Khi bé Sóc còn nhỏ, chị Thảo đã làm mẫu cho con về cách xử lý khi gặp mâu thuẫn với bạn bè. Nay Sóc đã 3 tuổi nếu gặp bất cứ vấn đề gì liên quan đến mối quan hệ cá nhân, chị yêu cầu con “đừng tìm đến mẹ”.
Video: Chị Thảo hướng dẫn con "dàn xếp" mâu thuẫn với bạn
Chị Lại Thị Phương Thảo, hiện đang giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội và có thêm một đam mê giáo dục trẻ nhỏ. Cũng chính niềm yêu thích đó đã giúp chị có nhiều phương pháp dạy con rất thiết thực. Bé Sóc năm nay mới 3 tuổi nhưng nhờ được mẹ rèn các bài tập vận động và tính tự lập nên con có phần trưởng thành hơn so với các bạn cùng trang lứa. Con còn bé nhưng tỏ ra rất điềm tĩnh do được mẹ hướng dẫn cách chế ngự cảm xúc ngay từ khi lên 2 tuổi.
Hình ảnh về hoạt động nghiên cứu và đào tạo phương pháp giáo dục của chị Thảo
Mẹ 8X tiết lộ bí quyết giáo dục con theo từng giai đoạn
Chị Thảo cho biết bản thân đã tìm hiểu và áp dụng phương pháp giáo dục sớm từ khi bắt đầu sinh con. Trong ba năm qua, chị đã đi sâu vào tìm hiểu, học tập và nghiên cứu về phương pháp, thực hành áp dụng với chính con mình, tiến hành hoạt động trực tiếp chia sẻ, đào tạo về phương pháp này cho các phụ huynh, giáo viên mầm non ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Khi mới 2 tháng tuổi, Sóc được mẹ cho chơi flashcard
Quá trình 4 năm đồng hành cùng con, chị Thảo có chia ra các giai đoạn lứa tuổi khác nhau với những mục tiêu giáo dục khác nhau. Ở giai đoạn nhỏ tuổi sơ sinh đến 3 tháng tuổi chị sử dụng flashcard đen trắng để chơi với con trong 2-3 phút khi bé thức giấc.
Giai đoạn 3-6 tháng ngoài việc tiếp tục sử dụng thẻ flashcard đen trắng, mẹ chơi thêm với bé một vài bài tập vận động để hỗ trợ cho giai đoạn bé tập lẫy, bò.
Khi 1 tuổi, mẹ giới thiệu về thế giới bên ngoài cho con bằng việc đưa con ra ngoài chơi và nói chuyện tương tác cùng con. Sau đó là các bài tập vận động chuyển sang bài tập hỗ trợ ngồi, đứng, đi.
Lên 1 – 2 tuổi con bắt đầu nhận biết cái tôi của cá nhân và làm chủ một số hoạt động của bản thân nên mẹ sẽ tập trung dạy con về nhận diện làm chủ cảm xúc, cách giải quyết các tình huống nảy sinh trong các mối quan hệ xã hội
Giai đoạn 3 – 4 tuổi, mẹ sẽ định hướng đến việc giáo dục bé thành một cá nhân độc lập trong cuộc sống và trong xã hội… Con chủ động, độc lập, tự giác làm những hoạt động sinh hoạt cá nhân của con như: ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân. Tham gia vào hỗ trợ mẹ việc nhà: rửa bát, giặt quần áo, dọn dẹp sắp xếp lại phòng. Chủ động trong việc giải quyết các mối quan hệ cá nhân.
Các hoạt động của con đều có mẹ đồng hành
Con gặp xích mích, mẹ thẳng thắn: “Đừng tìm đến mẹ”
Trong tất cả những bài dạy con trong suốt gần 4 năm đầu đời, điều khác biệt hơn cả so với phương pháp mà các phụ huynh khác thường làm là cách chị Thảo dạy con chủ động trong việc giải quyết các mối quan hệ cá nhân.
Theo lời chị Thảo, ngay từ lúc 2 tuổi con đã bắt đầu mở rộng thêm các mối quan hệ xã hội với bạn bè, giáo viên ở trường lớp, con không chỉ còn quanh quẩn trong các mối quan hệ thân thuộc gia đình. Lúc này con phải học cách tách rời gia đình, người thân và hòa nhập với tập thể. Cái tôi cá nhân đặt trong mối quan hệ với cái ta của số đông. Nên việc dạy con cách giải quyết các tình huống nảy sinh trong các mối quan hệ xã hội là cực kỳ quan trọng, để bé hiểu rõ quy tắc xử sự trong mối quan hệ xã hội chung thông qua việc mẹ ở giữa và giúp con giải quyết các “xung đột”, “mâu thuẫn” trong quan hệ với người khác.
Sóc nghiên cứu và học từ mọi thứ xung quanh
Chia sẻ đến đây, chị Thảo nhớ lại bài làm mẫu các bước giúp con dàn xếp với bạn. Chị kể: “Lúc đó Sóc đang cầm chơi chiếc xe đồ chơi của Pi - khi Pi đang mải đi nhặt hạt na và không chơi gì đến xe. Lúc sau Pi quay ra nhớ đến chiếc xe và giằng lấy từ tay Sóc, thế là Sóc khóc đòi lại. Cả hai phản ứng của Sóc và Pi đều rất hợp lý. Xe của Pi nên Pi có quyền lấy lại. Sóc đang chơi 1 lúc rất yên bình tự nhiên bi giằng mất nên Sóc có quyền khóc.
Vấn đề cốt lõi ở đây là sự công bằng: Rõ ràng lúc này Sóc đang khóc nhưng không phải vì thế mà tìm cách bù đắp cho Sóc bằng cách người lớn thuyết phục Pi thay Sóc để cho Sóc mượn xe. Mà:
- Bước 1: Nói với Sóc sự thật: Đây là xe của Pi, con muốn chơi thì phải mượn Pi
- Bước 2: Nhờ Pi đứng lại để nghe Sóc nói chuyện
- Bước 3: Hướng dẫn Sóc cách đối thoại để giải quyết vấn đề. Cách mở lời để trao đổi mong muốn (điều này là vô cùng quan trọng. Mọi cuộc đối thoại thành hay bại 80% nằm ở câu mở đầu). Sau đó hướng dẫn Sóc cách thỏa thuận để thương lượng với Pi. (Đây là vấn đề mấu chốt để đạt được kết quả cho cuộc đối thoại).
- Bước 4: Hỏi Pi có đồng ý cho Sóc mượn không? Cần phải dạy Sóc cách tôn trọng quyết định của Pi để hiểu rõ vấn đề quyền quyết định của chủ sở hữu
- Bước 5: Sau khi Pi đồng ý cho mượn, hướng dẫn Sóc cách nói lời cảm ơn Pi. Và không quên dặn dò Sóc hãy nhớ lời hứa trong "hợp đồng" của mình là "3 phút sau sẽ trả lại cho Pi".
- Bước 6: Khen ngợi Pi để Pi hiểu được giá trị của cách hành xử trong một mối quan hệ xã hội. Giá trị của sự cho đi sẽ giúp gì cho mình và cho bạn.
Kết quả của cuộc dàn xếp chính là từ chỗ Pi giằng lại đồ chơi trong tay Sóc, Pi đã chủ động tự giác cầm đồ chơi đặt thẳng vào tay Sóc. Sóc và Pi đều tự học được cho mình rất nhiều giá trị trong một mối quan hệ”.
3 tuổi 10 tháng bé Sóc tự giác rửa bát
Giờ đây mỗi khi con có mâu thuẫn với bạn bè, nếu bé chạy ra “mách mẹ”, chị Thảo sẽ thẳng thắn nói với con rằng khi con còn nhỏ mẹ đã làm mẫu cho con biết cách xử lý tình huống. Nay con hãy chủ động trong việc ra nói chuyện với bạn, đừng tìm đến mẹ. Hoặc nếu con không biết phải làm thế nào thì hỏi mẹ và mẹ sẽ nói cho con biết cách giải quyết để con tự ra nói chuyện với bạn, chứ mẹ không đứng ra để “dàn xếp” thay con.
Thuận lợi hơn cả cho việc rèn giũa con ngay từ nhỏ, chị còn nhận được sự ủng hộ đồng thuận về quan điểm và phương pháp giáo dục từ chồng. Nên có sự thống nhất, đồng điệu trong quá trình nuôi dạy bé. Đó thực sự là một sự hậu thuẫn vô cùng lớn về tâm lý để giúp mẹ có thể bình tĩnh và tâm an nuôi dạy con.
Con rất tự giác khi đi du lịch
Tuy nhiên quan điểm giáo dục của chị cũng không được sự thấu hiểu hết của mọi người xung quanh. Nên cũng có những lúc chị phải cân nhắc giữa các mối quan hệ và giá trị trong sự phát triển, trưởng thành của trẻ. “Những lúc như thế, đòi hỏi mình phải hết sức tâm an, kiên định, bản lĩnh và phải luôn tự nhắc nhủ bản thân “mọi sự hy sinh dành cho trẻ nhỏ đều xứng đáng”” – mẹ Hà Nội nói.
Dạy con là một hành trình dài, với chị Thảo thì lộ trình đó tối thiểu cũng sẽ phải đến năm con 18 tuổi. Nhưng trong thời gian gần nhất, chị dự định sẽ dạy con gắn liền với những thay đổi của gia đình và thay đổi của tâm lý lứa tuổi bé.