Không chỉ gia đình chồng mà chính bản thân người vợ cũng nghĩ lý do sảy thai liên tiếp là do mình.
Sảy thai chắc hẳn là nỗi đau không mẹ bầu nào muốn đối mặt trong thai kỳ của mình. Không chỉ vậy, sau khi sảy thai, nhiều mẹ còn phải gánh chịu nỗi đau về tinh thần do hầu hết mọi người đều nghĩ nguyên nhân đến từ bản thân người phụ nữ. Bà mẹ dưới đây cũng gặp tình huống như vậy và phải đến lúc sắp ly hôn cô mới được bác sĩ "minh oan" cho.
Câu chuyện do bác sĩ họ Hứa, làm việc tại khoa Hỗ trợ sinh sản, bệnh viện Sức khỏe Phụ sản và Trẻ em Nam Kinh (Trung Quốc) cho biết. Ông cho biết cách đây không lâu đã tiếp nhận bệnh nhân đến khám là hai vợ chồng cùng 32 tuổi và đã kết hôn 5 năm nhưng chưa thể có con.
Vợ chồng chị Trương cưới nhau 5 năm nhưng chưa thể có con. (Ảnh minh họa)
Người vợ họ Trương cho biết ban đầu khi mới kết hôn, vợ chồng cô đã "kế hoạch" khoảng 2 năm để tập trung làm kinh tế. Đến khi đã mua được nhà, cuộc sống ổn định thì cả hai mới nghĩ đến chuyện sinh con. Sau khi "thả" lần đầu tiên, chị Trương đã mang bầu ngay. Vậy nhưng đáng tiếc chị đã bị sảy thai ở tuần thứ 8. Sau đó trong vòng 3 năm, chị bị hỏng thai tổng cộng 5 lần, đều trước tuần thứ 12.
Mỗi lần sảy thai đều khiến chị Trương suy sụp cả về sức khỏe và tinh thần. Chị đi khám nhiều nơi nhưng không phát hiện được nguyên nhân, bác sĩ chỉ nói do phôi thai không phát triển được đúng cách. Không chỉ vậy, sau những sự cố đau lòng, chị còn phải chịu áp lực từ phía gia đình chồng. Ông xã thì rất yêu thương và cảm thông cho chị, luôn chăm sóc hết lòng sau mỗi lần mất con. Vậy nhưng mẹ chồng sau 2 lần đầu đã thay đổi thái độ, quay sang trách móc chị. Thậm chí mỗi khi chỉ có chị và mẹ chồng ở nhà, bà còn dùng nhiều lời lẽ khó nghe, ép chị phải ly hôn để chồng cưới người khác và sinh con.
Bản thân chị Trương cũng nghĩ rằng nguyên nhân sảy thai là do mình và có ý nghĩ "giải thoát" cho ông xã vì thương anh, mong anh được làm bố. Vậy nhưng ông xã chị Trương lại không đồng ý. Anh thuyết phục chị đến bệnh viện Sức khỏe Phụ sản và Trẻ em Nam Kinh kiểm tra thêm một lần nữa. Sau khi nghe vợ chồng chị Trương trình bày, bác sĩ Hứa đề nghị hai vợ chồng cùng khám sức khỏe chứ không chỉ một mình chị Trương như những lần trước.
Chị Trương chịu áp lực về tâm lý vì nghĩ nguyên nhân sảy thai liên tiếp là do mình. (Ảnh minh họa)
Và đến lúc này nguyên nhân mới được tìm ra. Hóa ra mỗi lần mang thai, chị Trương đều không vượt qua được 12 tuần lại do tinh trùng của chồng yếu, dị dạng. Đây là nguyên nhân gây sảy thai ở khoảng 6% các trường hợp mang thai. Nhưng bác sĩ Hứa động viên vợ chồng chị Trương không cần quá lo lắng vì khi đã tìm ra nguyên nhân thì việc giải quyết không khó. Bác sĩ Hứa khuyên chồng chị Trương thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh, xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện khoa học để cải thiện chất lượng tinh trùng. Sau 3 tháng đi kiểm tra lại mà chất lượng được cải thiện thì vợ chồng chị có thể tiến hành thụ thai, còn nếu không thì có thể cân nhắc việc sàng lọc tinh trùng khỏe mạnh và làm IUI.
Sau khi chia sẻ câu chuyện trên, bác sĩ Hứa nhấn mạnh việc mang thai là kết hợp giữa cả người vợ và người chồng nên sảy thai cũng tương tự. Có nhiều nguyên nhân gây sảy thai khác nhau và không nên vội quy kết trách nhiệm cho người phụ nữ.
Sảy thai liên tiếp phải làm sao?
Nếu các cặp đôi gặp tình trạng sảy thai hai lần liên tiếp trong thời gian ngắn thì nên đi khám sớm. Khi đến bệnh viện, bố mẹ thường sẽ được thăm khám như sau để xác định nguyên nhân gây sảy thai
- Xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ: Xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ được làm cho cả vợ và chồng để tìm các nguyên nhân bất thường về di truyền. Bố mẹ có thể là những người lành mang gen lặn của bệnh nhiễm sắc thể nào đó. Vì vậy, xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán bệnh nhiễm sắc thể có thể giúp phát hiện các bất thường đã truyền cho thai nhi và gây sảy thai liên tiếp này.
- Đánh giá cấu trúc giải phẫu cơ quan sinh sản nữ: Đối với phụ nữ, tử cung và buồng tử cung cần được đánh giá chi tiết. Có nhiều xét nghiệm dùng để đánh giá buồng tử cung, bao gồm: siêu âm, chụp tử cung, chụp vòi trứng, nội soi buồng tử cung,...
- Những xét nghiệm tìm sự bất thường di truyền về đông máu cũng nên được thực hiện ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như: phẫu thuật, gãy xương, nằm bất động lâu ngày hoặc những bệnh nhân có gia đình bị các bất thường về máu.
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm tinh dịch đồ...
Sau khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán các cặp vợ chồng sẽ được điều trị theo đúng nguyên nhân. Việc điều trị và theo dõi chặt chẽ có thể làm tăng tỷ lệ thai sống trong tương lai lên tới 70%.