Có rất nhiều lý do khiến những mẹ bầu khi tham gia giao thông những ngày cuối năm và dịp Tết gặp tai nạn giao thông.
15 năm công tác sản khoa, không năm nào vào dịp cuối năm và dịp Tết mà ThS. BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương không gặp trường hợp phụ nữ mang thai bị tai nạn giao thông. Có những trường hợp may mắn cứu được cả mẹ lẫn con. Có những trường hợp không may mắn đã vĩnh viễn mất cả mẹ lẫn con hoặc cứu được con, mất mẹ hay được mẹ, mất con.
Theo bác sĩ Thành, nguyên nhân khiến mẹ bầu bị tai nạn giao thông khó giữ được con và nguy hiểm đến tính mạng bản thân là do những chấn thương khi mang thai làm tăng khả năng bị nhau bong non. Trong khi đó, nhau thai là cơ quan giúp trao đổi oxy, chất dinh dưỡng và chất thải giữa mẹ và thai nhi. Khi nhau bong non sẽ gây gián đoạn việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi, hậu quả là thai nhi bị tử vong. Những sang chấn, chấn thương khi bị tai nạn hoàn toàn có thể gây mất máu, nguy hại đến tính mạng mẹ bầu.
Bà bầu đi xe máy cần chuẩn bị 1 tờ ghi thông tin cá nhân để sẵn trong túi ví sẵn phòng trường hợp tai nạn cần dùng đến. (Ảnh minh họa)
Chia sẻ về những lý do khiến các mẹ bầu bị tai nạn giao thông, nhất là trong dịp cuối năm và dịp Tết, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương này cũng khẳng định do các nguyên nhân cụ thể sau.
Thứ nhất, phụ nữ mang thai ở Việt Nam tham gia giao thông phần lớn bằng xe máy. Những xe máy tay ga thường có phân khối lớn, to nặng làm cho mẹ bầu vốn nặng nề gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển, dắt xe lúc lên xuống và tham gia giao thông trên đường nên dễ gây va chạm. Và dù va chạm nhẹ nhưng cũng đủ làm cho cho tâm lý của mẹ bị kích thích, gây ra tình trạng co thắt bụng dưới, dẫn tới sinh non.
Thứ hai, dịp cuối năm thời tiết lạnh nên nhiều người đi đường mặc áo khoác và mũ trùm kín nên khó quan sát hoặc những chiếc váy áo lòe xòe gây vướng víu mắc vào bánh xe… gây ra những tai nạn không đáng có.
Thứ ba, việc lượng người tham gia giao thông lớn ở nước ta rất đông đúc nhất là vào giờ cao điểm. Chưa kể, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao... Bởi thế dễ khiến các bà bầu gặp nhiều sự cố ngoài ý muốn trên đường dù có thể bản thân đã cẩn thận.
Chính bởi điều này, bác sĩ Thành cũng khuyến cáo, mẹ bầu không nên đi xe máy nhiều. Có thể nhờ chồng chở đi hoặc thay thế bằng những phương tiện an toàn khác như: xe bus, xe ô tô. Nếu buộc phải đi thì nên đi chậm, mặc quần áo gọn ghẽ để đảm bảo an toàn lúc di chuyển.
Mẹ bầu nên thay thế bằng những phương tiện an toàn khác như: xe bus, xe ô tô. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, phụ nữ mang thai phải cẩn trọng khi tham gia giao thông và phòng tránh tai nạn trong sinh hoạt, lao động. Cần học cách xử lý khi bị thương nhẹ, sơ cứu khi bị chảy máu, tìm sự trợ giúp khi xảy ra các tình huống tai nạn. Đặc biệt cần phải đến khám ngay tại cơ sở y tế khi không may tai nạn xảy ra.
Cuối cùng, bà bầu đi xe máy cần chuẩn bị 1 tờ ghi thông tin cá nhân để sẵn trong túi ví sẵn. Bởi khi gặp sự cố, người khác hay cơ quan chức năng có thể chủ động giúp liên lạc sớm với người thân. Tờ thông tin có thể gồm: Họ tên mẹ bầu, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, 2 số điện thoại người thân, thai kỳ tháng thứ mấy…