nhạt với mùi hương nhẹ nhàng tỏa ra vô cùng hấp dẫn.
Cây mộc hương nếu được trồng và chăm sóc tốt thì có thể ra hoa được quanh năm, nhưng nhiều nhất sẽ vào mùa thu. Khi hoa tàn sẽ đến giai đoạn kết trái, quả của cây có màu tím hơi ngả đen, dài từ 2-3cm, bên trong chứa nhiều hạt nhỏ. Sau khoảng nửa năm kể từ khi bắt đầu giai đoạn kết trái thì quả sẽ chín hoàn toàn.
3 Cách trồng cây mộc hương trong chậu giúp cây phát triển xanh tốt
Cây mộc hương rất dễ để trồng và sinh trưởng nhanh chóng, do loài cây này phù hợp với khí hậu cũng như thổ nhưỡng của nước ta. Hiện có 3 cách để trồng loại cây này, đó là gieo bằng hạt giống, trồng bằng giâm cành và trồng bằng chiết cành. Mỗi phương pháp sẽ có cách thực hiện và ưu, nhược điểm riêng biệt, tuy nhiên phương pháp trồng cây bằng giâm cành và chiết cành được nhiều người quan tâm hơn do tiết kiệm thời gian, công sức chăm sóc so với trồng bằng hạt giống.
1. Cách trồng cây mộc hương bằng giâm cành
- Đầu tiên, bạn cần lựa chọn cành mộc hương khỏe mạnh để tiến hành giâm cành. Cành non cần có độ dài từ 10-15cm, bên trên có một số lá non đang phát triển, cành không bị sâu bệnh và phải khỏe mạnh để mau ra rễ mới.
- Tiếp theo, bạn dùng kéo để cắt cành đó ra khỏi cây mẹ một cách nhẹ nhàng. Sau đó đem nhúng phần cắt của cành mộc hương vào trong dung dịch kích rễ khoảng vài phút để kích thích khả năng ra rễ nhanh chóng.
- Kế đến, bạn chuẩn bị chậu trồng cây có chứa đất bên trong. Đào một hố nhỏ sâu khoảng 10cm ở chính giữa chậu rồi đặt cành giâm vào bên trong, sau đó lấp đất lại để cố định cành đứng vững. Thường xuyên tưới nước để giúp cành mau ra rễ và tạo thành cây non.
- Sau khoảng 1 tháng, cành giâm sẽ bắt đầu ra rễ mới. Khi này bạn sẽ tiến hành chăm sóc chu đáo để cây non nhanh phát triển và ra hoa như mong muốn.
2. Cách trồng cây mộc hương bằng chiết cành
Để trồng cây mộc hương bằng phương pháp chiết cành, bạn có thể tham khảo theo từng bước thực hiện như sau:
- Đầu tiên, bạn cần lựa chọn cành mộc hương mà mình muốn chiết. Hãy lựa chọn những cành còn non vẫn trong giai đoạn phát triển. Ngoài ra bạn không nên chọn những cành nằm ẩn sâu dưới tán lá, vì chúng sẽ rất khó nhận được ánh sáng để quang hợp và phát triển.
- Tiếp theo, bạn chọn nơi không có chồi, mắt trên cành mộc hương để tiến hành lột lớp vỏ ngoài để thực hiện việc chiết cành. Dùng dao sắc để cạo vỏ, cắt cành một cách nhẹ nhàng một đoạn dài từ 5-10cm, khéo léo để tránh tổn thương khu vực chiết cành.
- Cuối cùng, bạn lấy ra một ít đất trồng rồi tưới nước làm ẩm nó. Sau đó đem đất trồng cho vào một túi nilon để bọc xung quanh khu vực chiết cành đã chuẩn bị. Đảm bảo đất trồng phủ kín khu vực chiết cành rồi bạn dùng dây buộc chặt hai đầu của bao nilon lại để tránh đất bị rơi ra ngoài. Dùng tăm nhọn chọc thủng một số lỗ trên bao nilon để nước có thể thoát ra bên ngoài khi cần.
- Tiếp nước vào trong bao nilon chứa đất để giúp cung cấp dinh dưỡng cho cành mộc hương. Sau khoảng hơn 1 tháng, khu vực chiết cành sẽ bắt đầu tạo rễ mới. Sau đó thêm 1 tháng nữa là bạn đã có thể cắt cành đó ra khỏi cây mẹ để mang trồng ngoài chậu để tạo thành cây non mới. Lưu ý khi cắt cần tránh làm tổn thương bộ rễ trên cành chiết và giữ nguyên bầu đất cũ khi trồng trong chậu đất mới.
Chăm sóc cây mộc hương sau khi trồng
Cây mộc hương sau khi trồng muốn phát triển khỏe mạnh và mau ra hoa thì không thể thiếu đi việc chăm sóc thường xuyên. Bạn hãy chú ý đến những yếu tố sau đây:
1. Đất trồng
Cây mộc hương thích hợp với nhiều loại đất trồng khác nhau và không đặt ra nhiều yêu cầu về chất lượng đất. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển tốt nhất, bạn nên lựa chọn loại đất thịt dày, có độ tơi xốp cùng khả năng thoát nước tốt. Điều này sẽ giảm nguy cơ ngập úng rễ và tránh tình trạng chết cây. Để nâng cao chất lượng đất, bạn có thể thêm vào đất trồng một chút phân hữu cơ, xơ dừa, và vỏ trấu vào hỗn hợp để cải thiện dinh dưỡng cho đất trồng.
2. Ánh sáng
Cây mộc hương rất cần ánh sáng để phát triển cao lớn, cho ra nhiều tán lá cũng như nở hoa đẹp. Vậy nên bạn hãy trồng cây ở những nơi có nhiều ánh sáng nhé, nếu thiếu ánh sáng có thể khiến ảnh hưởng tới quá trình ra hoa, làm cây chậm lớn, thiếu sức sống.
3. Nước tưới
Cây mộc hương là loài thực vật ưa thích độ ẩm cao và phát triển tốt khi được tưới nước đều đặn thường xuyên. Bạn cần đảm bảo tưới nước đầy đủ, ít nhất là mỗi ngày một lần vào mỗi buổi sáng sớm hoặc chiều tối, tránh tưới vào giữa trưa. Đồng thời, độ ẩm của đất cũng cần được duy trì ổn định, tránh việc tưới nước quá nhiều có thể gây tích tụ nước trong đất trồng dẫn đến tình trạng ngập úng rễ và gây chết cây.
4. Bón phân
Để giúp cây luôn tươi tốt và kích thích khả năng ra hoa nhiều hơn, thì việc bón thúc cho cây mộc hương bằng phân bón là điều quan trọng. Bạn có thể sử dụng phân hữu cơ hoặc phân NPK để rải đều phân xung quanh gốc cây, sau đó để phân tự hòa tan khi bạn tưới nước chăm sóc cây trồng. Đặc biệt, khi cây bắt đầu giai đoạn ra hoa, việc bổ sung phân bón có chứa hàm lượng kali cao sẽ hỗ trợ hoa bền đẹp và nở lâu hơn.
5. Phòng sâu bệnh
Cây mộc hương thường dễ thu hút các loại côn trùng làm tổ và ăn lá cây. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc cây, bạn nên quan sát kỹ và loại bỏ những cành lá bị côn trùng tấn công. Đồng thời nếu thấy cần thiết, bạn có thể áp dụng biện pháp phun thuốc phòng chống sâu bệnh, nhưng cần phải được thực hiện một cách hạn chế và chỉ khi thực sự cần thiết, để tránh ảnh hưởng đến khả năng ra hoa và phát triển của cây.