Các bác sĩ đã mất một giờ căng thẳng để cấp cứu cho sản phụ 22 tuổi sinh con lần đầu.
Thông tin từ bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), các bác sĩ tại đây vừa tiến hành phẫu thuật cứu sống thai nhi gặp nguy hiểm khi bị nút thắt dây rốn, suy thai, ối nhiễm phân su.
Sản phụ tên T.T.L. (22 tuổi, sống tại Kinh Môn, Hải Dương) mang thai lần đầu đến tuần 40 được gia đình đưa vào bệnh viện khám khi bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định thai nhi nằm ngôi đầu cao, ối đã vỡ và có màu xanh, chứng to em bé đã thải phân su trong tử cung.
Quá trình theo dõi chuyển dạ, các bác sĩ phát hiện nhịp tim thai bất thường nên chị L. lập tức được hội chẩn và chỉ định phẫu thuật lấy thai.
Sau 1 giờ tập trung phẫu thuật, các bác sĩ mổ bắt thành công bé gái nặng 3.230 gram, ghi nhận trong quá trình phẫu thuật, dây rốn bé bị thắt nút, cản trở tuần hoàn thai nhi. Sau sinh, bé gái được các bác sĩ sơ sinh thăm khám, đánh giá toàn diện. Hiện tại, sức khỏe mẹ, bé đã ổn định và tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện
Em bé chào đời với một nút thắt ở dây rốn.
Theo các bác sĩ, dây rốn thắt nút chiếm tỷ lệ 0,3 - 2%. Các yếu tố có thể làm tăng khả năng thắt nút của dây rốn như dây rốn quá dài, thai nhi có kích thước nhỏ, do xoay chuyển của thai hay trong quá trình di chuyển làm cản trở máu và oxy đến thai nhi, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trường hợp của sản phụ trên rất may mắn khi được xử trí kịp thời, bởi tình trạng thai nhi đã có diễn biến xấu nếu không tiến hành phẫu thuật thai nhi có thể đã tử vong.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Sản phụ khi mang thai nên tiến hành khám thai định kỳ, siêu âm đánh giá tình trạng dây rốn trong suốt thời kỳ mang thai ở cơ sở y tế tin cậy để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Hội chứng hít ối phân su nguy hiểm thế nào? Em bé trong ca sinh trên không chỉ gặp nguy hiểm vì dây rốn thắt nút mà còn có nguy cơ bị hội chứng hít phân su. Hội chứng hít phân su (viết tắt MAS). MAS có thể xảy ra trước trong hoặc sau khi sinh, do trẻ hít phải nước ối có phân su, gây tắc nghẽn đường thở 1 phần hoặc toàn phần, có thể dẫn đến rối loạn trao đổi khí và suy hô hấp nặng. Hầu hết trẻ sơ sinh bị hội chứng hít ối phân su sẽ không gặp biến chứng sức khỏe lâu dài. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề nghiêm trọng có thể ảnh hưởng ngay lập tức đến sức khỏe trẻ sơ sinh vì phân su tồn tại trong phổi có thể gây viêm và nhiễm trùng. Hít ối phân su gây ra nhiều nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. (Ảnh minh họa) Phân su cũng có thể làm tắc nghẽn đường thở, phì đại phổi. Nếu phổi phì đại quá nhiều có thể vỡ hoặc suy, không khí từ bên trong phổi tích tụ trong khoang ngực và xung quanh phổi. Tình trạng này được gọi là tràn khí màng phổi và gây khó khăn cho việc tái tạo phổi. Hội chứng hít ối phân su còn làm tăng nguy cơ trẻ sơ sinh bị tăng huyết áp phổi dai dẳng. Huyết áp cao trong các mạch máu phổi sẽ hạn chế lưu lượng máu khiến bé khó thở đúng cách. Huyết áp phổi ở trẻ sơ sinh là một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng. Trong những trường hợp hiếm, hội chứng hít ối phân su nghiêm trọng có thể làm hạn chế oxy đến não trẻ, gây tổn thương não vĩnh viễn. |