3D không còn là một công nghệ xa lạ đối với khán giả, nhưng số lượng những bộ phim thực sự thuyết phục với những hình ảnh 3 chiều vẫn chưa nhiều.
Cùng điểm qua những bộ phim thật sự thuyết phục khi dùng công nghệ 3D.
1. Avatar (đạo diễn: James Cameron, 2009)
Kể cả với cốt truyện không mới mẻ, Avatar vẫn làm chấn động thế giới với cách sử dụng công nghệ 3D hút hồn. Hãy nhìn cảnh Jack tập bay trên lưng Toruk, khán giả hoàn toàn chìm vào một chuyến bay đầy phấn khích và sống động trên từng giây.
2. Dial M for Murder (đạo diễn: Alfred Hitchcock, 1954)
Ở thập kỷ 50, công nghệ 3D khác với thời hiện đại khi phụ thuộc vào chiếc kính có 2 màu xanh đỏ để lồng hình ảnh thành 3 chiều cho người xem. Đạo diễn Alfred Hitchcock đã tận dụng kỹ thuật này để tăng hiệu ứng cho hai cảnh cận trong bộ phim trinh thám của mình. Chiếc chìa khóa phòng và chiếc kéo lóe sáng đều đóng góp vào nội dung phim những hình ảnh đắt giá.
3. How to Train Your Dragon (đạo diễn: Chris Sanders & Dean DeBlois, 2010)
Hiệu ứng 3D được sử dụng triệt để trong những khoảnh khắc quan trọng của phim, như khi Hiccup dạy Toothless bay lần đầu tiên. Khán giả gần như cảm nhận được sự phóng khoáng của hai người bạn khi lao qua vùng trời Bắc Âu. Nhưng chính cảnh chiến đấu với những con rồng ác mới là đỉnh cao của kỹ thuật 3D trong phim, khi tính kết nối với khán giả được tăng cường rõ rệt.
4. Cave of Forgotten Dreams (đạo diễn: Werner Herzog, 2010)
Phần lớn các phim sử dụng 3D đều có hiệu ứng màu sắc rất nổi trội. Nhưng đạo diễn Werner Herzog không nghĩ đây là điều kiện tiên quyết. Bộ phim Cave of the Forgotten Dreams của ông là quá trình tìm những bức tranh cổ trong động Chauvet (Pháp). Công nghệ 3D làm những bức họa vốn bị chôn vùi như sống dậy, trong khi ngầm khẳng định hội họa là bắt nguồn của văn hóa cũng như tiền thân của điện ảnh.
5. Coraline (đạo diễn: Henry Selick, 2009)
Hoạt hình stop-motion cũng là một thể loại phù hợp với kỹ thuật quay 3D. Kết hợp với một câu chuyện kinh dị/viễn tưởng theo phong cách độc đáo như Coraline, 3D làm bộ phim nhuốm một không khí rợn gáy nhưng đượm buồn khó quên.
6. Step Up 3D (đạo diễn: Jon M. Chu, 2010)
Với Step Up 3D, khán giả không chỉ được thưởng thức những màn vũ đạo mê hồn, với công nghệ đa chiều mà còn có thể cảm nhận từng bước nhảy, từng điệu múa như đang hiện hữu trước mắt mình. Thật ấn tượng và hoàn toàn mãn nhãn.
7. Up (đạo diễn: Pete Docter, 2009)
Câu chuyện ngôi nhà lơ lửng từ Bắc đến Nam Mỹ và chuyến đi của hai ông cháu Carl và Russell đã thú vị, và với hiệu ứng 3D, khán giả chỉ có ước muốn duy nhất là chạm vào những quả bóng bay màu sắc đang tung bay giữa màn hình.
8. House of Wax (đạo diễn: André de Toth, 1953)
Tuy đã gần 50 năm kể từ khi phát hành nhưng House of Wax vẫn là một bộ phim 3D đáng nhớ, từ những chi tiết lớn như đám cháy ở viện bảo tàng, cho đến những điểm nhỏ như quả bóng bàn hay vũ công múa. Điều đáng nói là trong khi bộ phim khá thành công về doanh thu và công nghệ 3D kính màu thì chính đạo diễn phim lại chưa bao giờ được xem sản phẩm này, bởi ông bị mù một bên mắt.
9. Toy Story 3 (đạo diễn: Lee Unkrick, 2010)
Với cách kể chuyện cảm động, Toy Story 3 có lẽ chẳng cần đến một chiều thứ 3 để chạm vào trái tim khán giả. Tuy nhiên, Pixar vẫn làm khán giả nghẹn ngào bởi cách sử dụng 3D để tô thêm chiều sâu và chi tiết cho thế giới của Woody, cũng như làm cuộc phiêu lưu thêm phần kịch tính.
10. Pina (đạo diễn: Wim Wenders, 2011)
Tung người, xoay, quay vòng, từ góc phố cho đến sân khấu, những điệu múa của vũ công Pina Bausch được miêu tả hết sức tinh tế. Công nghệ 3D được đạo diễn Wim Wenders sử dụng để tô điểm chứ không tạo ấn tượng, khán giả có thể cảm nhận từng nốt cảm xúc trong mỗi cử động của vũ công theo cách tự nhiên nhất.