Nâng mũi thất bại chưa chắc đã hoàn toàn là do thực hiện tại cơ sở không uy tín, mà chính là...
Nâng mũi để giúp mình có khuôn mặt hài hòa, thanh tú hơn là chuyện đã có từ hàng trăm năm trên thế giới. Với người Việt Nam vốn bẩm sinh “mũi tẹt, da vàng”, chuyện nâng mũi cũng không hề xa lạ. Đặc biệt là thế hệ trẻ, chiếc mũi S-line, cặp mắt hai mí và chiếc cằm V-line chuẩn Hàn Quốc luôn là điều các chị em mong muốn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được một chiếc mũi đẹp, bởi trên thực tế, có rất nhiều biến chứng thường xảy ra sau khi nâng.
1. Sống mũi bị lệch
Nâng mũi là loại phẫu thuật tưởng như ai cũng làm được, nhưng thực sự là một thách thức nghề nghiệp cho mọi bác sĩ thẩm mĩ. Dù nâng mũi theo kĩ thuật nào thì rắc rối thường gặp nhất vẫn là chuyện sống mũi lệch vẹo, có thể biểu hiện sớm sau mổ vài ngày hoặc vài tuần. Sống mũi bị lệch có thể do bác sĩ đặt lệch khi phẫu thuật hoặc đặt thẳng mà băng nẹp cố định không tốt hoặc do bệnh nhân vận động di chuyển quá mức làm chấn động di lệch. Để giải quyết thường phải can thiệp sớm ngay khi hết sưng đau để đặt lại sống mũi với sự chú ý tránh lặp lại những nguyên nhân đã gây ra lệch vẹo.
Sau khi nâng mũi, bạn nên có chế độ chăm sóc mũi cẩn thận và đúng cách, bởi đây là khâu cuối cùng giúp bạn có được một chiếc mũi đẹp và an toàn nhất có thể. Bạn có thể nhờ các bác sĩ tư vấn thật kĩ và tuân thủ đúng các phương pháp chăm sóc mũi tại nhà, đồng thời uống thuốc và tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ để có hiệu quả nâng mũi cao nhất.
2. Vết mổ không lành
Rắc rối thứ hai là chuyện vết mổ không lành. Niêm mạc mũi thường rất mỏng manh, nhất là ở 2 bên vách ngăn. Nếu kĩ thuật mổ mà đi qua hoặc tác động trực tiếp lên niêm mạc mũi cộng với lực tì đè của chất liệu cấy ghép có thể dẫn đến hệ quả vết mổ khó lành, thậm chí không lành. Vết thương lâu lành còn có thể do nhiễm khuẩn, nhưng nếu nhiễm khuẩn đơn thuần và được điều trị kịp thời có thể bảo tồn được sống mũi ghép. Biểu hiện của nó là vết mổ thấm dịch kéo dài có thể gây sưng nề gốc mũi hoặc toàn bộ tháp mũi. Trong trường hợp này, dù có cố gắng điều trị bảo tồn thì cuối cùng thường vẫn phải tháo bỏ chất liệu sống mũi cấy ghép để nếu muốn làm lại hay không cũng phải chờ sau 1 - 2 tháng khi vết thương đã lành.
3. Vết thương ửng đỏ
Biến chứng thứ 3 là đầu mũi đỏ hoặc toàn bộ sống mũi. Rắc rối này xảy ra muộn có khi sau nhiều tháng đến một vài năm. Đây có thể là phản ứng tại chỗ của cơ thể với vật lạ cấy ghép và cũng phải xử lý bằng cách lấy bỏ sống mũi cấy ghép để sau khi lành sẽ làm lại bằng phương pháp khác.
4. Lộ sống mũi ghép
Một biến chứng khác đòi hỏi phải giải quyết mổ lấy bỏ sống mũi càng sớm càng tốt ngay khi có dấu hiệu là biến chứng trồi lộ sống mũi ghép, mà thường bị nhất là đầu mũi hoặc chân sống mũi ở phía trong tiểu trụ. Nguyên nhân có thể là do di chuyển dịch sống ghép theo trọng lực, có thể do sự teo nhanh mô mềm sau khi ghép hoặc do sống mũi ghép bị đặt ở lớp quá nông. Đặc biệt là ở đầu mũi, có khi xảy ra muộn sau một vài năm với biểu hiện đầu mũi nhô ra, da mỏng dần, thậm chí có khi do không có điều kiện tái khám nên khi bệnh nhân đến thì da đã bị thủng lòi đầu sống mũi ghép ra ngoài.
5. Quan điểm không đồng nhất giữa bác sĩ và khách hàng
Biến chứng cuối cùng ở đây là sự nhận định kết quả phẫu thuật về mặt thẩm mĩ, tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại rắc rối tới tâm lý bệnh nhân khiến cho bệnh nhân và cả bác sĩ thực hiện đều không hài lòng, do đó cũng phải phẫu thuật lại để có kết quả tốt hơn. Có đôi khi nhận định của bác sĩ và bệnh nhân không thống nhất, bác sĩ thấy mũi đẹp mà bệnh nhân không chấp nhận. Trường hợp này thường phải có thời gian để bác sĩ kiên nhẫn thuyết phục bệnh nhân, tạo sự thông cảm để có thể dung hòa ý kiến, còn nếu không “hòa giải” thì lại phải làm lại hoặc lấy bỏ theo yêu cầu để làm hài lòng khách hàng.
Bài viết tham khảo ý kiến của hai vị Ths.BS. Cao Ngọc Bích và Gs.TS. Lê Gia Vinh