Dòng trạng thái của bà xã đạo diễn Đức Thịnh khiến nhiều người hâm mộ quan tâm.
Làm bố mẹ, hạnh phúc nhất không phải là tiền tài của cải, hay cho con một cuộc sống xa hoa mà là được chứng kiến con trưởng thành khỏe mạnh, vui vẻ. Chỉ cần con không đau ốm hay bệnh tật, thì đối với nhiều bậc phụ huynh đó đã là một món quà vô giá. Vợ chồng diễn viên Thanh Thuý - Đức Thịnh có lẽ mong muốn điều này hơn bất kỳ ai.
Mới đây trên trang cá nhân, Thanh Thuý đã đăng tải loạt hình con trai út Thiên Phú, đồng thời bất ngờ tiết lộ về tiến triển bệnh tình cậu quý tử sau 2 năm bố mẹ đồng hành chữa trị khiến nhiều người hâm mộ chú ý.
Theo đó được biết, hôn nhân của cặp sao Vbiz nổi tiếng Thanh Thuý - Đức Thịnh càng thêm trọn vẹn khi cả hai lần lượt chào đón sự ra đời của 2 chàng hoàng tử. Con trai đầu lòng của Thanh Thuý - Đức Thịnh tên ở nhà là Cà Phê, 10 năm sau bé trai thứ 2 xuất hiện và được bố mẹ gọi với tên thân mật là Tết.
Các con của Thanh Thuý - Đức Thịnh đều “trộm vía” ngoại hình điển trai. Tuy nhiên, lúc con trai út đi học mầm non, cặp vợ chồng đã rất sốc khi bác sĩ thông báo đứa trẻ bị bệnh tăng động giảm chú ý. Bé Tết vẫn hoạt bát, chơi đùa như những đứa trẻ khác, nhưng đến nay dù đã 6 tuổi mà nhóc tỳ vẫn chưa biết nói.
Dẫu vậy, sau 2 năm được bố mẹ tích cực đồng hành chữa trị, bệnh tình của cậu bé đã có tiến triển tốt. Thanh Thuý vỡ oà hạnh phúc báo tin vui: “Bé Phú bé nhỏ ngày nào nay đã biết tự đi vệ sinh, còn biết bấm nút dội nước, tắt đèn, đóng cửa nữa chứ! Giỏi hơn nữa là biết tự mặc quần áo, quét nhà, biết kéo phéc-mơ-tuya giỏ mẹ lục kiếm điện thoại chơi, biết giơ tay bái bai (tạm biệt) cô giáo khi ra về”.
Ngay khi bà xã Đức Thịnh có bài chia sẻ về con trai út, rất nhiều người hâm mộ đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến gia đình và bé Tết. Ai cũng cảm thấy vui thay cho vợ chồng cặp diễn viên, vì cuối cùng nỗ lực của gia đình trên hành trình chữa bệnh cho con trai cũng đang dần thu được những “quả ngọt” xứng đáng.
Trên thực tế những trường hợp trẻ ở độ tuổi như con trai Thanh Thuý - Đức Thịnh nhưng chưa chịu nói nhiều, chậm nói là không hiếm. Nguyên nhân có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, cha mẹ có thể đưa con tới gặp bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn kỹ hơn. Bên cạnh đó, trong cuộc sống đời thường, chính ba mẹ cần là người hỗ trợ con tập nói:
1. Tích cực nói chuyện với bé
Dù bé không thể nói hay phản ứng lại thì bố mẹ vẫn nên nói chuyện thường xuyên với bé. Việc này sẽ giúp bé cải thiện khả năng ngôn ngữ, giao tiếp và ghi nhớ từ vựng. Đặc biệt, bố mẹ nên tích cực nói với bé mọi lúc mọi nơi. Khi đang làm bất cứ việc gì cũng nên mô tả cho bé hiểu. Không nên nói bằng giọng “nựng bé’ khiến bé khó bắt chước, hãy nói chuyện với bé từ từ, chậm rãi, rõ câu chữ để bé có thể bắt chước được.
2. Sử dụng hình ảnh trực quan
Một trong những cách dạy trẻ chậm nói hiệu quả là sử dụng hình ảnh trực quan. Khi bé nhìn thấy vật gì hoặc làm hành động gì thì bố mẹ hãy miêu tả sự việc bằng một hai từ đơn giản để giúp bé nhớ từ vựng và học cách phát âm.
Ví dụ: Mẹ có thể đưa cho bé quả bóng cho bé chơi và dạy bé nói “quả bóng”, liên tục sẽ nhanh giúp bé nhận thức được đó là quả bóng, ghi nhận và sau đó sẽ bật thành tiếng.
3. Trả lời bé
Mẹ nên quan sát để hiểu bé muốn nói gì. Đặc biệt khi bé nói chuyện, mẹ nên trả lời lại để khuyến khích bé tập nói.
4. Không bắt chước ngôn ngữ của bé
Khi bé chậm nói, bé sẽ phát âm không chuẩn. Bố mẹ không nên bắt chước những câu đó vì dễ khiến bé hiểu nhầm là bé nói đúng. Cách dạy trẻ chậm nói tốt nhất là bố mẹ cần sửa để bé phát âm chuẩn. Bố mẹ chỉ cần kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại nhiều lần bé sẽ có tiến bộ.
5. Tiếp xúc với nhiều người
Dù trẻ con chưa thể nói chuyện được như người lớn nhưng chúng có ngôn ngữ riêng với nhau. Vì vậy mẹ hãy tạo cơ hội cho bé gặp gỡ bạn bè cùng tuổi để bé, hay đưa bé đi dã ngoại với những người bạn cùng tuổi của bé… để phát triển khả năng ngôn ngữ, giao tiếp.
6. Hạn chế cho bé xem ti vi, điện thoại
Xem tivi, điện thoại là cách tương tác một chiều không có hiệu quả cho bé tập nói. Vì vậy trong giai đoạn bé đang phát triển ngôn ngữ, bố mẹ nên hạn chế cho bé sử dụng các thiết bị này và cố gắng dành nhiều thời gian nói chuyện, tương tác với bé.
7. Đọc sách, đọc truyện cho trẻ
Một trong những cách dạy trẻ chậm nói nữa là mẹ có thể kết hợp đọc sách, đọc truyện cho bé. Mẹ có thể ôm con vào lòng, cầm những cuốn sách, truyện có tranh vẽ và vừa đọc vừa chỉ vào những hình ảnh ngộ nghĩnh cho bé xem. Bằng cách này mẹ sẽ giúp con quen với vần điệu mới, nhiều từ mới hơn, tăng khả năng nói cho bé.
8. Không gượng ép
Mẹ không nên gượng ép bé nói, quá trình dạy con nói là 1 quá trình dài, cần theo thời gian. Đừng gượng ép bắt bé phải nói, hãy để thời gian cho bé tập quen, dần dần bé sẽ nói theo. Và khi bé nói mẹ không nên dành những hành động vỗ tay, khen ngợi con. Để dạy trẻ chậm nói cần dành rất nhiều thời gian, tâm huyết cho con, không thể nóng vội.
9. Dạy bé nói những từ đơn giản, từ đơn trước
Khi mới bắt đầu dạy trẻ chậm nói thì hãy bắt đầu với những từ đơn giản nhất, từ đơn trước. Ví dụ như các từ như mẹ, bà, cơm… để bé tập nói theo. Những từ đơn sẽ dễ dàng phát âm và ghi nhớ hơn. Đồng thời, kết hợp hình ảnh để giúp bé có hứng thú hơn.