Hình dáng bụng bầu của bà mẹ này dài một cách bất thường khiến nhiều người ngạc nhiên.
Video Michella "bế" bụng bầu đã thu hút 14 triệu lượt xem.
Nếu như mang bầu đơn đã mệt mỏi và vất vả thì những bà mẹ mang bầu đa thai còn phải chịu khó khăn hơn bội phần. Mới đây, một bà mẹ mang thai 3 đã gây chú ý khi đăng tải video bầu bí của mình lên mạng xã hội.
Michella Meier-Morsi ở Đan Mạch mang thai 3 và đã sinh thành công 3 bé trai Charles, Theodore và Gabriel vào đầu tháng này. Trước đó, trong suốt quá tình mang thai, cô thường xuyên cập nhật hình ảnh lên Instagram cá nhân và thu hút hơn 250.000 người theo dõi.
Michella mang thai 3 hoàn toàn tự nhiên.
Vậy nhưng Michella chỉ thật sự nổi tiếng trên toàn thế giới khi một người khác lấy hình ảnh của cô và đăng lên Tiktok. "Thêm một lý do để mọi người tôn trọng tất cả các bà mẹ", người đăng tải chú thích. Ngay lập tức, đoạn video đã thu htus hơn 14 triệu lượt xem cùng hàng triệu bình luận.
Ai cũng tỏ ra ngạc nhiên trước hình dáng bụng bầu dài một cách bất thường của Michella. Dường như nếu hông được cô đỡ, bụng bầu có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Không chỉ vậy, nhiều bà mẹ bỉm sữa cũng để lại lời động viên, đồng cảm với mẹ bầu này vì những khó khăn, vất vả cô đã phải vượt qua khi mang thai để các con có thể chào đời khỏe mạnh.
Bụng bầu của cô dài hẳn về phía trước khiến nhiều người ngạc nhiên.
Một người bình luận: “Thật là hoang đường khi một số em bé phát triển thẳng ra như vậy trái ngược với hướng lên trên và xuống dưới”.
“Tôi không có lời nào… nhưng rất tôn trọng bạn!”, một người khác đã viết.
“Tôi không nói nên lời! Bạn là một siêu anh hùng!”, một người bình luận cũng đã viết.
Năm 2018, một bà mẹ người Đan Mạch khác tên Maria cũng từng gây chú ý vì mang thai 3 và có bụng bầu nhọn hoắt về phía trước tương tự như Michella. Bà mẹ này đã sinh con thành công vào tháng 9/2018. Đến nay 4 năm sau sinh, cơ thể Maria vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn, đặc biệt là phần da bụng của cô bị căng quá mức khi mang thai nên giờ đây trở nên trùng nhão, không thể trở về vẻ mịn màng, săn chắc.
Bà mẹ Maria cũng từng gặp tình trạng tương tự khi mang thai 3.
Những khó khăn của mẹ mang bầu đa thai
Sau khi hình ảnh mang bầu 3 của Michella được chia sẻ, nhiều người không ngại gọi cô là "mẹ siêu nhân" vì những khó khăn, vất vả cô phải chịu đựng để sinh con khỏe mạnh. Vậy mang bầu đa thai là gì và có nguy cơ thế nào?
Một thai kỳ với nhiều hơn một thai nhi được gọi là đa thai. Điều này xảy ra khi cơ thể mẹ giải phóng nhiều hơn một trứng trong chu kỳ kinh nguyệt của mình, mỗi trứng lại được thụ tinh bởi một tinh trùng, tạo thành nhiều phôi làm tổ và phát triển trong tử cung bạn. Dạng mang thai này tạo ra cặp song sinh (hoặc sinh ba, sinh tư…) khác trứng.
Ngoài ra, cũng có trường hợp trứng sau khi được thụ tinh thì phân chia thành nhiều phôi giống hệt nhau, tạo thành sinh đôi (hoặc sinh ba, sinh tư) cùng trứng.
Phụ nữ mang đa thai có thể bị ốm nghén nặng hơn, tăng cân nhanh hơn so với bình thường. Họ cũng cần nhiều dinh dưỡng hơn: thêm 300 calo mỗi ngày cho mỗi thai nhi. Chẳng hạn, nếu bạn mang thai đôi, bạn cần thêm 600 calo mỗi ngày. Đối với thai ba hay nhiều hơn, bạn cần tư vấn bác sĩ về chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Mẹ bầu đa thai cũng có nguy cơ cao hơn gặp các vấn đề như:
- Tiền sản giật: là một rối loạn huyết áp thường bắt đầu sau 20 tuần mang thai hoặc sau khi sinh con. So với các mẹ bầu mang đơn thai, nó xảy ra thường xuyên hơn và cũng có xu hướng xảy ra sớm hơn, nghiêm trọng hơn ở các bà mẹ mang đa thai.
Tiền sản giật có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều cơ quan trong cơ thể bạn, phổ biến nhất là thận, gan, não và mắt. Tiền sản giật nặng và gây co giật được gọi là sản giật. Khi tiền sản giật xảy ra trong thai kỳ, em bé có thể cần được sinh ngay, ngay cả khi chưa phát triển đầy đủ.
- Tiểu đường thai kỳ: Mẹ bầu mang đa thai cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ tiền sản giật và phát triển bệnh đái tháo đường sau này. Bé sinh ra có thể gặp phải các vấn đề về hô hấp hoặc lượng đường trong máu thấp.
- Trầm cảm sau sinh: Đa thai có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh. Nếu bạn có cảm giác buồn bã, lo lắng hoặc tuyệt vọng khiến bạn không thể thực hiện các công việc hàng ngày, hãy chia sẻ với người thân hoặc bác sĩ để họ có thể giúp bạn vượt qua.