Nhìn con đau đớn, ông bố này vô cùng hối hận vì quyết định thiếu hiểu biết của mình.
Trong quá trình sinh con, có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra gây nguy hiểm cho cả sản phụ và em bé. Do đó, thông thường trước khi đi sinh, các mẹ đều tìm hiểu về bệnh viện và bác sĩ để chọn ra “bà mụ” đỡ đẻ mát tay lại lành nghề để trải nghiệm đi đẻ của mình trở nên nhẹ nhàng. Tùy theo tình hình sức khỏe của sản phụ, tư thế nằm của thai nhi mà bác sĩ sẽ quyết định cho mẹ sinh thường hay sinh mổ.
Cách đây vài ngày, Khoa Phụ sản thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung Ương (Trung Quốc) tiếp nhận một sản phụ 26 tuổi mang thai được 39 tuần, vỡ ối sớm, tử cung mở 1 phân nhập viện cấp cứu. Qua siêu âm, bác sĩ phát hiện thai nhi đang ở trong tư thế ngôi mông LSA – nghĩa là mông của thai nhi nằm ở bên trái khung xương chậu của mẹ. Nếu điều này được phát hiện sớm trước 32 tuần thì bác sĩ có khả năng xoay đầu của em bé, nhưng sau 32 tuần khả năng xoay đầu là tương đối nhỏ.
Với tư thế ngôi mông như thế này, mổ lấy thai là sự lựa chọn an toàn nhất dành cho sản phụ. Tuy vậy, khi bác sĩ trao đổi điều này, chồng bệnh nhân lại không đồng ý vì anh muốn sinh thêm con sớm và không muốn bụng vợ có sẹo nên cương quyết không ký vào giấy mổ.
Con ngôi mông nhưng gia đình sản phụ không cho sinh mổ, dẫn đến việc em bé bị gãy xương cánh tay trái trong khi sinh (Ảnh minh họa)
Không còn cách nào khác, bác sĩ đành phải cho sản phụ sinh thường với sự giúp đỡ của các nữ hộ sinh. Đầu tiên, nữ hộ sinh sẽ chặn mông, nói nôm na là mỗi khi có cơn co thắt, các nữ hộ sinh sẽ chặn mông lại để nó không tụt xuống gần cửa âm đạo. Đây là bước rất quan trọng trong khi đợi tử cung mở hoàn toàn.
Một giờ sau khi chặn mông, chân thai nhi lộ ra ngoài, bác sĩ tiến hành rạch tầng sinh môn để mở rộng ống sinh. Tuy vậy, do ngôi mông sinh khó, lại bị lệch một bên nên dù đã cố gắng xoay chuyển nhưng em bé đã bị gãy xương cánh tay bên trái. Bác sĩ khoa phẫu thuật chỉnh hình đã phải có mặt ngay lập tức để nẹp cố định phần xương gãy cho em bé. Đánh giá chung là một tháng sau vết gãy xương của bé sẽ lành và hoạt động bình thường.
Nhìn con đau đớn vì bị gãy xương, chồng sản phụ đã vô cùng hối hận vì quyết định thiếu hiểu biết của mình.
Các loại chấn thương trong khi sinh ở trẻ sơ sinh
Theo Tiến sĩ Jonathan Cluett - Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình ở Massachusetts (Mỹ), chấn thương trong lúc sinh không phải là vấn đề hiếm gặp đối với trẻ sơ sinh. Vì được sinh ra qua một ống âm đạo hẹp nên những tổn thương hoàn toàn có thể xảy ra trong lúc đẻ. Nhất là những em bé to, khung xương chậu của mẹ hẹp và thai ngôi mông là những trường hợp làm tăng khả năng gây ra một số chấn thương như:
1. Gãy xương đòn
Gãy xương đòn là một trong những chấn thương khi sinh thường gặp nhất. Xương đòn là đoạn xương nối ngực với vai. Triệu chứng thông thường của chấn thương này là đau trên vị trí gãy xương, vì trường hợp này hiếm khi gây ra biến dạng đáng chú ý. Sau khi điều trị, chỉ cần vài tuần là vết gãy sẽ lành.
Trong quá trình sinh nở, trẻ sơ sinh có thể bị gãy xương đòn, gãy xương đùi hay chấn thương đám rối thần kinh cánh tay (Ảnh minh họa)
2. Chấn thương đám rối thần kinh cánh tay (Erb's Palsy)
Đám rối thần kinh cánh tay là nhóm dây thần kinh đi từ cổ xuống cánh tay, nó nằm ngay bên dưới xương đòn và có thể bị thương trong quá trình sinh nở. Các đám rối thần kinh cánh tay sẽ bị tổn thương khi đầu bị kéo căng về một hướng, còn cánh tay đang ở hướng ngược lại. Tuy nhiên, điều trị một thời gian thì các dây thần kinh sẽ lành lại.
3. Gãy xương đùi
Gãy xương đùi có thể xảy ra nếu chân em bé bị trẹo trong khi sinh. Đây là một loại chấn thương hiếm gặp và ít phổ biến hơn so với gãy xương đòn. Triệu chứng thông thường là đau khi trẻ đạp chân hoặc bị nắm chân khi thay tã. Và chấn thương này sẽ lành trong khoảng 4 tuần nếu được băng bó.
Mặc dù không ai muốn chuyện chấn thương trong khi sinh xảy ra, nhưng nó vẫn có thể xuất hiện. Song, tin tốt là mọi chấn thương khi sinh đều sẽ được chữa trị thành công nên các mẹ cứ yên tâm.