Kết quả xét nghiệm AMH “tiết lộ” những điều rất thiết thực mà chị em đang mong có con hay phụ nữ muốn giữ tuổi xuân đều rất quan tâm.
Thạc sĩ, bác sĩ Trương Quang Hải - tốt nghiệp chuyên ngành sản phụ khoa Đại học Y Hà Nội; chuyên gia trong lĩnh vực vô sinh hiếm muộn - sản phụ khoa và nam khoa, người đã điều trị thành công hàng ngàn bệnh nhân trên cả nước cho biết, xét nghiệm AMH chính là xét nghiệm "tài khoản" trong "ngân hàng trứng" của mỗi phụ nữ.
Thông thường, mỗi người phụ nữ được sinh ra với hai buồng trứng. Đây là nơi để lưu trữ các nang trứng phục vụ cho việc sinh sản. Số lượng trứng trên hai buồng trứng là hữu hạn và giảm dần ngay khi bé gái được sinh ra đời.
Vì thế, xét nghiệm AMH (Anti Mullerian Hormone) đo lường lượng hormone kháng mullerian (AMH) trong máu của mỗi chị em, phản ánh lượng trứng còn lại trong hai buồng trứng.
Xét nghiệm AMH cho biết số lượng trứng còn lại trên hai buồng trứng và liệu buồng trứng của bạn có bị suy giảm quá nhanh hay không. (Ảnh minh họa)
Cả nam giới và phụ nữ đều sản xuất AMH, nhưng xét nghiệm này hay được chỉ định ở phụ nữ để đánh giá sức khỏe sinh sản.
Theo đó, mức AMH tương ứng với số lượng trứng các phụ nữ có:
• Mức AMH cao hơn có nghĩa là buồng trứng có nhiều trứng hơn.
• Mức AMH thấp hơn có nghĩa là buồng trứng có ít trứng hơn.
Cũng theo Thạc sĩ, bác sĩ Trương Quang Hải cho rằng, mức AMH bình thường ở mỗi phụ nữ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi nhưng thường đạt đỉnh vào khoảng 25 tuổi, giảm dần qua từng chu kì kinh nguyệt.
• Mức AMH trung bình: Từ 2,0 ng/mL đến 6,8 ng/mL.
• Mức AMH thấp: Dưới 1,2ng/mL.
• Mức AMH thấp nghiêm trọng: 0,5ng/mL.
Xét nghiệm này có thể sai số ở các trung tâm xét nghiệm khác nhau do các kĩ thuật đo khác nhau. Với mức AMH bình thường có thể siêu âm thấy khoảng 15-20 nang trứng trên cả hai buồng trứng.
Mức AMH cao hơn bình thường nhiều người lầm tưởng là tốt nhưng không phải lúc nào cũng tốt. Bởi AMH có thể cao ở một số chị em thường mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Tuy nhiên đây không phải là xét nghiệm để chẩn đoán PCOS.
Những phụ nữ nào nên thực hiện xét nghiệm AMH?
Bên cạnh đó, bác sĩ Trương Quang Hải còn khuyến cáo các chị em sau nên thực hiện xét nghiệm AMH:
⁃ Những chị em đang mong con và thời gian mong con đã hơn 6 tháng.
⁃ Những chị em chưa có nhu cầu sinh con nhưng muốn kiểm tra sức khoẻ sinh sản.
⁃ Các trường hợp chị em bị vô kinh nguyên phát (không có kinh nguyệt bao giờ).
⁃ Chị em sau phẫu thuật vùng chậu, buồng trứng cần làm xét nghiệm AMH để đánh giá mức độ suy giảm nang trứng.
⁃ Những chị em trước khi điều trị thụ tinh ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo để đánh giá có đáp ứng với thuốc kích trứng hay không.
Thạc sĩ, bác sĩ Trương Quang Hải còn khẳng định kết quả AMH “tiết lộ” những điều rất thiết thực: “Lượng AMH cho biết số lượng trứng còn lại trên hai buồng trứng và liệu buồng trứng của bạn có bị suy giảm quá nhanh - tương ứng với tuổi xuân ngắn hơn. Ngoài ra, AMH cũng có thể cho biết khả năng đáp ứng của các chị em thế nào với các loại thuốc kích thích buồng trứng dạng tiêm cho quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Thạc sĩ, bác sĩ Trương Quang Hải cho biết: Nếu như có kế hoạch sinh con trong tương lai dài, hãy đánh giá lượng trứng của bạn và lưu trữ lại nếu cần thiết. (Ảnh: BSCC)
Thực tế, các phụ nữ nên lưu ý, ngay cả khi AMH của bạn ở mức bình thường nhưng các yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ như độ tuổi, lối sống, sự rụng trứng, ống dẫn trứng, yếu tố về phía nam giới...
Do đó, các chị em có thể tiến hành làm xét nghiệm AMH ở tại các bệnh viện/ phòng khám chuyên khoa sinh sản hoặc các trung tâm xét nghiệm tại nhà có thể dễ dàng thực hiện xét nghiệm này với chi phí khoảng 850 ngàn đồng trở lên.
Ngoài ra bác sĩ Hải cũng khẳng định: “Trứng là tài sản quý báu của phụ nữ, đảm bảo cho thiên chức làm mẹ. Nếu như có kế hoạch sinh con trong tương lai dài, hãy đánh giá lượng trứng của bạn và lưu trữ lại nếu cần thiết”.