Người mẹ nói sẵn sàng đền gấp 20 lần số tiền món hàng đó, tuy nhiên, cô yêu cầu nhân viên siêu thị phải xin lỗi con mình vì lời quy kết gây tổn thương trẻ.
Với những đứa trẻ 3 tuổi, chúng đa phần chưa có quá nhiều khái niệm về tiền bạc. Khi đứa trẻ tầm 4 – 5 tuổi thì có thể hiểu hơn về việc phải dùng tiền để trao đổi, mua bán những món đồ mình cần. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng hiểu được điều đó. Đôi khi một số bé ít va chạm nên không nhận thức được. Và vì thế, nó có thể gây ra những tình huống hiểu lầm đáng tiếc.
Cách đây ít ngày, một cậu bé 4 tuổi cùng mẹ đi siêu thị. Cậu bé đã lấy một gói bánh ăn nhẹ một cách vô tư mà không biết mình phải trả tiền cho thứ đó. Khi đi tới quầy tính tiền, nhân viên siêu thị đã chặn hai mẹ con lại. Cô buộc tội cho người mẹ và đứa trẻ về việc ăn cắp và yêu cầu người mẹ phải đền gấp 10 lần khoản tiền của sản phẩm.
Cặp mẹ con bị giữ lại và quy kết là ăn cắp sau khi đứa trẻ trót lấy một gói đồ ăn vặt để vào túi mẹ
Người mẹ đã rất bối rối. Hóa ra, khi cô không để ý, con đã đặt một túi đồ ăn nhẹ vào túi xách của mẹ. Nhìn sự hung hăng của nhân viên quầy và lời đề nghị bồi thường gấp 10 lần, người mẹ đã đanh thép đáp trả:
- Những món đồ này có giá chỉ khoảng 2 đô la. Đừng nói là đền 10 lần, 20 lần tôi cũng sẵn sàng. Vấn đề tôi muốn nói ở đây là con trai tôi không ăn cắp bất cứ thứ gì. Nó còn quá nhỏ, chưa có khái niệm về tiền bạc.
Cô có thấy mình sai lầm khi sử dụng từ “ăn cắp” để nói về hành vi của một đứa trẻ 4 tuổi, điều này có phù hợp hay không? Có lương tâm hay không? Khi cô nói rằng con trai tôi ăn cắp, chắc chắn nó sẽ tạo ra một tiếng xấu cho bé. Cô phải xin lỗi con trai tôi.
Nữ nhân viên bị phê bình vì đã quy kết tội ăn cắp cho một đứa trẻ
Những người xung quanh cũng tỏ ra đồng ý với lời biện minh này, một số người còn nói thêm: “Trẻ nhỏ chúng chưa hiểu gì nên không thể gọi là ăn cắp. Chúng không có khái niệm phải trả tiền nên vô tư lấy món đồ mình thích. Nhân viên siêu thị nên hiểu điều đó, không nên quá cứng nhắc”. Sau hàng loạt những lời góp ý, nhân viên siêu thị đỏ mặt và đồng ý để người mẹ trả lại món đồ rồi rời đi.
Tuy nhiên, để tránh những tình huống rắc rối đáng tiếc không nên có, cha mẹ cũng nên dạy dần cho con hiểu về việc sử dụng tiền để có được những món đồ mình mong muốn.
Cho trẻ học cách xác định quyền sở hữu của các món đồ
Đầu tiên, hãy dạy con bạn xác định quyền sở hữu của món đồ đó và cho trẻ biết thứ gì là của mình, thứ gì là của người khác mà mình không được phép tùy tiện lấy. Những thứ của riêng bạn có thể được sử dụng, nhưng những thứ của người khác không thể lấy ngẫu nhiên.
Bởi thế, khi đi siêu thị, hàng hóa không phải là món đồ của ta nên không thể lấy theo ý muốn. Để có được cái mình thích, trẻ phải trả tiền tương xứng theo quy định.
Hãy dạy con bạn xác định quyền sở hữu của món đồ đó và cho trẻ biết thứ gì là của mình, thứ gì là của người khác mà mình không được phép tùy tiện lấy. (Ảnh minh họa)
Thường xuyên đưa con ra ngoài để có được những kiến thức cơ bản
Việc cho con ra ngoài, va chạm, tiếp xúc sẽ khiến trẻ nhìn và cảm nhận mọi thứ tốt hơn. Nếu bạn giữ con ở nhà, dù bạn có yêu con đến mấy thì con cũng không thể trưởng thành. Dù là đi chơi, thậm chí đi dạo, trong quá trình giao tiếp với người khác, trẻ sẽ được khám phá thế giới, chắc chắn sẽ có tiến bộ và nắm được những điều cơ bản nhất trong cuộc sống.
Nhưng là cha mẹ, chúng ta nên luôn dạy con một số ý thức cơ bản chung trong cuộc sống hàng ngày, cho trẻ biết những gì chúng nên làm và không nên làm. Người lớn cũng nên có cái nhìn bao dung trước những hành động chưa ý thức hết được của trẻ, tránh kết tội tàn nhẫn để ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Thế giới trẻ em rất đơn giản. Chúng không có khái niệm rõ ràng về "ăn cắp". Ngay cả khi thỉnh thoảng trẻ mắc lỗi, trẻ thực sự không hề biết mình đã làm sai. Hãy đối xử với trẻ bằng sự tử tế và khoan dung.