Mẹ bầu đau bụng dữ dội, bác sĩ chẩn đoán vỡ lá lách nhưng mổ ra mới biết nhầm lớn

Ngọc Linh - Ngày 19/05/2021 09:30 AM (GMT+7)

Bác sĩ đã kiểm tra và cho rằng thai phụ bị vỡ lá lách nhưng kết quả khi phẫu thuật lại thấy phần khác có vấn đề.

Trong thời gian mang thai, cả người mẹ và các y bác sĩ đều không thể lường trước những rủi ro có thể xảy ra. Thậm chí còn có trường hợp mẹ gặp biến chứng nguy hiểm tính mạng, mất con mà không rõ lý do như dưới đây. 

Thông tin từ bệnh viện Nhân dân số 2 Phúc Kiến (Trung Quốc). Hôm qua (ngày 17/5) các bác sĩ tại đây đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân 32 tuổi, đang mang bầu 3 tháng được gia đình đưa vào khoa cấp cứu vì đau bụng. 

Kiểm tra ban đầu cho thấy sản phụ có thân nhiệt 37.7 độ C, mạch 90 lần/phút (hơi nhanh) và huyết áp 110/70 (thấp), biểu hiện thiếu máu, bụng chướng to, đau ở cả bụng trên và bụng dưới. Sau một vài kiểm tra chuyên ngành khác, bác sĩ chẩn đoán mẹ bầu này bị vỡ lá lách. 

Lá lách nằm ngay dưới xương sườn bên trái, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và lọc các tế bào máu cũ trong máu. Các bác sĩ cho biết lá lách là cơ quan dễ bị tổn thương và vỡ nhất trong khoang bụng khi có một lực lớn tác động vào bụng hoặc do bệnh. Bệnh nhân vỡ lá lách sẽ cần phẫu thuật. 

Mẹ bầu đau bụng dữ dội, bác sĩ chẩn đoán vỡ lá lách nhưng mổ ra mới biết nhầm lớn - 1

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ lá lách nhưng khi mổ ra mới phát hiện nhầm lẫn.

Trong trường hợp của mẹ bầu nói trên, trước khi mổ, bác sĩ đã mời bác sĩ chuyên khoa sản phụ đến để hội chẩn. Sau khi tiến hành siêu âm đầu dò ổ bụng cho sản phụ, bác sĩ này cho biết không phát hiện vấn đề bất thường ở thai nhi. 

Mẹ bầu được đẩy lên bàn phẫu thuật. Vậy nhưng, sau khi mở ổ bụng của bệnh nhân, bác sĩ choáng váng khi thấy ổ bụng bị xuất huyết nặng, lượng máu khoảng 2 lít. Và càng sốc hơn là chẩn đoán đã nhầm, lá lách bệnh nhân không hề bị vỡ, các cơ quan khác như gan, ruột cũng hoàn toàn bình thường. Chỉ đến khi thăm dò xuống lần nữa, bác sĩ mới phát hiện đáy tử cung của mẹ bầu này có một vết rách, túi ối chứa thai nhi đã trồi ra một phần qua vết rách đó.

Đến lúc này, bác sĩ đành tiến hành hút bỏ thai, cắt một phần tử cung và khâu lại, sau đó làm sạch khoang bụng cho bệnh nhân. Cô được truyền tổng cộng 3 lít máu trong quá trình phẫu thuật. Hiện tại bệnh nhân đã tỉnh táo và đang được theo dõi tại bệnh viện. 

Mẹ bầu đau bụng dữ dội, bác sĩ chẩn đoán vỡ lá lách nhưng mổ ra mới biết nhầm lớn - 2

Vỡ tử cung là biến chứng cực kỳ nguy hiểm khi mang thai.

Bác sĩ cho biết trường hợp này là vỡ tử cung tự phát, rất hiếm khi xảy ra. Về tiền sử sinh nở, cách đây 2 năm bà mẹ này sinh con đầu lòng bằng phương pháp sinh thường và do không sổ nhau nên bác sĩ thời điểm đó phải bóc nhau thai bằng tay. Bác sĩ phẫu thuật cho rằng động tác này nếu không làm cẩn thận có thể làm bong tróc cách cơ ở đáy tử cung, khiến tử cung mỏng đi và có thể vỡ ở những lần mang thai sau. 

Những nguyên nhân dẫn đến vỡ tử cung trong thai kỳ

Vỡ tử cung trong thai kỳ có thể xảy ra trên các thai phụ có sẹo mổ cũ ở tử cung do:

- Mổ lấy thai ở thân tử cung.

- Khâu lại tử cung bị vỡ.

- Mổ lấy thai từ hai lần trở lên ( sẹo mổ ngang đoạn dưới tử cung trước đó, số lần mổ càng nhiều càng làm tăng nguy cơ vỡ tử cung).

- Mổ cắt góc tử cung trong phẫu thuật điều trị chửa ngoài tử cung ở sừng.

- Mổ lấy thai bị nhiễm khuẩn tại vết mổ hoặc tử cung.

- Phẫu thuật bóc nhân xơ tử cung (nếu u xơ tử cung ăn vào nội mạc tử cung).

- Khâu lỗ thủng tử cung sau nạo phá thai.

- Tai nạn, sang chấn trực tiếp.

Bác sĩ khuyến cáo các thai phụ có sẹo ở tử cung phải khám thai đầy đủ, theo dõi thai kỳ kĩ lưỡng, nhập viện ngay khi có dấu hiệu bất thường. Đến khi sinh con, sản phụ phải được vào viện trước khi chuyển dạ để theo dõi cẩn thận và chỉ định can thiệp đúng lúc.


 

Mẹ Hải Dương 22 tuổi nhập viện sinh con, bác sĩ toát mồ hôi cấp cứu khi nhìn nước ối
Các bác sĩ đã mất một giờ căng thẳng để cấp cứu cho sản phụ 22 tuổi sinh con lần đầu.
Ngọc Linh (Dịch từ Sohu)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu