Đây là lần thứ 2, tuyến đường trên cao từ Nhổn về công viên Thủ Lệ thuộc dự án đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội bị nhà thầu đòi bồi thường 19 triệu USD (khoảng 400 tỷ đồng) với lý do chậm bàn giao mặt bằng hơn 1 năm.
Tuyến đường đi trên cao từ Nhổn (Bắc Từ Liêm) đi về phía công viên Thủ Lệ (Cầu Giấy) thuộc gói thầu CP01 (Xây lắp) của dự án đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội (Metro Hà Nội) vừa bị nhà thầu quốc tế đòi bồi thường hơn 19 triệu USD (khoảng 400 tỷ đồng). Tuy nhiên, yêu cầu này chưa được chấp thuận.
Nhà thầu đòi bồi thường là Công ty TNHH Dealim (Hàn Quốc), lý do đòi bồi thường do chủ đầu tư là UBND thành phố Hà Nội (đại diện là Ban Quản lý dự án đô thị) đã chậm giao mặt bằng thi công 18 tháng so với hợp đồng.
Ngoài ra, nhà thầu Dealim còn cho biết, gói thầu CP01 phải kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng là 26,5 tháng do vướng mắc trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thủ tục tạm ứng.
Số tiền phát sinh này vẫn nằm trong dự toán các gói thầu, không vượt giá trị dự toán và tổng mức đầu tư được phê duyệt. Việc bổ sung này chưa được quy định cụ thể và chưa có tiền lệ.
Do vậy, đây mới chỉ là con số nhà thầu đưa ra, và chủ đầu tư chưa thanh toán số chi phí trên.
Để giải quyết vấn đề, UBND thành phố Hà Nội đang đề nghị các nhà thầu chờ kết quả kiểm toán dự án của Kiểm toán Nhà nước.
Cùng đó, UBND thành phố Hà Nội cũng có công văn gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị hướng dẫn việc bổ sung chi phí do kéo dài thời gian các gói thầu xây lắp của dự án, làm cơ sở để đàm phán, thanh quyết toán.
Tính đến thời điểm hiện tại, đây là lần thứ hai dự án này bị nhà thầu quốc tế đòi bồi thường. Trước đó, đầu năm 2019, cũng với lý do chậm giao mặt bằng theo hợp đồng, dẫn đến nhiều khoản kinh phí phát sinh, nhà thầu nước ngoài liên doanh Hyundai (Hàn Quốc) - Ghella (Italy) thực hiện gói thầu gồm thi công bốn ga ngầm (từ S9 đến S12) đã đề nghị chủ đầu tư phải bồi thường khoảng 81 triệu USD .
Được biết, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Với tổng mức đầu tư dự án đã điều chỉnh một lần vào năm 2014 là gần 33.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của ODA
Đến hết năm 2019, dự án giải ngân được hơn 11.700 tỷ đồng. Năm 2020, tổng số vốn ODA được giao là 3.400 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được trên 800 tỷ đồng. Đến tháng 6, tổng tiến độ dự án đạt khoảng 63%; đoạn trên cao đạt 76%. Phần đi ngầm đạt trên 14%.
Ngọc Hải