Nếu mong muốn có con, hai vợ chồng trẻ chỉ có một phương án duy nhất là thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và xin mang thai hộ.
Cặp vợ chồng trẻ ở Hải Dương, sinh năm 1992 mới đây đã đến chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám sau 4 năm kết hôn mà vẫn chưa có con.
Trước đó, 1 năm sau khi kết hôn không thấy tin vui bầu bí, hai vợ chồng trẻ này đã từng thăm khám chuyên khoa. Tuy nhiên khi kiểm tra chức năng sinh sản thì không phát hiện điều gì bất thường. Thậm chí ở tử cung và hai vòi trứng của người vợ cũng thông.
Bốn tháng sau thăm khám, người vợ đột nhiên có thai, tuy nhiên đến tuần thứ 7 thì thai ngừng phát triển. Do đó, người vợ trẻ đã tiến hành hút thai tại một phòng khám tư nhân. Sau khi hút thai 1 năm người vợ này chưa có thai lại. Vì thế cặp vợ chồng trẻ đã tới thăm khám tại bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội.
Các bác sĩ đã thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang tử cung vòi trứng thì phát hiện người vợ đã bị mất toàn bộ niêm mạc khiến dính toàn bộ buồng tử cung (Ảnh minh họa)
Tại bệnh viện Nam học, các bác sĩ đã thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang tử cung vòi trứng thì phát hiện người vợ đã bị mất toàn bộ niêm mạc khiến dính toàn bộ buồng tử cung, nguyên nhân là do lần phá thai không an toàn trước đó.
Được biết, người vợ trẻ này đã được tiến hành phẫu thuật nội soi tách dính buồng tử cung nhưng không thành công vì niêm mạc tổn thương quá nhiều, không có khả năng phục hồi và không tự mang thai được nữa.
Nếu mong muốn có con, hai vợ chồng trẻ chỉ có một phương án duy nhất là thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và xin mang thai hộ.
Vì sao dính buồng tử cung khi nạo hút thai lại giảm cơ hội làm mẹ?
Lý giải vì sao người vợ trẻ trên vĩnh viễn không còn cơ hội làm mẹ, bác sĩ chuyên khoa khẳng định, tình trạng dính buồng tử cung có thể xảy ra khi các chị em thực hiện đình chỉ thai không an toàn dù chỉ một lần duy nhất.
Thực tế, việc nạo phá thai nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng dính buồng tử cung. Điều này không chỉ gây ra các tổn thương mà việc can thiệp vào buồng tử cung khiến niêm mạc bị viêm nhiễm bởi các tác nhân như vi khuẩn Gram âm, chlamydia, nấm sinh dục... từ đó khiến niêm mạc buồng tử cung không hồi phục được.
Bên cạnh đó, tỷ lệ dính buồng tử cung tăng theo số lần đình chỉ thai nghén. Có nghĩa là, nếu số lần nạo phá thai càng nhiều thì tỷ lệ dính buồng tử cung càng cao. Tuy nhiên nếu nạo phá thai không an toàn, không đảm bảo vô khuẩn, gây viêm niêm mạc tử cung cũng làm tăng nguy cơ dính buồng tử cung dù chị em chỉ mới nạo phá thai 1 lần. Những trường hợp buồng tử cung dính nhiều, đặc biệt là dính toàn bộ buồng tử cung thì có thể khiến phụ nữ không còn khả năng mang thai.
Những trường hợp buồng tử cung dính nhiều, đặc biệt là dính toàn bộ buồng tử cung thì có thể khiến phụ nữ không còn khả năng mang thai (Ảnh minh họa)
Do đó, những bác sĩ chuyên khoa cũng khuyến cáo, các chị em nên tìm hiểu thật kỹ các biện pháp tránh thai và lựa chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn.
Nếu bắt buộc phải làm thủ thuật đình chỉ thai, chỉ nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, an toàn; sau khi thực hiện thủ thuật cần dùng thuốc đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, giữ vệ sinh thật tốt tránh bị viêm nhiễm và tái khám sau 2 tuần để kiểm tra lại.
Đặc biệt sau nạo hút thai, lượng kinh nguyệt ra ít hoặc sau 5 tuần không hành kinh, chị em nên khám lại ngay để sớm phát hiện bất thường.